“Gõ cửa” thủ phủ tơ lụa thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam, Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh và một số doanh nghiệp đã mang trang phục lụa đi biểu diễn, tiếp thị tại một số quốc gia châu Âu, trong đó có kinh đô của tơ lụa thế giới. Trong những “giỏ hàng” này có vải lụa óng ả của Bảo Lộc (Lâm Đồng), đũi Nam Cao (Thái Bình) độc nhất vô nhị...

Mang lụa Bảo Lộc đến châu Âu

Ngày 19/10, nhân kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- San Marino (một quốc gia độc lập nhưng nằm trong lòng nước Ý), Đại sứ quán nước ta tại các nước Ý và San Marino cùng Bộ Ngoại giao San Marino tổ chức sự kiện SILK & SAN MARINO tại nhà hát lớn Teatro Titano. Bà Maria Luisa Berti II và ông Manuel Ciavatta I (2 Đại Chấp chính của Cộng hòa San Marino) và ông Dương Hải Hưng (Đại sứ Việt Nam tại các nước trên) đã tham dự sự kiện.

“Gõ cửa” thủ phủ tơ lụa thế giới ảnh 1

Các nghệ sĩ, người mẫu Ý và Việt Nam biểu diễn áo dài ở San Mario

Để tổ chức sự kiện này, NTK Minh Hạnh cùng Công ty thời trang Vietmode, Vietnam Silk House và Công ty tơ lụa Nhật Minh mang đến San Marino nhiều trang phục được thiết kế từ lụa Bảo Lộc, đặc biệt là áo dài. Nghệ sĩ ưu tú Linh Nga thể hiện sinh động vũ khúc múa Nón cùng các diễn viên của Ý. Những người mẫu kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm trên các đấu trường catwalk như Trang Phạm, Hồng Quế, Kim Dung, Trà My biểu diễn cùng 12 người mẫu đến từ thành phố Milan của nước Ý.

Trả lời câu hỏi vì sao mang tơ lụa đến San Marino, chị Minh Hạnh nói: “Tôi muốn chia sẻ với thế giới rằng vẻ đẹp của tơ lụa Việt Nam là vẻ đẹp vĩnh cửu nếu thể hiện được bản sắc thời đại của chính mình. Đường tơ óng ả nối từ Bảo Lộc đến một đất nước được mệnh danh là Đại bình yên sẽ giúp nối dài đường tơ Việt tại châu Âu”.

Gần 3 tháng trước, cũng với sự hỗ trợ của Đại sứ Dương Hải Hưng, đoàn công tác của NTK Minh Hạnh và các công ty nói trên đã đến thăm, làm việc tại vùng Como (thủ phủ tơ lụa của Italia), gặp Chủ tịch tỉnh, Ủy viên Hội đồng thành phố phụ trách thương mại và Chủ tịch Phòng Thương mại Como. Hai bên đã trao đổi, thống nhất triển khai một số sáng kiến trong thời gian tới như thúc đẩy kết nối hợp tác giữa TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) với Como; cử đại diện thành phố Como cùng đoàn doanh nghiệp sản xuất tơ thăm Việt Nam và dự các hoạt động biểu diễn, giới thiệu tơ lụa Bảo Lộc trong khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt vào tháng 11 tới; tổ chức trình diễn thời trang Việt Nam tại hồ Como vào năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia.

“Gõ cửa” thủ phủ tơ lụa thế giới ảnh 2

NTK Minh Hạnh giới thiệu khăn lụa Bảo Lộc tại Como

Ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh cho biết 20 mẫu lụa mà đoàn công tác mang đến Como đã được các hãng sản xuất tại đây tiếp nhận để phân tích tính phù hợp với hoạt động thời trang của họ. Đặc biệt, một số mẫu tơ lụa Bảo Lộc đã được đặt lên bàn đối thoại trong cuộc viếng thăm hai công ty sản xuất tơ lụa lớn, được hình thành hơn trăm năm trước, bao gồm Công ty Ratti và Công ty dệt lụa 3D Tessitura Serica A.M. Taborelli S.R.L.

Theo NTK Minh Hạnh, Como được mệnh danh là “thành phố của lụa” và giới thời trang có câu “Mọi thương hiệu thời trang xa xỉ đều dùng tơ lụa của Como”. Hầu hết các nhà thiết kế thời trang tên tuổi của thế giới đều sử dụng lụa Como cho các bộ sưu tập. Nơi đây cung cấp 85% tơ lụa cho ngành thời trang của Ý và 70% tơ lụa cho toàn châu Âu. Cả ba kinh đô thời trang của thế giới là Milano (Ý), New York (Mỹ), Paris (Pháp) đều dựa vào sức mạnh tơ lụa của Como.

