Cảnh báo thủ đoạn cạnh tranh 'bẩn' trong kinh doanh gas

Công an huyện Mỹ Hào, Hưng Yên kiểm tra việc chiếm giữ trái phép vỏ bình gas tại kho hàng Dị Sử, Mỹ Hào. Ảnh: M.Đ.
Công an huyện Mỹ Hào, Hưng Yên kiểm tra việc chiếm giữ trái phép vỏ bình gas tại kho hàng Dị Sử, Mỹ Hào. Ảnh: M.Đ.
TP - Nhiều thủ đoạn cạnh tranh bẩn đang diễn ra rầm rộ giữa các doanh nghiệp kinh doanh gas. Gánh chịu hậu quả cuối cùng không ai khác lại là người  tiêu dùng.

Phát hiện hàng vạn vỏ bình bị “nhốt”

Từ thông tin của phóng viên Tiền Phong cung cấp, vừa qua cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên kiểm tra phát hiện các kho bãi chiếm giữ trái phép vỏ bình gas đã qua sử dụng khủng nhất từ trước tới nay (khoảng 50.000 vỏ bình). Cụ thể, khoảng 21h ngày 22/9, phóng viên Tiền Phong phát hiện hàng chục chiếc xe ô tô tải dán nhãn Hồng Hà Gas, thuộc Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân chuyển vỏ bình gas mang thương hiệu Vạn Lộc, Đại Lộc, Asia… ra khỏi kho hàng Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên. Tới ngày 25/9, Công an huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường (QLTT) Mỹ Hào (Chi cục QLTT Hưng Yên) kiểm đếm số bình gas bị chiếm giữ trái phép lên tới gần 30.000 vỏ.

Trước đó, ngày 21/9, khi nhận được nguồn tin cung cấp từ phóng viên Tiền Phong, Công an huyện Yên Phong phối hợp cùng Chi cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện hơn 23.000 vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép tại BQL Cụm Công nghiệp Đa nghề Đông Thọ,  huyện Yên Phong.

Việc chiếm giữ, “nhốt” vỏ bình gas đang gây thiệt hại trực tiếp tới các doanh nghiệp kinh doanh gas và người tiêu dùng. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện vỏ bình gas trên thị trường có giá từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng/vỏ. Như vậy với con số 50.000 vỏ bình gas bị “nhốt” tương đương với việc doanh nghiệp bị chiếm giữ bất hợp pháp số tiền tương đương từ 25 tỷ đồng đến 35 tỷ đồng.

Việc doanh nghiệp bị hao hụt vỏ bình gas do bị đối tác dùng thủ đoạn bẩn chiếm giữ trái phép không những ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân doanh nghiệp kinh doanh chân chính mà còn làm méo mó thị trường kinh doanh gas.

Thực tế, khi hao hụt vỏ bình gas, doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư mới, đồng nghