Ngoài ra, cả nước còn có gần 24.000 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký với cơ quan quản lý. Đồng thời có tới 5.443 DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, có tới 91% số lượng DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng, tăng 23,1%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự cạnh tranh gay gắt và bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới khiến các DN nhỏ và siêu nhỏ “chết” dần. Thay vào đó, chủ các DN này sẽ thay đổi hình thức kinh doanh như góp vốn thành lập các công ty cổ phần lớn để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
“Số DN ngưng hoạt động, giải thể không phải phản ánh việc nền kinh tế khó khăn mà là quy luật của thị trường. Nhìn vào số DN thành lập mới vẫn tăng lên cho thấy sự vận động của thị trường, doanh nhân tìm con đường phát triển phù hợp. Họ giải thể các công ty kém hiệu quả để thành lập các công ty với ngành nghề kinh doanh có tiềm năng phát triển hơn”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.
Lấy dẫn chứng cho ý kiến trên, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đưa ra con số hơn 61.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 600.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Số lượng DN thành lập tăng ở hầu hết các ngành so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có gần 2.280 doanh nghiệp, tăng 68,3%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 679 doanh nghiệp, tăng 37,2%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 318 doanh nghiệp, tăng 30,9%; Giáo dục và đào tạo có 1.597 doanh nghiệp, tăng 30,4%; sản xuất phân phối điện, nước, ga có 442 doanh nghiệp, tăng 23,1%...