Mẫu mã độc đáo chỉ còn ở Việt Nam

“Quả là một thách thức nếu muốn tơ lụa Bảo Lộc đặt chân đến Como, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm vì tin tưởng vào thế mạnh và sự độc đáo của lụa Việt”, NTK Minh Hạnh quả quyết rồi giải thích thêm: 20 mẫu lụa chúng tôi gửi lại Como tưởng chừng là quá vãng nhưng thực ra lại đang nằm trong dòng chảy nhỏ mạnh mẽ và nhiều giá trị nhất của ngành tơ lụa. Chúng tôi muốn chứng minh với Como rằng Việt Nam có loại vải đũi tơ tằm, một dòng lụa độc đáo mà ngành thời trang của họ khó kiếm đâu ra.

Nguyên tắc của thời trang cao cấp là tính duy nhất và chất lượng tốt nhất. Những chất liệu thô bụi đang là khuynh hướng cho phong cách thời trang toàn cầu. Và vải đũi tơ tằm chính là hiện thân của dòng thời trang cao cấp nhất, không thể tìm ở đất nước nào ngoài Việt Nam. Mặt khác, không tấm đũi tơ tằm nào giống tấm nào vì được kết từ những sợi đũi lớn nhỏ khác nhau.

“Nhìn thấy xù xì như thế nhưng chất lượng đũi Nam Cao rất mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông nên người ta ưa chuộng lắm! Sản phẩm của Nam Cao được xuất sang Lào, Thái Lan… Cách đây gần 30 năm, nghề này ở Nam Cao rất phất, các xã đến học hỏi hoặc đến đây làm thuê để kiếm sống”, nghệ nhân Nguyễn Thị Bính (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình) phấn khởi nói.

Ông Phước giải thích thêm: Kén tằm từ TP Bảo Lộc được chuyển đến Nam Cao cho các nghệ nhân kéo sợi, sau đó chuyển trở lại Bảo Lộc, nơi có các nhà máy dệt lụa để tạo ra vải đũi tơ tằm với sản lượng lớn. Hiện Thái Bình là nơi duy nhất còn sót lại trên thế giới vẫn giữ được phương pháp kéo sợi tơ đũi thủ công (dùng khung cửi và kéo sợi bằng tay). Chúng tôi cũng đã kết hợp với công nghệ hiện đại đưa đũi vào dệt Jakca tạo ra sản phẩm có chất lượng đặc biệt.

“Gõ cửa” thủ phủ tơ lụa thế giới ảnh 3

Trang phục lụa Bảo Lộc trên đường phố Italia

“Rất nhiều lần tôi dùng chất liệu từ sợi đũi của Nam Cao và rõ ràng là mỗi lần xuất hiện những bộ sưu tập thì đũi đem lại một hiệu ứng khác. Còn tơ lụa Bảo Lộc, nhiều thập niên qua đã được xuất khẩu và được các hãng thời trang danh tiếng thế giới sử dụng, nhưng dưới tên những thương hiệu của Nhật, nay mới chính thức được những người sản xuất mang đến Como giới thiệu. Chúng tôi tìm cách kết nối để các nhà máy tại Como dệt bằng sợi tơ tằm của Bảo Lộc. Đó là phương pháp để tơ lụa Việt bước chân vào thủ phủ tơ lụa của Ý một cách chính danh và có tên trên hệ thống truy xuất nguồn gốc. Về lâu dài, tôi và những người sản xuất lụa tại Bảo Lộc sẽ nỗ lực hành động để lụa Việt Nam có tên trên bản đồ tơ lụa thế giới”, NTK Minh Hạnh chia sẻ.

TP Bảo Lộc là trung tâm sản xuất tơ lụa lớn nhất Việt Nam với hàng chục doanh nghiệp chuyên sản xuất tơ lụa. Sản lượng tơ của thành phố này khoảng 1.000-1.200 tấn và lụa đạt 3,5 triệu mét vuông/năm, chiếm 80% sản lượng tơ lụa cả nước. Tơ lụa Bảo Lộc hiện được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia, bao gồm Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc...

Theo Giám đốc Bảo tàng tơ lụa Como, từ thế kỷ thứ 2, người Việt đã giúp cho người Ý trong việc phát triển tơ lụa tại Ý.

MỚI - NÓNG