> Dân bao vây nhà chủ hụi 'ôm' hàng chục tỷ đồng
Người dân điêu đứng vì doanh nghiệp vỡ nợ. |
Giao của cho kẻ rắp tâm lừa đảo
Do thiếu kho bãi, sân phơi và tin vào đối tác nên cứ đến mùa cà phê là nhiều nông dân trên Tây Nguyên lại vô tình “gửi trứng cho ác”.
Bà Nguyễn Thị Mùi (60 tuổi, thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) ngậm ngùi : “Mùa cà phê, gia đình tôi chắc chiu được 3,5 tấn đem đi ký gửi doanh nghiệp tư nhân Hoàng Phúc. Đến khi tôi cần tiền làm nhà, họ hẹn lên hẹn xuống không đưa, sau đó thì vỡ nợ. Tôi đã ôm đơn đi khắp các cơ quan, nước mắt rớt nhiều rồi nhưng tiền vẫn chẳng thấy đâu.
Nhiều hộ dân phản ánh, việc doanh nghiệp vỡ nợ thực chất là lừa đảo. Bởi, đầu mùa họ vận động bà con ký gửi cà phê , nhận cà phê đầy kho lập tức kêu vỡ nợ. Ông Đặng Văn Túc (trú tại buôn Jung, xã Ea Yông) bức xúc: Tôi ký gửi 5 tấn cà phê, mấy ngày sau nghe tin doanh nghiệp vỡ nợ vội đi đòi nhưng chẳng lấy được đồng nào để gỡ gạt. Không có tiền cho con đi học, kẹt quá tôi phải bán luôn chiếc xe máy vẫn còn nợ ngân hàng hơn 100 triệu đồng.
Không ký gửi cà phê, hộ ông Nguyễn Đình Hòa (thôn 19-5, xã Ea Yông) cũng “tiền mất, nợ mang” vì doanh nghiệp Hoàng Phúc. Tin tưởng người bà con xa là chủ doanh nghiệp lớn, ông Hòa cho ông Trần Văn Tâm mượn sổ đỏ vay ngân hàng hơn 300 triệu đồng.
“Sau khi doanh nghiệp vỡ nợ, tôi không biết bấu víu vào đâu, sợ xiết nhà tôi phải nai lưng ra trả cả gốc lẫn lãi hơn 300 triệu đồng, sổ vẫn còn ở ngân hàng vì chưa trả hết. Hiện tôi vay nợ bà con đã hơn 200 triệu đồng, con tôi phải nghỉ học cả năm nay”, ông Hòa cho biết.
DN Hoàng Phúc đóng cửa. |
Doanh nghiệp lách luật ?
Theo tìm hiểu, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Phúc có địa chỉ tại Km28 - QL 26 (Xã Ea Yông, huyện Krông Pắk), được cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2000 do ông Trần Văn Tâm làm chủ, chuyên mua bán và chế biến nông sản.
Năm 2010, doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ khiến hàng chục hộ dân ký gửi cà phê điêu đứng. Theo thống kê chưa đầy đủ, DN Hoàng Phúc nợ 57 hộ dân ở Ea Yông trên 2,6 tỷ đồng.
Sau thỏa thuận, Tòa án nhân dân huyện Krông Pắk ra quyết định buộc ông Tâm phải hoàn trả số tiền nợ nhưng đến nay các hộ dân vẫn sống trong chờ đợi. Nhiều người cho rằng, chính quyền địa phương còn tỏ ra thờ ơ trước tổn hại của người dân, khi dân đến kêu cứu thì họ bị “đùn qua, đá lại”.
Được biết, sau khi người dân kiện ông Tâm ra tòa để đòi tiền thì một sự việc tưởng như không liên quan cùng diễn ra. Theo đó, ông Tâm và anh trai của mình cũng “dìu nhau” ra tòa, ông Tâm kiện anh trai mình nợ tiền khoảng 600 triệu đồng và vụ kiện vẫn kéo dài đến nay chưa dứt.
Ông Phạm Thế Nhiệm, Chi cục trưởng Chi cụ thi hành án huyện Krông Pắk cho biết: Sau khi vỡ nợ, ông Tâm có bán tài sản trên 400 triệu đồng thì trả nợ hết cho ngân hàng, còn người dân không được đồng nào. Hiện, ông Tâm đã đi khỏi nơi cư trú, tài sản không có nên để người dân đòi tiền là rất khó. Ngay cả cơ quan thi hành án cũng bị ông Tâm nợ tiền thi hành án trên 100 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, nhiều năm nay việc “vỡ nợ, xù nợ” như cái vòng luẩn quẩn, nông dân dính bẫy thường không có lối ra. Người dân cứ ôm đơn đi kiện, doanh nghiệp theo hầu... rồi tay trắng lại về không.
Theo ông Nhiệm, những vụ vỡ nợ như thế này rất khó xử lý vì chỉ liên quan đến án dân sự. Chủ doanh nghiệp không bỏ trốn nên không khép họ vào tội lừa đảo được, khi tòa án yêu cầu thì họ vẫn ra tòa và nhận trách nhiệm trả nợ. Nhưng do họ không có tài sản gì nên không thể thi hành án để trả lại cho người dân. Có trường hợp, họ còn tài sản nhưng đứng tên người khác nên cơ quan chức năng cũng “bó tay”. Đó là những kẽ hở pháp lý mà doanh nghiệp né để lách luật.
Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện tại có 4 doanh nghiệp, đại lý bị thua lỗ, vỡ nợ gồm: hộ kinh doanh Trúc Lan – huyện Krông Ana, Mai Thị Huyền – huyện Krông Bông, Đỗ Thanh Tùng – huyện Krông Pắk và Đinh Văn Minh – huyện Krông Pắk với tổng số tiền nợ người dân gần 18 tỷ đồng và 24 tấn cà phê nhân. Theo đó, số doanh nghiệp đại lý vỡ nợ từ năm 2011 trở về trước đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm vì không thể khởi tố hình sự, chuyển xử lý dân sự. Được biết, nhiều năm trước số doanh nghiệp vỡ nợ nông sản, nợ người dân lên đến hàng chục tỷ đồng. |