Doanh nghiệp nguy cơ phá sản vì 50.000 vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép

Hàng vạn vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép tại BQL Cụm Công nghiệp Đông Thọ, Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: M.Đ
Hàng vạn vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép tại BQL Cụm Công nghiệp Đông Thọ, Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: M.Đ
TPO - Các doanh nghiệp kinh doanh gas đang đứng trước một cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt, không ít người sử dụng những “chiêu bẩn” để hạ uy tín của đối phương. Đáng chú ý, ngoài chiêu “cắt tai, mài vỏ” bình gas quen thuộc, thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ chiếm giữ trái phép vỏ bình gas, với số lượng lên tới hàng chục ngàn bình.
Doanh nghiệp nguy cơ phá sản vì 50.000 vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép ảnh 1

Xe ô tô của hãng Hồng Hà Gas thuộc Cty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân chở nhiều vỏ gas của hãng Vạn Lộc, Đại Lộc gas

 O bế phương tiện sản xuất để thôn tính thị trường

 Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây có không ít đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh gas bỗng nhiên bị mất một số lượng lớn vỏ bình gas một cách khó hiểu. Điển hình như Công ty CP Hải Dương Gas (công ty thành viên của Tập đoàn Vạn Lộc Gas) cho biết, thời gian qua “tự nhiên” số lượng vỏ bình gas thu về sụt giảm rõ rệt, khiến công ty bị thiếu vỏ bình nghiêm trọng để sang chiết gas cung cấp cho người tiêu dùng.

Thực tế là mới đây, khi PV phát hiện hàng loạt vỏ bình gas của nhiều hãng khác nhau chất trên xe ô tô của Hồng Hà Gas thuộc Cty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân, sau đó lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 28.560 vỏ bình gas các loại được tập kết một cách “bất thường” tại kho hàng Dị Sử, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Kiểm đếm cho thấy, phần lớn là vỏ bình gas mang thương hiệu Đại Lộc và một số vỏ mang thương hiệu khác của Tập đoàn Vạn Lộc (Vạn Lộc Gas, Asia, Shell Vip...).

Hiện lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đang làm rõ chủ sở hữu số vỏ bình gas trên, đồng thời điều tra người đã chiếm giữ trái phép số hàng hoá này.

Trước đó, ngày 21.9, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cũng đã phát hiện hơn 23.000 vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép tập kết tại Ban Quản lý cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Trong đó phần lớn vỏ bình cũng mang thương hiệu Đại Lộc và các thương hiệu khác của Tập đoàn Vạn Lộc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá vỏ bình gas trên thị trường dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/chiếc tuỳ kích cỡ. Như vậy với con số hơn 50.000 vỏ bình gas đang bị “nhốt”, doanh nghiệp bị chiếm giữ bất hợp pháp số tiền tương đương từ 25 - 35 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, đại diện nhãn hàng gas Vạn Lộc cho biết: “100.000 vỏ tương đương với 30 tấn gas, nếu doanh nghiệp bị mất 10.000 vỏ tức là khả năng cung ứng trên thị trường giảm đi khoảng 3 tấn. Trong khi để có được khả năng phân phối thêm 3 tấn gas cho người tiêu dùng, doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu từ 3-4 năm”.

Cũng theo ông Thắng, việc thu giữ bình gas hãng khác của một số đơn vị là nhằm cạnh tranh không lành mạnh, triệt hạ đối thủ. Hãng nào bị mất vỏ bình gas sẽ mất dần thị trường. Để kéo lại thị trường, doanh nghiệp bị mất vỏ bình sẽ liên tục phải bỏ tiền ra sản xuất bù số vỏ đã mất, như vậy thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Không chỉ thu giữ vỏ bình gas, theo ông Thắng, các doanh nghiệp còn sử dụng nhiều chiêu trò khác để biến phương tiện sản xuất của hãng khác trở thành phương tiện sản xuất của mình như cắt tai, mài vỏ bình gas, in lại thương hiệu khác lên bình…

Thủ đoạn “đổi vỏ, bù tiền”

Doanh nghiệp nguy cơ phá sản vì 50.000 vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép ảnh 2 Công an huyện Mỹ Hào kiểm tra gần 30.000 vỏ bình gas bị chiếm giữ tại kho hàng Dị Sử. Ảnh: M.Đ

Trao đổi với chúng tôi, ông N.M.T, Công ty CP Hải Dương Gas cho biết, bỗng dưng công ty bị chiếm giữ trái phép khoảng 40.000 vỏ bình gas mang thương hiệu Đại Lộc, khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc sang chiết gas cung cấp ra thị trường. "Nhiều cửa hàng thiếu gas bán trong nhiều ngày nhưng chúng tôi không có vỏ bình để sang chiết. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết và đề nghị hỗ trợ từ phía tập đoàn", ông T. nói.

Được biết, theo biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Công ty CP Hải Dương Gas với 12 doanh nghiệp kinh doanh gas ký ngày 27/5/2016, các doanh nghiệp thu gom hộ nhau vỏ bình. Hàng tháng sẽ tiến hành trao đổi vỏ để chiết nạp gas vào đúng vỏ bình của doanh nghiệp, tuyệt đối không chiết nạp vào vỏ bình của doanh nghiệp khác.

Theo ông T., sau khi biên bản thỏa thuận được ký kết, các bên thực hiện nghiêm việc trao đổi vỏ bình. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp đột nhiên không thực hiện cam kết.

“Có thể hàng chục nghìn vỏ bình gas của Vạn Lộc này đang chuẩn bị được đưa đi sơn, sửa lại thành thương hiệu khác. Bởi hành vi thu gom vỏ bình số lượng lớn như vậy chắc chắn đã có tổ chức chuẩn bị từ lâu và không chỉ là “bàn tay” của một doanh nghiệp. Rất có thể có vài doanh nghiệp đang liên kết lại nhằm thao túng, độc chiếm thị trường” – ông T. nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để có thể dễ dàng chiếm giữ hàng chục nghìn vỏ bình gas như vậy, một số doanh nghiệp đã dùng thủ đoạn sản xuất một lượng khá lớn vỏ bình rồi tung ra thị trường bằng cách “đổi vỏ, bù tiền” cho các cửa hàng gas. Theo đó, 1 vỏ đổi 1 vỏ và chủ cửa hàng bán lẻ gas sẽ được nhận thêm tiền chênh lệc từ 50.000 - 70.000 đồng/vỏ.

Ông Bùi Văn Sinh, chủ cửa hàng gas Cường Thịnh, số 191A đường Nguyễn Thượng Mẫn (TP Hải Dương) chuyên kinh doanh gas Đại Lộc cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, một số hãng gas khác đến chào hàng gas với giá rẻ hơn từ 50.000 - 70.000 đồng/bình 12 kg. "Họ còn nói có bao nhiêu bình gas Đại Lộc và các thương hiệu của Vạn Lộc họ mua hết, đồng thời sẽ đổi bình của họ lấy bình của Đại Lộc, chủ cửa hàng sẽ được bù thêm từ 50.000 đồng/bình 12 kg", ông Sinh nói.

Với chiêu này, chỉ trong thời gian ngắn, doanh nghiệp đã thu gom được hàng vạn vỏ bình của đối thủ rồi đem đi “nhốt” tại những địa điểm khó phát hiện. Dính đòn "bẩn" của đối phương, doanh nghiệp nạn nhân không có vỏ bình để chiết nạp gas cung cấp ra thị trường, đồng nghĩa với việc dần mất đi thị phần, dẫn tới phá sản.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc cho biết: Theo Điều 25, Nghị định 19 ngày 22/3/2016 của Chính phủ quy định: Chỉ tổ chức nạp LPG (khí gas) vào chai LPG thuộc sở hữu của chính thương nhân… không được chứa chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác không có hợp đồng thuê nạp LPG tại trạm nạp LPG.

Luật sư Tuấn cho rằng, trường hợp những đơn vị kinh doanh gas chiếm giữ trái phép vỏ bình của đơn vị khác với mục đích xấu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp dùng vỏ bình gas của một doanh nghiệp khác dạng nguyên trạng để chiết nạp gas không bảo đảm chất lượng hoặc chất lượng không đúng vào bình gas chiếm dụng để bán ra thị trường thì phải xem xét áp dụng Nghị định số 185 ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đó các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng điều 156 Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Với tội này, người vi phạm sẽ bị phạt nặng nhất từ 7-15 năm tù giam. Cùng với đó bị phạt tiền với mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.