Sáng 10/12, tại diễn đàn "Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc", đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, sau khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, măng cụt, khoai lang...được ký kết, trong mấy tháng qua, xuất khẩu các mặt hàng này tăng vọt. Đặc biệt, chuối Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Philippines để chiếm thị phần lớn nhất tại Trung Quốc.
"Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán mở cửa cho các sản phẩm như bưởi, na, dừa, roi, chanh…Tuy nhiên, muốn xuất khẩu chính ngạch, các lô hàng phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc”, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho hay.
Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chia sẻ, qua hàng chục năm xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, công ty đánh giá Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính.
Các tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu. Do đó, sớm hay muộn, Trung Quốc cũng sẽ áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên chúng ta càng sớm khuyến cáo đến nông dân về tiêu chuẩn phía bạn sẽ thuận lợi hơn cho công tác xuất khẩu về sau.
Sầu riêng đang rất "được giá" từ sau khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc |
Đối với sầu riêng, ông Nghĩa cho rằng, hiện tín hiệu xuất khẩu rất tích cực do ưu thế là khả năng trồng rải vụ, sản lượng không chỉ nhiều lên mà còn có thể cung ứng quanh năm. Tuy vậy, theo ông Nghĩa Bộ NN&PTNT cần xúc tiến cả mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc vì giá trị sản phẩm xuất khẩu rất cao. Lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000 - 15.000 USD/tấn sản phẩm.
“Sắp tới khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát được dịch COVID-19 và mở cửa trở lại, nhu cầu về rau, củ, quả sẽ rất lớn. Nếu chúng ta chuẩn bị sớm, xuất khẩu rau quả sẽ hồi phục tăng mạnh trở lại khi hàng loạt Nghị định thư bắt đầu phát huy tác dụng”, ông Nghĩa nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường.
Theo vị này, khi các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng, các thương nhân Thái Lan thường nắm bắt rất nhanh về giá cả và bán sản phẩm hiệu quả, trong khi thương nhân Việt Nam chậm hơn.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình kinh doanh mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc chuẩn xác, và nhanh hơn.
Cũng theo ông Wang, từ khi sầu riêng Việt Nam được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 9 năm nay, người tiêu dùng nước này đánh giá cao, rất ưa chuộng. Tuy nhiên, những tháng sau đó, xuất hiện tình trạng gian lận mã số vùng trồng.
“Việc xảy ra những trường hợp như thế rất bất lợi cho sự phát triển lâu dài của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, rất mong phía Việt Nam lưu ý”, ông Bob Wang chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại nước này.
“Ngày 24/12 tới, chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN ở Nam Ninh, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc.
Theo cách này trong tương lai, trái cây Việt Nam vừa được hái tại vườn Việt Nam, có thể đã bán xong hàng sang Trung Quốc. Những doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với chúng tôi để cùng nhau quảng bá mô hình bán hàng sáng tạo này”, ông Bob Wang chia sẻ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong dịp Tết, dự báo nhu cầu của thị trường Trung Quốc chiếm tới hơn 50% lượng hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, cơ hội rất lớn cho rau quả Việt Nam "ngược dòng" sang thị trường này trong dịp cuối năm. Ước tính, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD rau quả các loại, trong đó các sản phẩm từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1/5.