Thị trường tiềm năng
Hơn 10 năm tham gia vào ngành dệt may, Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh) có thị trường vững chắc ở châu Âu, Trung Đông, Mỹ, Nhật Bản… Tuy nhiên từ đầu năm 2022, DN này quyết định đầu tư mạnh hơn cho thị trường nội địa. “Chúng tôi đang tập trung sản xuất để tháng 6 tới đây sẽ tung ra các sản phẩm thời trang do chính đội ngũ công ty thiết kế, cung cấp cho các cửa hàng trong nước với giá cả cạnh tranh. Đây là điểm mới khi công ty muốn đầu tư mạnh hơn tại sân nhà” - ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony nói.
DH Foods tập trung phát triển thị trường nội địa ảnh: U.P |
Theo ông Quang Anh, thị trường nội địa ngày càng phát triển, quy mô dân số lớn với 100 triệu dân đã mở ra nhiều cơ hội cho DN. Thị trường “sân nhà” nên DN cũng dễ nắm bắt nhu cầu khách hàng. Hơn nữa, các đại lý hiện nay cũng có nhu cầu mua hàng nội địa để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng vào kho, đỡ gặp trục trặc trong vấn đề xuất nhập khẩu. “Trước đây khách hàng thường chuộng hàng Trung Quốc, Thái Lan… nhưng gần đây hàng Việt lại chiếm ưu thế bởi giá cả, chất lượng. Chúng tôi tin rằng hàng dệt may trong nước sẽ chiếm lại thị trường nội địa vì tỷ trọng còn rất lớn” - lãnh đạo Dony kỳ vọng.
Mặc dù có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) cho biết, DN tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa. Với các dòng sản phẩm lên men như cà pháo, củ kiệu, tôm chua cà pháo… sản phẩm của Sông Hương Foods đã có mặt ở hầu hết các siêu thị Việt Nam. “Hiện các sản phẩm của chúng tôi vẫn làm thủ công là chủ yếu, và thực tế là không đủ bán. Năm nay chúng tôi chọn sản phẩm cà pháo làm trọng điểm.” - ông Tuấn nói và cho biết thêm, ngoài nhà máy tại huyện Bình Chánh, đơn vị này đang đầu tư nhà máy chuyên sản xuất và chế biến những món liên quan đến cà pháo ở tỉnh An Giang.
Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà - Phú Quốc cho biết, khởi đầu thị trường của DN này là xuất khẩu chứ không phải nội địa. Tuy nhiên Thanh Hà đã quyết định quay về “sân nhà”. “Vài năm trước, khi nước mắm Thanh Hà có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới, chúng tôi tự hỏi vì sao đồ tốt nhất, ngon nhất mình toàn đem xuất khẩu mà không bán nội địa để người tiêu dùng trong nước thưởng thức. Từ đó, chúng tôi quyết tâm đưa thương hiệu nước mắm Thanh Hà quay về thị trường nội địa” - bà Ngân tâm sự.
Công ty CP Pacific Foods - chủ thương hiệu nước mắm Mami là DN chuyên xuất khẩu nước mắm với hơn 10 năm chinh phục thị trường Mỹ và giành được vị trí số 1 về nước mắm trên Amazon chỉ sau 1 năm đưa hàng lên sàn này. Tuy nhiên giữa tháng 6/2021, nước mắm Mami chính thức bán hàng tại Việt Nam. Theo ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty Pacific Foods, sản phẩm nước mắm Mami kinh doanh nội địa đồng nhất với hàng xuất khẩu lâu nay của DN. “Chúng tôi đã chuẩn bị trong 2 năm để phát triển mảng thị trường nội địa, chứ không phải ngẫu hứng” - ông Linh chia sẻ.
“Thành phố cần đẩy mạnh việc tuyên truyền người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thường xuyên. DN bán hàng ra nước ngoài thế nào, bán trong nước y như vậy, không có sự phân biệt đối xử. Ngoài ra, các sản phẩm phải liên tục đổi mới thích ứng với thói quen người tiêu dùng”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM Phạm Ngọc Hưng
Nhiều lợi thế
Quay trở lại Việt Nam sau khi đã chinh phục nhiều thị trường trên thế giới, “vua hồ tiêu” Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group trăn trở với câu hỏi, vì sao DN xuất khẩu lượng lớn hàng ngon từ hồ tiêu, cà phê ra thị trường thế giới mà trong nước lại rất ít người biết đến sản phẩm của DN. “Giờ chúng tôi muốn kết nối bán hàng cho các DN trong nước với giá cạnh tranh” - ông Thông khẳng định.
Cũng đẩy mạnh thị trường nội địa, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dh Foods cho rằng, DN muốn ra quốc tế nên vững ở thị trường nội địa trước. “Đối tác quốc tế có thể đặt hàng năm nay rồi nửa năm hoặc cả năm sau mới quay lại, trong khi DN vẫn cần đơn hàng để duy trì hoạt động. Hơn nữa, với thị trường nội địa, các công ty có lợi thế am hiểu người tiêu dùng và có thể xử lý ngay nếu có sự cố” - ông Dũng nhìn nhận.
Nhiều sản phẩm xuất khẩu được DN Việt đưa về để chinh phục khách hàng trong nước ảnh: U.P |
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Long An), sản phẩm chuối Fohla của DN có 95% doanh số là xuất khẩu và 5% nội địa. Ông Huy khẳng định, thị trường nội địa tuy doanh số còn nhỏ, khâu bán hàng khá vất vả do số lượng từng đơn hàng ít nhưng là thị trường không thể bỏ qua vì giúp DN đa dạng hóa đầu ra, tăng uy tín của thương hiệu. Trong bối cảnh dịch COVID-19, xuất nhập khẩu khó khăn, DN muốn chuyển hướng vào thị trường trong nước sẽ thuận lợi hơn khi đã có kênh phân phối sẵn, từ đó mới có thể giữ đà tăng trưởng.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, hiện nay nhiều DN xuất khẩu thấy được tiềm năng trong nước nên tập trung phát triển mạnh tại thị trường nội địa. Quay về thị trường nội địa với việc am hiểu văn hóa, tâm lý tiêu dùng của người Việt, các DN nhanh chóng tìm được thị trường cho riêng mình và gặt hái được thành công với mức doanh thu liên tục tăng qua từng năm. “Tại thị trường nội địa DN làm chủ được thị trường, tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam và khi đã đứng vững ở thị trường nội địa, DN có thêm tiềm lực để tiếp tục vươn ra thị trường thế giới” - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, để DN đầu tư về thị trường trong nước, Nhà nước nên tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để DN có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ thủ tục, mặt bằng, vận động DN vào các chương trình bình ổn giá, cũng như khuyến khích nếu DN tham gia sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi… Những điều này sẽ góp phần thu hút mạnh mẽ DN đầu tư trên “sân nhà”.