Độc đáo rừng rốn Tu Tunh

Làng Tu Tunh nơi có khu rừng rốn độc đáo.
Làng Tu Tunh nơi có khu rừng rốn độc đáo.
TP - Mỗi đứa trẻ Xê Đăng ở nóc Tu Tunh (thôn 4, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sau khi sinh ra được người thân mang phần rốn đã cắt gói bọc cẩn thận trong chiếc áo rồi đem treo trong rừng. Đây là một tập tục thể hiện văn hóa lâu đời của người dân bản địa.

Từ bao đời nay, người dân ở đây xem rừng rốn Tu Tunh là chốn thiêng liêng, là sợi dây gắn kết lưu giữ gốc gác nguồn cội nên tuyệt đối nghiêm cấm mọi hành vi chặt phá, hay gây hại cho rừng.

Rừng rốn Tu Tunh rộng chừng 1,5 héc ta và cách làng chừng 200 mét, được gìn giữ hàng trăm năm nay. Theo già làng Hồ Văn Nam, rừng rốn đã có từ rất lâu đời. Ngay cả những người già nhất trong làng cũng không biết chính xác rừng rốn có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra đã được ba mẹ truyền dạy phải gìn giữ. Còn rừng là còn làng.

Người Xê Đăng ở đây quan niệm rằng, khi con người sinh ra thì cái rốn là một phần của cơ thể nên không được chôn lấp mà phải đưa vào rừng cất giữ cẩn thận. Ở đó, mỗi phần rốn được gói bọc cẩn thận trong tấm vải dồ và treo ở lưng chừng trên thân cây. Mỗi đùm rốn được treo trên một cây xanh tốt để cho đứa bé cũng luôn được khỏe mạnh suốt đời.

Khác với rừng ma là nơi cấm kỵ thì khu rừng rốn được người dân dọn dẹp sạch sẽ và vào ra bất cứ khi nào. Tuy vậy, tuyệt nhiên không ai được phép chặt cây. “Tục làng cũng cấm các hoạt động như đốt lửa, đốn củi, chặt cây trong rừng rốn vì kinh nghiệm cho thấy khi rừng rốn bị xâm hại thì người dân trong làng sẽ ngã bệnh hoặc sinh mệnh bị đe dọa. Những ai cố tình phá hoại rừng thì sẽ bị phạt rất nặng” – già Nam cho hay.

Độc đáo rừng rốn Tu Tunh ảnh 1 Già Hồ Văn Canh bên bọc rốn được ông tận tay treo sau khi đứa cháu nội sinh ra.

Anh Hồ Văn Dang (28 tuổi, thôn 4, Trà Linh) chia sẻ anh được cha truyền đạt lại điều này từ khi con bé như tất cả những trẻ em khác ở đây nên đã ăn sâu vào tâm thức. Sau này do công việc, nhiều khi phải đi xa quê nhưng mỗi bận trở về anh đều vào đây để cảm nhận điều gì đó rất thiêng liêng của làng, và cùng thanh niên làng chung tay dọn dẹp, vệ sinh xung quanh rừng dịp sau tết.

Sau khi cưới vợ, sinh con, tự tay anh Dang mang khúc rốn của con gái mình vào rừng treo với tâm niệm con cái sẽ được khỏe mạnh. “Không hiểu sao có một cảm giác rất gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng khi bước vào rừng. Những đứa trẻ Xê Đăng ở đây đều cảm thấy mình may mắn khi được người thân của mình treo rốn trong rừng” - anh Dang chia sẻ.

Độc đáo rừng rốn Tu Tunh ảnh 2 Già Hồ Văn Canh và đứa cháu nội do được ông treo rốn trong rừng.

Còn ông Hồ Văn Canh nói rằng, đứa cháu nội Hồ Thị Minh Thủy (sinh 2016) sau khi sinh tự tay ông mang cất rốn trong rừng theo đúng phong tục giờ đang lớn lên khỏe mạnh và rất thông minh. “Những đứa bé được treo rốn ở đây sẽ lớn lên khỏe mạnh. Con trai thì chân khỏe để leo núi còn con gái thì khéo léo đan thổ cẩm” - Già Canh nói, và cho hay dân làng ở đây ai cũng tin tưởng vào điều đó.

Độc đáo rừng rốn Tu Tunh ảnh 3 Một bọc rốn được treo trên cây.

Nóc Tu Tunh hiện có 158 hộ gia đình với 266 nhân khẩu. Số bọc rốn treo trong rừng đếm không xuể. Chính vì vậy khu rừng này còn là sợi dây liên kết vô hình để gọi mời những người con xa quê. Thanh niên trong làng có người phải đi xa để làm ăn, hay dựng vợ gả chồng tận bên kia núi Ngọc Linh vẫn không quên nguồn cội. Những ngày lễ tết, thanh niên trong làng trở về đều tham gia phát quang, dọn dẹp xung quanh khu rừng.

“Cuộc sống có đổi thay thế nào thì với người con Tu Tunh vẫn thế, vẫn yêu rừng, bảo vệ rừng vì còn rừng là còn làng”.

Già làng Hồ Văn Nam

MỚI - NÓNG