Lặt lá mai
Dấu hiệu của mùa Xuân sắp về tại phương Nam thường thông qua hoạt động lặt (hái) lá mai. Theo quan niệm dân gian, hoa mai (thường đọc theo giọng Nam bộ là may) được mọi người tin là đem lại may mắn cho cả năm nên trong những ngày Tết, người Nam bộ thường trưng hoa mai trong nhà. Để mai nở đúng vào dịp Tết, trước Tết chừng 2 tuần nhiều gia đình đã tổ chức lặt lá mai. Các cây mai có dáng đẹp sẽ được gia chủ chọn để lặt lá. Lặt lá mai khá dễ, nhưng lặt sao để cho cây mai nở rộ hoa vào đúng ngày Tết đòi hỏi người lặt phải có kinh nghiệm, dự đoán từ thời tiết tới kích cỡ nụ hoa để tính toán ngày lặt lá cho chính xác. Rồi sau khi lặt lá là quá trình chăm sóc cẩn thận, tưới nước hằng ngày nhiều hay ít để sao cho khoảng vào 29 tới 30 tháng Chạp, hoa mai sẽ nở vàng rộm cả khu vườn.
Người dân đi chơi Xuân. |
Từ ngày 23 tháng Chạp- ngày tiễn ông Táo về trời, các hoạt động đón Tết bắt đầu nở rộ. Người dân phương Nam rất coi trọng lễ cúng ông Táo. Bên thau đựng cá chép để ông Táo cưỡi đi lên trời, người miền Nam còn cúng món Tam sên (3 món cúng tượng trưng cho Trời, Đất và Nước) gồm trứng gà (Trời), thịt heo (Đất) và tôm (Nước). Ngoài ra, mâm cúng còn có món chè trôi nước với ý nghĩa ông Táo ăn sẽ ngọt giọng hơn khi trình bày với Ngọc Hoàng những mong ước của người dân. Rồi các gia đình sẽ sơn sửa nhà cửa, lau chùi bàn thờ hay ra mộ dọn dẹp trang trí lại nơi an nghỉ của người đã khuất để thể hiện lòng thành kính tổ tiên.
Trên bàn thờ Tết, người Nam bộ thường trưng mâm Ngũ quả bao gồm 5 loại trái chính là: mãng cầu (na), sung, dừa, đu đủ, xoài với ý nghĩa mong muốn cuộc sống luôn Cầu - Sung - Vừa - Đủ - Xài. Mâm Ngũ quả phương Nam không trưng nải chuối như miền Bắc hay miền Trung vì quan niệm rằng “Trái chuối (đọc trại giọng miền Nam là chúi) sẽ khiến cho cuộc đời luôn chúi nhủi, vấp váp. Bên cạnh đó, nhiều người còn trưng thêm trái Phật thủ, trái thơm (dứa) nhiều mắt tượng trưng cho sự nảy nở sinh sôi, trái thanh long màu đỏ tượng trưng may mắn...
Ăn chơi ngày Tết
Chừng ngày 26 - 27 tháng Chạp, các gia đình bắt đầu tổ chức gói bánh Tét. Cả nhà xúm lại người vo gạo, người lau lá, người ướp thịt, nấu đậu. Ở phương Nam, người gói bánh Tét thường là phụ nữ. Các mẹ các chị ngồi bên chiếc chiếu với nguyên liệu được chuẩn bị sẵn. Họ xếp lá, bỏ nếp, bỏ nhân rồi gói lại, các thao tác cực kỳ nhanh và chính xác, chỉ chừng 1 phút là chiếc bánh Tét đã thành hình. Chưa uống xong bình trà, vài chục chiếc bánh đã được chất đống. Cánh đàn ông nhận trách nhiệm xếp củi, đặt bếp, ngồi nhâm nhi ly rượu suốt đêm để trông nồi bánh, sao cho có được những cặp bánh ngon để xếp lên bàn thờ rước ông bà tổ tiên về cùng vui Xuân.
Không chỉ bánh Tét, 2 món ăn truyền thống mà người miền Nam nấu trong dịp Tết là Thịt kho hột (trứng) vịt và Khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt. Thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông vức, hột vịt tròn đầy mang ý nghĩa “vuông tròn” thể hiện mong muốn về một cuộc sống đầy đủ, no ấm. Khổ qua nhồi thịt thể hiện ước mong sang năm mới, mọi sự “khổ” của năm cũ sẽ “qua” đi.
Mâm ngũ quả đa dạng. |
Tuy nhiên, dù sắm nhiều nhưng người phương Nam lại tiếp khách khá mộc mạc. Khách đến chúc Tết, gia chủ niềm nở: “Mời anh Hai vô nhà. Anh em mình làm bậy một ly nha” và món ăn dọn ra có khi chỉ là một đĩa tôm khô - củ kiệu - trứng bắc thảo, hay món khô nướng trộn gỏi là trái cây hái trong vườn… Nhưng khi khách tưởng chỉ uống nhấm môi lấy lệ để chút xíu còn đi nhà khác thì đã thấy bà chủ xuất hiện, xin lỗi khách vì nãy giờ lu bu dưới bếp không kịp lên chào. Rồi bà chủ bưng lên, nào là món gà trộn gỏi, nào là nồi cháo cá nghi ngút khói hay món lẩu hải sản ê hề rau củ… Bàn nhậu cứ được tiếp thêm mồi liên tục, cuộc “làm bậy 1 ly” kéo dài tới tối, khách và gia chủ nâng lên đặt xuống bao lần, hết chai này tới chai khác, hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời.
Những ngày Tết, nhiều gia đình tổ chức đi chơi xa. Người thì chở cả gia đình trên những chiếc xe máy, xe hơi hay trên ghe, có những người thì rủ cả vài gia đình cùng thuê một chiếc xe lớn để đi tới các thành phố du lịch như TPHCM, Đà Lạt hay Vũng Tàu, đem theo thức ăn, xoong chảo và cả bếp để nấu nướng. Tới nơi, tại nhà nghỉ, cánh nam giới trải chiếu làm đồ nhậu còn lũ trẻ và phụ nữ kéo nhau đi tới các khu du lịch để đi dạo, chụp hình ngắm cảnh...
Những ngày Tết, ở đầu mỗi xóm đều có những gian hàng trò chơi như ném chai, ném cổ vịt hay hát lô tô. Bên canh đó, những tiểu cảnh ngày Xuân cũng được dựng lên để mọi người có thể chụp hình.
Tại các khu chợ, không khí Tết được biểu hiện qua việc người người tấp nập. Người dân phương Nam ít khi bán nông sản trực tiếp mà bán qua thương lái, những ngày giáp Tết, thương lái đổ hàng về nườm nượp, ken đặc các khu chợ hay các thuyền trên sông. Từ hoa, cây kiểng, trái cây đến gạo, thịt cá hay lá chuối, đậu xanh, rau cỏ… Rồi hàng mã, thiệp chúc Tết, đồ trưng Tết cũng được bày bán kín dọc các lối đi.