Cuối chiều Chủ nhật ngày 9/2, tức mùng 10 tháng Giêng âm lịch, dòng người xếp hàng vẫn nối dài trước các tiệm vàng, điều hiếm thấy trong suốt cả năm giao dịch trầm lắng vừa qua. Một khách hàng tên Linh hớn hở len khỏi đám đông, miệng cười tươi khoe với người bạn đang chờ bên ngoài cửa hàng ở phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Sau hàng giờ chờ đến lượt, cuối cùng chị cũng đã mua được một chỉ vàng bé xinh mỏng tang dập nổi hình ngựa - biểu tượng của năm 2014.
"Gớm, chen mãi. Nhưng mua được đúng giờ nước lên, cả năm may mắn", chị nói. Một số khách hàng chậm chân hơn chỉ kịp đăng ký, nộp tiền và phải cầm giấy hẹn lấy vàng vào hôm sau. Nhưng họ cũng thấy mãn nguyện và bõ công xếp hàng.
Niềm vui của những người đổ xô đi mua cầu may dường như cũng là "lộc" dành cho các nhà sản xuất, kinh doanh vàng Thần Tài. Suốt một năm qua, Ngân hàng Nhà nước theo đuổi chủ trương bình ổn thị trường, một mặt tăng cung đều đặn, mặt khác dần cắt cơn khát vàng của ngân hàng và các tay chơi cỡ lớn trên thị trường. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng bớt yêu vàng hơn vì ít cơ hội lướt sóng kiếm lời trong khi rủi ro rớt giá ngày càng lớn. Doanh số giao dịch mỗi ngày của một đầu mối quy mô nhỏ và vừa đạt vài trăm lượng, trong khi hệ thống lớn cũng chỉ 3.000-4.000 lượng.
Nhưng trong dịp Thần Tài vừa qua, lượng bán ra của họ đều gấp đôi, gấp ba. Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI trở thành hiện tượng của thị trường năm nay khi tung ra sản phẩm vàng mỹ nghệ gắn với năm Giáp Ngọ. Không hẳn là vàng miếng nhưng sản phẩm của DOJI được săn lùng vì dập đúc tinh xảo, gắn với biểu tượng của năm và đặc biệt lại được đảm bảo giá trị tương đương như vàng miếng SJC 9999 cùng trọng lượng. Vì thế mà từ sáng sớm, khi các cửa hàng khác chưa có bóng người thì tại hệ thống DOJI, khách đã xếp vòng trong vòng ngoài và đa phần đòi mua vàng hình ngựa.
Theo thống kê của DOJI, công ty đã bán ra tổng cộng hơn 32.000 sản phẩm vàng hình ngựa, tương đương khoảng 3.000 lượng. Nếu tính cả các loại vàng miếng nhỏ lẻ hay nhẫn tròn trơn, doanh số của công ty đạt 5.000 lượng. So với dịp Thần Tài năm ngoái, số lượng sản phẩm bán ra tăng gấp đôi.
Trao đổi với VnExpress, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Nguyễn Thị Cúc cho biết công ty đã lường trước sức mua sẽ tăng cao nhưng nhu cầu thực của người dân vượt xa dự đoán. Tính chung trong ngày Thần Tài, toàn hệ thống PNJ đã bán ra hơn 5.700 lượng vàng các loại. Riêng ở Hà Nội tiêu thụ 3.500 lượng. Bán chạy nhất là vàng tài lộc và nhẫn tròn trơn.
So với con số vài trăm lượng mỗi ngày bình thường trong các tháng gần đây, số vàng bán ra ngày Thần Tài cao gấp 5-6 lần. Nếu cộng với các ngày trước đó, tổng số vàng bán ra cho mục đích cầu may đầu năm lên tới cả chục nghìn lượng. "So với năm ngoái, sức mua năm nay tăng gấp đôi, còn chiều bán ra từ khách gần như không có", bà Cúc cho biết.
Với Phú Quý, việc tung ra hai sản phẩm chỉ một số nơi ở Hà Nội có là nhẫn 3 chỉ và nhẫn nửa chỉ đã giúp lượng khách năm nay tăng khá cao so với mọi năm. Ông Nguyễn Đình Linh, Phụ trách phòng Marketing của công ty ước tính có khoảng 10.000 lượt khách hàng đến giao dịch tại các chi nhánh, tăng 7-8 lần so với cùng kỳ năm trước.
“Doanh thu cũng cao hơn gần 3 lần. Trong ngày, chúng tôi bán ra hơn 2.000 lượng bao gồm vàng miếng và nhẫn tròn trơn”, ông Linh nói. Bên cạnh đó, sức mua vàng trang sức cũng tăng từ 4 đến 5 lần so với ngày thường.
Biên lợi nhuận cũng là điều làm hài lòng các nhà sản xuất, kinh doanh vàng Thần Tài dù không ai dám công khai nói tới. Chênh lệch mua - bán vàng miếng hiện tại chỉ 30.000-50.000 đồng một lượng. Nếu mua vàng của Ngân hàng Nhà nước để bán lại cho dân, các doanh nghiệp cũng chỉ thu về trên dưới 100.000 đồng một lượng, chưa tính tới các chi phí quản lý, kinh doanh và rủi ro về giá. Nguyên liệu làm vàng Thần Tài (miếng nhỏ lẻ, nhẫn hoặc mỹ nghệ) chủ yếu được mua từ các nguồn giá rẻ. Nếu vàng Thần Tài được bán ngang giá vàng miếng SJC, thì khoản chênh lệch có thể lên đến hàng triệu đồng. Giá vàng nguyên liệu nhập khẩu (thường đắt hơn mua trong nước) hiện chưa đến 33 triệu đồng, trong khi vàng miếng SJC khoảng 35,5 triệu mỗi lượng.
"Chúng tôi chỉ hưởng trọn phần chênh lệch này trong trường hợp người mua vàng cầu may không bao giờ bán lại cho cửa hàng", đại diện một doanh nghiệp nói.
Bà Trần Như My, Giám đốc kinh doanh của DOJI cho biết công ty đã mua được nguyên liệu giá rẻ hơn để sản xuất vàng mỹ nghệ kim mã. Bà cũng khẳng định giá bán sản phẩm cao nhưng khi mua lại từ khách, công ty chấp nhận mua giá cao tham chiếu theo giá SJC.
"Khách mua vàng về tích trữ đến lúc nào đó họ sẽ phải bán. Do đó, chúng tôi niêm yết với giá vàng SJC như một tham chiếu để khách không bị thiệt khi mang đi bán lại", bà My giải thích thêm.
Thực tế lộc Thần Tài trong vài ba ngày qua cũng không đủ giúp các doanh nghiệp gỡ gạc, bù đắp cho cả năm kinh doanh bết bát. Các sản phẩm vàng dành riêng cho ngày Thần Tài năm nay dù doanh nghiệp khẳng định là mỹ nghệ và thực tế không vi phạm các quy định hạn chế sản xuất vàng miếng, cũng khó có cơ hội tái xuất trong những dịp sau này.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng khó quy kết vàng Thần Tài là cách các doanh nghiệp lách quy định để sản xuất vàng miếng. "Các doanh nghiệp có dây chuyền máy móc để dập vàng mỹ nghệ, trang sức và theo quy định của Nghị định 24 thì việc họ dập vàng mỹ nghệ cũng là hợp lệ. Hơn nữa, các sản phẩm này chỉ có thể bán được một lần trong năm chứ không thể phát triển đại trà", ông giải thích thêm.
Giao dịch trong hai ngày nay đã trở lại thường nhật, chỉ lác đác vài khách đến các hiệu vàng mua bán. Hình ảnh xếp hàng dài, tràn cả ra đường để mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) cũng đã khép lại.
"Mấy năm trước tôi còn chẳng biết ngày Thần Tài là gì. Năm nay nghe nhiều người nói nên cũng háo hức đi mua vàng. Mua một chỉ thôi, để cầu may. Chẳng nhiều nhặn gì để mà mua đi bán lại hay đầu tư sinh lời", chị Linh nói với phóng viênVnExpress trong buổi chiều muộn của ngày Thần Tài, rồi nhanh tay cất miếng vàng hình ngựa ép vỉ vừa mua được.
"Tôi sẽ giữ làm kỷ niệm cho năm Giáp Ngọ và không bán", chị nói thêm.
Theo Linh Chi Lan