'Doanh nông' và chỉ số yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần đây, theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, xuất hiện một thuật ngữ mới, đó là “doanh nông”. Hình như thuật ngữ này là từ ghép giữa “doanh nhân” và “nông nghiệp”. Ngẫm nghĩ lại, ngày nay ghi nhận đa dạng khái niệm ghép. Điều đó có lẽ do tư duy con người luôn rộng mở và tích hợp điều mới, theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tương ứng với xu thế phát triển.

Phá bỏ lời nguyền “manh mún - nhỏ lẻ - tự phát”

Nông nghiệp, theo góc nhìn của một ngành sản xuất, chú trọng đầu vào, bắt đầu từ người nông dân. Trồng trọt hay chăn nuôi cũng vậy, thủy sản hay lâm sản cũng vậy. Khi nông nghiệp tích hợp tư duy kinh tế, thì chú trọng đầu ra là thị trường, là tối ưu hóa chi phí, lợi ích, lợi nhuận. Từ đầu vào đến đầu ra là một chuỗi các công đoạn: sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, vận chuyển đến người tiêu dùng. Phương châm “từ nông trại đến bàn ăn” chính là thể hiện hành trình chuỗi ngành hàng. Trên hành trình đó, những công đoạn đầu vào do người sản xuất thực hiện và những công đoạn cuối do doanh nghiệp đảm nhận. Hành trình đó như một cuộc chạy tiếp sức, người chạy trước trao gậy cho người chạy tiếp theo và cứ thế trao đến người nhận gậy chạy chạm đến đích cuối cùng.

'Doanh nông' và chỉ số yêu thương  ảnh 1

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan trong một lần lội ruộng

Ảnh trong bài: Báo NNVN

Chuỗi ngành hàng nông nghiệp có những đặc điểm riêng. Nền nông nghiệp đất nước mang lời nguyền “manh mún - nhỏ lẻ - tự phát”, dẫn đến thực trạng người sản xuất đại đa số là nông dân; trong khi người thu mua, chế biến, đưa đến thị trường không nhiều. Quan hệ giữa người sản xuất và doanh nghiệp phần nhiều theo cách “thuận mua, vừa bán”. Khi mùa vụ hút hàng, doanh nghiệp tìm đến người sản xuất tranh mua, dẫn đến mặc cả nâng giá; doanh nghiệp này nâng lên, doanh nghiệp khác nâng lên cao hơn. Khi thị trường khó khăn, người sản xuất tìm đến doanh nghiệp mặc cả xuống giá; người bán này xuống giá, người bán khác xuống giá thấp hơn.

Tích xưa có câu: “Sáu năm được mùa, sáu năm mất mùa, cứ 12 năm một lần đói lớn. Phàm giá gạo mua hai bán mười sẽ có hại cho nhà nông; mua chín bán mười, có hại cho nhà buôn. Người buôn bị hại thì của cải không có, nông dân bị hại, cỏ dại không trừ. Lên không quá, mua tám bán mười; xuống không dưới mua ba bán mười, nghề nông, nghề buôn đều được lợi, giá gạo ổn định, vật dụng đầy đủ, chợ không thiếu hàng. Đó là cái đạo trị nước”. Như vậy, muốn đạt điểm cân bằng lợi ích giữa hai bên không chỉ dựa trên giá cả mùa vụ mà còn phải nghĩ đến thu nhập của người sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp, và xa hơn là tương lai một nền kinh tế.

Thuyền không lớn sao vội ra khơi? Chí không cao, sao cùng thế giới?”

Nhạc sĩ Trần Tiến

Hình thức lao động nào cũng đều có giá trị riêng, sứ mạng riêng. Doanh nông cũng “lao tâm, khổ tứ”, thức khuya dậy sớm, tra tìm thông tin: giá cả đầu vào đầu ra, lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, thương lượng với đối tác ở những đất nước có múi giờ khác nhau,… . Tìm kiếm được thị trường với giá hợp lý rồi lại lo tìm nguồn nguyên liệu giá cả cũng phải hợp lý. Đôi khi hợp đồng thu mua nguyên liệu đã ký nhưng thực hiện đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đứt một chuyến hàng là bao điều xảy ra: bị phạt vi phạm hợp đồng, mất uy tín trên thương trường, mất thương hiệu dày công tạo dựng; phía sau là thu nhập của người lao động. Như vậy, thay cho tư duy mua bán mùa vụ, thương vụ; doanh nông cần chuyển sang tư duy hợp tác với nông dân trong dài hạn; tham gia đầu tư cho người nông dân một phần đầu vào từ giống, phương pháp sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm.

