Độc đáo công viên tượng cát

Độc đáo công viên tượng cát
TP - Phan Thiết hút hồn du khách bằng cách tạo ra những không gian nghệ thuật chưa đâu có trên cả nước. Một trong những điểm hẹn như vậy là Công viên Tượng Cát ở phường Phú Hài, nơi đang có 33 công trình điêu khắc độc đáo do những đôi tay vàng hàng đầu thế giới trau chuốt bằng cát đỏ biển Đông.

Với chiều dài bờ biển hơn ba ngàn km, cho đến nay nước ta vẫn chưa có nghệ nhân nào thành danh điêu khắc tượng cát (ĐKTC), trong khi môn nghệ thuật này thịnh hành từ lâu. Hàng năm, những cuộc thi ĐKTC tại Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Trung Quốc thu hút cả triệu lượt khách tham quan. 

Ý tưởng mang nghệ thuật ĐKTC về Việt Nam nảy sinh khi doanh nhân Lê Anh Tuấn đến xem cuộc thi của những nghệ nhân ĐKTC hàng đầu thế giới tại bãi biển Florida, Mỹ, năm 2015. Có sẵn nguồn cát phong phú, tại sao mình không tận dụng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc cho quê hương? Nghĩ là làm, năm 2016 ông Tuấn thành lập công ty TNHH Nghệ thuật Cát Việt, chọn Bình Thuận làm nơi tập kết.

Tác phẩm thử nghiệm đầu tiên với những chi tiết điêu khắc tỉ mỉ, sắc nét khiến đoàn giảng viên, sinh viên Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bất ngờ, càng hứng thú hơn khi họ được giao lưu với 2 nghệ nhân Mac David (Bỉ), Leonardo Ugolini (Ý) do công ty mời về chia sẻ kinh nghiệm. Được lãnh đạo tỉnh ủng hộ, Cát Việt quyết định đầu tư xây dựng công viên tượng cát đầu tiên tại Việt Nam bên trục đường chính từ phố biển Phan Thiết ra khu du lịch Mũi Né.

Độc đáo công viên tượng cát ảnh 1

Tác phẩm Con rồng cháu tiên của Susanne đến từ Hà Lan.

Phục sinh cổ tích và thần thoại

 Cuối 2016, công viên hoàn thiện hạ tầng cơ bản, đón đoàn 14 nghệ nhân từ 12 nước tới để điêu khắc các tác phẩm trưng bày. Miệt mài làm việc trong gần 1 tháng, các nghệ nhân đã tạo nên 20 bức tượng theo chủ đề “ Cổ tích, thần thoại Việt Nam và thế giới”. Ai đến xem cũng trầm trồ trước sự tinh xảo của những khối cát biển Đông nay đã biến thành chuỗi tác phẩm “Cóc kiện trời” của Eva Suzuko Mc Grew đến từ Mỹ; “Chú mèo đi hia” của David Jean Ducharme người Canada; “Lọ lem” của Dmitrii Klimenko và “Sơn Tinh Thuỷ Tinh” của Pavel Mylnikov- đến từ Nga; “Sự tích Thạch sùng” của Katsuhiko Chaen - Nhật Bản; “Tháp Ponagar” của Tan Joo Heng- Singapore; “Rùa và thỏ” của Gisele Prata Real - Brazil; “Sói và quạ” của Marielle Heessels-Hà Lan .

Chúng tôi dừng chân khá lâu trước tác phẩm “Kiến trúc lâu đài châu Âu” của Leonardo Ugolini-Ý, tượng cát sắc sảo đến từng chi tiết. Những cánh cửa buông rèm tạo ảo giác phất phơ trước khoảng tối sâu hun hút. Tác phẩm “Người đẹp và Quái thú” của Enguerrand Marie Aloys Charles David-Bỉ đồ sộ, kỳ công, sống động. Tác phẩm “Chùa Thiên Mụ” nghiêng nghiêng của Andrius Petkus - Lítva nhẹ nhàng mà duyên dáng. Tháp cao nhưng không xa bên cụ bà chít khăn mỏ quạ, lưng còng, nét mặt thuần Việt nhăn nheo hiền hậu, rất gần gũi, thân thương!

Những nữ nghệ nhân hàng đầu

Công viên tượng cát Phan Thiết dịp tết Đinh Dậu 2017 vừa mở cửa đã đón 10 nghìn lượt khách. Cái nắng chói chang từ xuân sang hè ở xứ biển Bình Thuận, cộng với nỗi lo mùa mưa bão sắp tới buộc công ty phải xây dựng hệ thống mái che kiên cố. Tượng phải đội mái chứ không được đội mây, rất tiếc về mỹ quan, nhưng chẳng còn cách nào khác để bảo vệ tượng cát ở xứ sở nhiệt đới này.

