Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'

Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
TP - “Với cơ chế quản lý vận hành hết sức linh động, lại có sự công khai giám sát chặt chẽ của các bên liên quan, việc thành lập 10 trạm cân di động đảm bảo loại trừ được các yếu tố tiêu cực”, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường Bộ Việt Nam chia sẻ với Tiền Phong.

> Nhiều chủ xe tải sợ trạm cân di động QL5
> Đề xuất chi 6.300 tỷ để xây... trạm cân

Doanh nghiệp vận tải “ăn thịt chính mình”

Trước đây, chúng ta đã có hệ thống trạm cân tương đối đồng bộ, sau đó lại tháo đi…

Do quản lý không tốt các trạm cân trước đây dẫn đến tiêu cực và mất niềm tin của nhân dân, nên chúng ta đã có quyết sách là dừng hệ thống các trạm cân. Tuy nhiên, việc này đã tạo ra nhiều hệ quả xấu. Trước hết là sự phá hoại công trình của các phương tiện quá tải. Tôi xin đơn cử thế này, nếu chúng ta bỏ ra 10 đồng đầu tư con đường, thay vì con đường đó dùng được 10 năm, thì nay do thả nổi nên xe quá tải làm tan nát con đường đó sau 3 năm. Có nghĩa chúng ta đã bị lãng phí 70% giá trị con đường. Nếu nhìn trên tổng thể mạng lưới đường quốc gia hằng năm thì thấy rằng, mỗi năm cả chục ngàn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng bị xe quá tải phá hỏng.

Không chỉ vậy, việc chở quá tải thực chất là giảm giá vận chuyển, là một cách cạnh tranh không lành mạnh, tạo mặt bằng giá ảo, gây hỗn loạn thị trường. Hơn thế, hành vi này còn loại bỏ cuộc chơi những doanh nghiệp vận tải làm ăn nghiêm túc. Đặc biệt đây còn là nguyên nhân quan trọng gây nên tai nạn giao thông do áp lực lên lái xe, do ảnh hưởng đến thiết bị an toàn của xe...

Kiểm tra xe tải trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
Kiểm tra xe tải trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, vì phải chịu chi phí không chính thức nhiều nên phải chở quá tải để bù đắp và mới có thể có lãi để tồn tại?

Theo tôi, chở quá tải chính là việc doanh nghiệp tự “ăn thịt chính mình”. Cụ thể, xe sẽ nhanh hỏng hơn, phụ tùng nhanh phải thay thế hơn, bảo dưỡng, sửa chữa nhiều hơn, trong khi chi phí nhiên liệu tăng từ 20-30% so với xe chở đúng tải.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 8 sẽ đưa 10 trạm cân lưu động vào hoạt động. Kinh phí thành lập một trạm cân khoảng 2,5 tỷ đồng.

Còn tư duy chở quá tải để bù đắp chi phí không chính thức, tôi cho rằng đây là lối tư duy luẩn quẩn. Nếu anh không vi phạm thì đâu có bị áp lực xử phạt, hay phải chung chi. Còn nếu anh vi phạm dẫn đến luôn phải căng thẳng đối phó với cơ quan chức năng và sẵn sàng chung chi. Điều này không chỉ bế tắc về giải pháp kinh tế mà còn dẫn đến nguy hiểm, mất an toàn cho chính lái xe và phương tiện của doanh nghiệp vì cái vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra.

Dự kiến, Tổng cục sẽ lập 10 trạm cân di động, liệu có quá ít khi mà việc vi phạm tải trọng diễn ra tràn lan. Đây có phải là cách làm chỉ mang tính “ răn đe”, thưa ông?

Trước mắt với 10 trạm cân lưu động, Tổng cục sẽ đặt tại các tuyến đường trọng yếu về xe quá tải như: Quốc lộ 1, 5, 10; 18, 70 (Yên Bái), quốc lộ 20 (Lâm Đồng)... Thực tế, với 10 trạm cân này, chúng tôi có thể di động trên 200 điểm đặt trạm. Làm như vậy sẽ khắc phục được tình trạng xe quá tải né trạm cân, tạo thế bị động đối với lái xe. Sau này, khi có sự vào cuộc tích cực của 63 tỉnh, thành, sẽ hình thành một mạng lưới trạm cân khá đồng bộ giúp ngăn ngừa mọi lúc, mọi nơi tình trạng xe quá tải. Đặc biệt, Tổng cục cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng Cục 7 - Bộ Công an để triển khai ngay trạm cân lưu động tại những tuyến đường nổi cộm về quá tải.

Lâu nay, trạm cân chỉ làm mỗi nhiệm vụ cân để biết xe quá tải mà chưa có chế tài đủ mạnh buộc nhà xe phải dỡ tải?

Việc thành lập các trạm cân lưu động cũng là nhằm mục đích đó. Trên các tuyến quốc lộ dự kiến đặt trạm, chúng tôi đã liên hệ sẵn các điểm dự kiến làm bến bãi xuống tải. Trong trường hợp phát hiện xe quá tải, ngoài bị xử phạt, các nhà xe buộc phải dỡ tải và gửi hàng tại các bến bãi đó (nếu có nhu cầu). Chi phí bốc dỡ và lưu bến bãi đơn vị vận tải phải chịu...

Loại ngay khỏi ngành công chức tiêu cực

Dư luận hiện lo ngại về tình trạng xảy ra tiêu cực tại các trạm cân như trước đây. Theo ông, có cách nào để phát hiện, xử lý các tiêu cực này?

Mô hình trạm cân lưu động đã hạn chế tối đa sự bắt tay tiêu cực của những người thi hành công vụ tại các trạm cân. Lực lượng tham gia tại các trạm cân luôn thay đổi. Hơn nữa, việc ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại có kết nối với trung tâm của Tổng cục và kết nối với những đơn vị chức năng liên quan để công khai, minh bạch số liệu để cùng giám sát, hậu kiểm cũng sẽ giúp loại trừ các cơ hội tiêu cực.

Tuy nhiên, nếu các lực lượng của ngành giao thông tham gia kiểm soát tải trọng có biểu hiện can thiệp hay tiêu cực, chúng tôi sẽ kiên quyết loại ra khỏi ngành. Với lực lượng khác nếu vi phạm, Tổng cục sẽ báo cáo về cơ quan chủ quản và đôn đốc để xử lý nghiêm khắc.

Ông kỳ vọng gì về hiệu quả của việc lập lại 10 trạm cân lưu động?

Trước tiên là ngăn chặn kịp thời tình trạng xe quá tải uy hiếp và tàn phá hệ thống đường bộ, giảm thiệt hại kinh tế cho Nhà nước. Kế đó, việc kiểm soát tải trọng cũng góp phần làm giảm tai nạn giao thông vì lái xe có môi trường làm ăn lành mạnh, không vi phạm tải trọng dẫn đến có tâm lý lái xe thoải mái, xe chở đúng tải cũng sẽ tăng cường độ an toàn phương tiện. Hơn nữa, kiểm soát được tải trọng cũng là một cách lập lại trật tự trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, giúp hoạt động này phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh.

Cảm ơn ông.

Phùng Sưởng
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG