Cá tra 'quên' thị trường nội địa?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (thứ 2 từ trái sang) thăm gian của Cty CP XNK Thủy sản An Giang (Agrifish) tại Hội chợ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (thứ 2 từ trái sang) thăm gian của Cty CP XNK Thủy sản An Giang (Agrifish) tại Hội chợ.
TP - Dù là sản phẩm lợi thế số 1 và xuất khẩu trên 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, tuy nhiên thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Bắc, sản phẩm cá tra vẫn còn “bỏ ngỏ”.

Đẩy mạnh thị trường ra miền Bắc

Hôm qua (6/10), Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản- hội chợ chuyên ngành thủy sản lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội. Hơn 70 gian hàng, của gần 40 doanh nghiệp tham gia hội chợ, trong đó, có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp hàng đầu về thủy sản Việt Nam như: Vĩnh Hoàn, Agrifish, IDI, Hùng Cá, Gò Đàng…

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, cá tra và các sản phẩm từ cá tra có giá trị dinh dưỡng cao, giá cả phải chăng đáp ứng được nhu cầu và thu nhập của người tiêu dùng trong nước, đặc biệt ở các lứa tuổi từ 25 đến 45. Tuy nhiên, theo ông Luân, thời gian qua, người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc chỉ biết đến các sản phẩm cá tra qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cá tra là sản phẩm chủ lực quốc gia có nhiều lợi thế phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dù xuất khẩu trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là ở miền Bắc còn rất hạn chế.

Ông Tám cho rằng: “Nếu các doanh nghiệp xem nhẹ, đánh giá thấp thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân thì đó là một sai lầm. Trước đây, thu nhập của người dân còn thấp, tuy nhiên, đến nay thu nhập của họ đã tăng lên, thậm chí là người tiêu dùng chịu chi nhất thế giới”.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, mỗi thị trường có một đặc thù riêng. Do vậy, để giới thiệu sản phẩm cá tra và các sản phẩm thủy sản khác ra Bắc, trong đó có Hà Nội, cần phải nghiên cứu về tính hợp khẩu vị.

Ngay tại hội chợ đã thiết kế một gian hàng ẩm thực, trong đó có nhiều sản phẩm mới lần đầu tiên công bố tại Việt Nam, như cá tra giòn, bởi trước đây chúng ta chỉ có cá chép giòn và trắm giòn. “Hơn nửa năm qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, phát triển loại cá tra giòn này. Sản phẩm này rất phù hợp với thị trường miền Bắc”, ông Tám nói.

Đa dạng hóa sản phẩm, thị trường

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, cá tra là sản phẩm quốc gia của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 6%, nhưng bù lại thị trường Trung Quốc tăng tới 44%.

Theo ông Quốc, xuất khẩu cá tra đến nay đã đạt 1,2 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tình hình thuận lợi, cả nước có thể thu về 1,8 tỷ USD từ cá tra trong năm nay. “Năm 2017 là năm với rất nhiều khó khăn với cá tra, từ thuế chống bán phá giá, truyền thông bôi bẩn ở một số nước EU, đạo luật Nông trại của Mỹ…Tuy nhiên, ngành cá tra từ khâu nuôi trồng, chế biến đã đạt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ, EU, cũng như nhiều thị trường khác. Chúng ta sẽ giải quyết những trở ngại, khó khăn để đạt mục tiêu”, ông Quốc nói.

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Cá tra, lâu nay, cá tra Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dạng thô là miếng phile. Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đến nay, số sản phẩm có giá trị gia tăng từ cá tra đã lên 30- 40 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm đã xuất khẩu. Cùng đó, các phụ phẩm cá tra cũng được tận dụng, như mỡ có thể dùng để sản xuất dầu ăn, da cá tra để sản xuất thực phẩm chức năng, làm mỹ phẩm… “Nếu chúng ta làm được, kim ngạch xuất khẩu không chỉ 1,8 tỷ USD, mà giá trị cao hơn nữa”, ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, thị trường Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Đương nhiên, để thị trường bền vững, trước tiên doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng kể cả xuất chính ngạch hay tiểu ngạch. Cùng đó các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết tốt với các nhà phân phối uy tín ở Trung Quốc, và đưa ra các phương thức thanh toán phù hợp, hạn chế rủi ro”, ông Quốc nói.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, diện tích nuôi cá tra cả nước hơn 5.500 ha, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn, kim ngạch gần hơn 1,7 tỷ USD. Nếu có thị trường, diện tích cá tra có thể mở rộng lên 8.000- 10.000 ha và sản lượng có thể đạt trên 2,5- 3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu sẽ cao hơn nữa.  

“Hơn 20 năm qua, mặc dù sản phẩm cá tra của Việt Nam bị bôi nhọ và đối xử không công bằng ở một số thị trường lớn nhưng với chất lượng và uy tín của cá tra Việt Nam nên sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn trụ vững và càng tỏ ra có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường các tỉnh phía Bắc ít được biết và tiếp cận với sản phẩm cá tra”

Thứ trưởng Vũ Văn Tám 

MỚI - NÓNG