Mùa hè 2017, Cát Việt táo bạo tổ chức giải vô địch nữ điêu khắc gia tượng cát thế giới, qui tụ được 8 nữ nghệ nhân hàng đầu đến từ Ý, Bỉ, Mỹ, Úc, Hà Lan,Tây Ban Nha, Látvia, Canada.

Có tên họ khá dài, Supply Hanneke Ansje Linde Magdaleen 37 tuổi quốc tịch Bỉ từng tìm được “một nửa kia cho mình” trên hành trình đam mê ĐKTC, rồi trở thành cặp đôi ĐKTC ăn ý vòng quanh thế giới. 3 đứa con của chị lần lượt ra đời cũng theo cha mẹ đi ĐKTC khắp các châu lục.       

Trong nhóm 3 nữ nghệ nhân cùng sinh năm 1976, loạt tác phẩm nổi bật thuộc về Susanne Ruseler - Hà Lan. Susanne say mê ĐKTC từ năm 2003 khi còn đang học ngành sinh vật, và thành danh với nhiều tác phẩm ấn tượng được tạo ra từ tuyết, băng, bọt và bê tông. Tuy nhiên với chị, cát vẫn là “mối tình đầu”, là vật liệu thủy chung đã đưa cơ hội làm việc cho chị đến hơn 20 nước.

 Trong 8 nữ nghệ nhân, Mélineige Beauregard (sn 1981) là “con ông cháu cha” về nghệ thuật. Cha cô là điêu khắc gia nổi tiếng thế giới Guy Beauregard. Hai cha con từng chiến thắng giải vô địch thế giới hạng mục đôi về điêu khắc năm 2004. Sau đó, Mélineige đạt giải vô địch ĐKTC thế giới 2 lần tại Florida và Đài Loan.

Trẻ nhất trong nhóm, Sue Mcgrew sinh năm 1985 từng được tôn vinh là nghệ nhân ĐKTC nhỏ tuổi nhất nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô tham gia hơn 60 cuộc thi lễ hội tượng cát của hơn 30 quốc gia. Tại cuộc thi ĐKTC năm 2014 tại Brazil, nhóm của cô đã phá vỡ kỷ lục Ghi-nét toàn cầu về “Lâu đài cát cao nhất”. Trong chương trình truyền hình thực tế của kênh Travel Channel về “Những nghệ nhân cát chuyên nghiệp”, Sue nổi bật với những cuộc phiêu lưu khắp thế giới.

Cuộc so tài giữa 8 nữ điêu khắc gia khai mạc vào ngày 19/4 và kết thúc, trao giải vào ngày 1/5/2017. Tác phẩm “Con Rồng Cháu Tiên” mềm mại, xinh đẹp thần thái văn hóa Việt của Susanne Ruseler (Hà Lan) giành chiến thắng ở cả hai hạng mục Tượng cát xuất sắc nhất do du khách bình chọn, và Tượng cát xuất sắc nhất do các nghệ nhân lựa chọn. Giải nhì thuộc về “ Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn” của Sue Mc.Grew. Giải ba được trao cho “Sự tích Tết Trung thu” của Hanneke Supply (Bỉ).

Bí quyết

Các anh đã trộn chất gì vào cát, để nó trở thành loại vật liệu bền chặt, rắn chắc như vậy? Anh Nguyễn Trọng Minh- Trưởng phòng marketinh của Cát Việt, người hướng dẫn chúng tôi vào thăm công viên, mỉm cười:“ Hầu hết du khách đều thắc mắc tương tự. Mời nhà báo vào xưởng để xem quá trình chế biến cát”. 

Cát Bình Thuận nhiều màu, tuy nhiên loại cát phù hợp được chọn để điêu khắc tượng là loại cát mịn có màu đỏ sẫm và độ kết dính cao. Cát đỏ mênh mông bờ bãi được đưa về, cho vào máy ép thủy lực nén chặt, ép khô trong khoảng từ 7-12 ngày, rồi giao nghệ nhân tạo khuôn chi tiết cho tượng.  

Chính sự mong manh đã xác lập giá trị thưởng thức vẻ đẹp của những tượng cát tinh xảo trong từng khoảnh khắc tồn tại. Cát bụi rồi lại trở về cát bụi. Sự thành công về kỹ thuật chỉ giúp cho những tác phẩm điêu khắc trên cát bền chắc khoảng 1 năm. Khi tượng sạt lở, người ta phun nước cho cát rã dần, đem đi ép lại, tái sử dụng với triết lý từ nguyên liệu ban đầu, mầm sống phục sinh theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn”- anh Nguyễn Trọng Minh chia sẻ. 

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.