Chương trình đã giới thiệu 12 bộ sưu tập áo dài với 285 mẫu thiết kế, được các nhà thiết kế Cao Duy, Nguyễn Thúy, Lê Kyo, Công Huân, Minh Hạnh sáng tạo được lấy cảm hứng thực hiện trên nền vải lụa.
Theo NTK Minh Hạnh - Tổng đạo diễn chương trình, “Lính và lụa” là một sự kiện áo dài đặc biệt, ở đó hình ảnh người lính là hiện thân của sự hy sinh, khổ luyện ngày đêm vì sự bình yên của đất nước.
Bên cạnh đó, chương trình còn mang thông điệp về những ước nguyện mọi người cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp văn hóa Việt. Áo dài là một di sản văn hóa truyền thống của người Việt. Còn tơ lụa - chất liệu truyền thống quý giá đã có từ hàng trăm năm cũng là vốn quý của người Việt.
Sự hy sinh của người lính được ví như những con tằm |
“Lụa được ví như hình ảnh người phụ nữ Việt, mềm mại, ấm áp nhưng dẻo dai, bền bỉ đi cùng năm tháng, mang đậm nét văn hóa người Việt. Lính và lụa là hai hình tượng được lồng ghép như những người mẹ, người vợ, hậu phương vững chắc luôn đồng hành cùng người lính, là điểm tựa tinh thần to lớn cho những nỗ lực, tính kiên trì, cho những chiến thắng, đó là sự kết hợp mang nhiều ý nghĩa: tôn vinh người lính trong vẻ đẹp oai hùng và vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ Việt Nam”- Minh Hạnh nói thêm.
NTK Minh Hạnh chia sẻ về người lính và lụa |
Theo Đại tá Thái Thành Đức - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, “Lính và Lụa” là chương trình đầu tiên được giới thiệu tại khuôn viên Bộ tư lệnh Quân khu 7 (số 202 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM) với khoảng 700 người tham dự. Ngoài phần trình diễn áo dài, chương trình còn tôn vinh các ca khúc đã thấm sâu vào ký ức hào hùng về như ca khúc “Hát về cây lúa hôm nay”, “Lá đỏ”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”...
Chùm ảnh về vẻ đẹp thời trang được lấy cảm hứng từ người lính qua buổi trình diễn "Lính và lụa"