Trách nhiệm với đất nước

Đội ngũ doanh nông đâu chỉ những người kinh doanh nông nghiệp, mà còn là những người tạo ra những điều mới mẻ trong nông nghiệp. Người tạo ra sản phẩm OCOP, người làm nông nghiệp hữu cơ, người yêu thích nông nghiệp tuần hoàn, người tiếp cận nông nghiệp công nghệ; người lại chọn cho mình con đường vừa làm chủ nông trại vừa làm du lịch nông nghiệp, biến nông trại thành trường học giáo dục trải nghiệm… Mỗi người một đam mê tạo ra một giá trị, tổng hoà thành một nền nông nghiệp tích hợp đa tầng giá trị mang cả yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội. Thế hệ doanh nông mới, giàu trí tuệ và nhiệt huyết, những người đang tìm kiếm sự phát triển bền vững bằng niềm đam mê cháy bỏng với nông nghiệp và tinh thần trách nhiệm với đất nước.

'Doanh nông' và chỉ số yêu thương  ảnh 2

Thành quả của một người nông dân Ảnh trong bài: Báo NNVN

Người đi trước đã đúc rút ra bài học “Mua có bạn, bán có phường”. Khi chia sẻ những triết lý trên, nhiều người cảm thán “Người ta làm được chứ người mình khó lắm, không làm được đâu”. Xâu chuỗi lại nhiều điều được trải nghiệm, hình như hợp tác không chỉ phân chia lợi ích mà chính là “tinh thần văn hoá” trong mỗi doanh nghiệp. Cách thức tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp chắc chắn có cụm từ “Văn hoá doanh nghiệp”; tạo dựng tinh thần hợp tác trong nội bộ doanh nghiệp và tinh thần hợp tác với khách hàng, bạn hàng, đối tác đầu vào, đầu ra.

Con người thường có cảm xúc tích cực và tiêu cực. Người dạt dào cảm xúc tích cực luôn nghĩ rằng “Việc này khó, nhưng có thể!”. Người chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực thì luôn cảm thán “Việc này có thể, nhưng khó!”. Chỉ cần đảo ngữ một chút có thể thay đổi cách nhìn theo hướng tích cực hơn, hành động sẽ khác đi, thậm chí thay đổi chiến lược cho một doanh nghiệp. Trong quyển sách “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”, một doanh nhân nước ngoài tâm niệm: chỉ cần thay đổi “lợi kỷ” (chỉ biết có mình) sang “lợi tha” (vì người khác, vì nhân viên – cộng sự, vì xã hội), sẽ có được sự tin tưởng và cộng tác từ những người xung quanh.

Mỗi người một đam mê tạo ra một giá trị, tổng hoà thành một nền nông nghiệp tích hợp đa tầng giá trị mang cả yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội. Thế hệ doanh nông mới, giàu trí tuệ và nhiệt huyết, những người đang tìm kiếm sự phát triển bền vững bằng niềm đam mê cháy bỏng với nông nghiệp và tinh thần trách nhiệm với đất nước.

Muốn cân bằng lợi ích ngắn hạn để đạt mục tiêu dài hạn, “khi cùng ngồi với nhau, không gì là không thể”. Những bất cập trong mấy mươi năm nay có phải do chúng ta ít khi gần nhau, nếu có chỉ là thoáng qua. Khi gặp nhau thường chỉ nói về mình mà ít chịu lắng nghe người khác? Muốn có tư duy hợp tác, thay vì mặc cả mua bán, cần lắng nghe nhau, chia sẻ nhau. Không có người chạy đầu tiên trao gậy, làm sao có người cầm gậy cuối cùng chạy chạm đích? Không có người “chạy nước rút” những bước tăng tốc về đích, thì chiếc gậy của người chạy đầu sẽ đến đâu?

Chỉ số yêu thương

Có người tổng kết tố chất thành công bằng công thức: “Người thành công = biết yêu bản thân + biết yêu thiên nhiên + biết yêu con người”. Chỉ số trắc ẩn, hay còn gọi là chỉ số yêu thương, là nấc thang cao nhất đem đến sự thành công. Trong những người cầm gậy chạy tiếp sức, nông dân thường là người yếu thế hơn do quy mô sản xuất nhỏ, năng lực hạn chế, ít được tiếp xúc xã hội, nên cần được đồng cảm hơn. Cho đi rồi sẽ nhận lại, nhận lại sự trân quý của người nông dân và cả xã hội.

Lại dẫn câu nói của một doanh nhân: “Thông thường người ta cho rằng mục tiêu của doanh nghiệp là theo đuổi lợi nhuận. Đành rằng lợi nhuận không thể thiếu trong việc tổ chức, điều hành doanh nghiệp vững mạnh, nhưng nếu nói đó là duy nhất thì không phải. Trên con đường tìm kiếm lợi nhuận chúng ta tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và trên con đường hoàn thành sứ mạng cao cả đó, chúng ta sẽ thu lại lợi ích. Xét trên ý nghĩa đó, về bản chất, kinh doanh không phải là việc tư, mà là làm việc công”. Mong rằng các doanh nông hãy là những người thấm đẫm triết lý nhân sinh đó, trước khi bắt tay vào tạo dựng chiến lược cho riêng mình.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.