Doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm thắng kiện cơ quan quản lý cấp phép

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên hủy 2 văn bản của Cơ quan Cites Việt Nam trong việc thu hồi các giấy phép đã cấp cho một doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm.

Ngày 15/6 vừa qua, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về việc khiếu kiện yêu cầu Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam (Cơ quan Cites Việt Nam - tổ chức thuộc Tổng cục Lâm nghiệp) thực hiện hành vi hành chính cấp giấy phép Cites nhập khẩu mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục Cites của Cơ quan Cites Việt Nam đối với hồ sơ của Công ty TNHH XNK thủy hải sản Thanh Tú (Công ty Thanh Tú).

Theo đơn khởi kiện, Công ty Thanh Tú được cấp Cites nhập khẩu cá Tầm Siberi sống (tên khoa học Acipencer baerii) là loại thủy sản được phép kinh doanh ở Việt Nam với mục đích sử dụng kinh doanh thương phẩm, chế biến làm thực phẩm từ năm 2016 đến nay.

Ngày 19/1/2021, Công ty Thanh Tú nộp 2 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép Cites cá tầm Siberi sống dùng làm thực phẩm nhưng Cơ quan Cites Việt Nam không giải quyết. Trong khi, quy định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định 06/2019/NĐ-CP là trong thời hạn 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Cites Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học hoặc cơ quan có liên quan của nước xuất khẩu thì Cơ quan Cites Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.

Nếu hồ sơ không hợp lệ, trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan Cites Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết.

Tuy nhiên, quá thời hạn quy định Công ty Thanh Tú vẫn không nhận được bất kỳ văn bản nào trả lời của Cơ quan Cites Việt Nam về lý do không thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu Cites theo hồ sơ đã nộp. Sau nhiều lần yêu cầu Cơ quan Cites Việt Nam trả lời nhưng không được phản hồi, ngày 29/3/2021, Công ty Thanh Tú đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan Cites.

Đến ngày 12/4/2021, Công ty Thanh Tú nhận được Quyết định số 07/QĐ-CTVN của của Cơ quan Cites Việt Nam về việc thu hồi 42 giấy phép của công ty đã được cấp và được sử dụng hết. Đồng thời, từ chối cấp phép mới cho Công ty Thanh Tú.

Ngay khi nhận được quyết định nêu trên, Công ty Thanh Tú tiếp tục gửi đơn khiếu nại bổ sung ngày 14/4/2021 về nội dung quyết định nêu trên là trái pháp luật nghiêm trọng và ngày 7/5/2021, Cơ quan Cites Việt Nam mới ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 27/QĐ-CTVN.

Nhận thấy hai quyết định số 07 và 27 là trái pháp luật, Công ty Thanh Tú đã khởi kiện ra TAND TP Hà Nội đề nghị hủy bỏ quyết định số 07/QĐ-CTVN ngày 12/4/2021 và số 27/QĐ-CTVN ngày 07/05/2021 của Cơ quan Cites Việt Nam.

Doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm thắng kiện cơ quan quản lý cấp phép ảnh 1

Ảnh minh họa

Yêu cầu hủy hai văn bản trái luật

Sau khi xem xét đánh giá toàn diện tài liệu hồ sơ, căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX TAND TP Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thanh Tú. Tòa tuyên yêu cầu hủy bỏ quyết định số 07 ngày 12/4/2021 về việc thu hồi giấy phép của Công ty Thanh Tú và quyết định giải quyết khiếu nại số 27 ngày 7/5/2021 về việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan Cites Việt Nam đối với doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, HĐXX cũng buộc Cơ quan Cites Việt Nam phải cấp giấy phép nhập khẩu mẫu vật, động vật, thực vật,... hoang dã thuộc phụ lục của Cites cho Công ty Thanh Tú theo đúng quy định của pháp luật.

Tòa cũng bác một số lập luận của Cơ quan Cites Việt Nam khi cho rằng Công ty Thanh Tú có vi phạm về thể tích, bể dùng, lưu trữ, cách ly kiểm dịch, không thực hiện đúng mục đích chế biến làm thực phẩm vì nội dung này không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn đánh giá của Cites Việt Nam.

Theo HĐXX, nếu các doanh nghiệp có vi phạm này thì việc đánh giá, xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng khác.

Tòa sơ thẩm còn cho rằng, Cites Việt Nam đưa ra các lý do công ty vi phạm quy định pháp luật và quy định của cơ quan Cites nhằm lập luận cho việc thu hồi thu hồi 42 giấy phép của Công ty Thanh Tú đã được cấp và đã được sử dụng hết, đồng thời từ chối cấp phép mới cho Công ty Thanh Tú là không có cơ sở.

MỚI - NÓNG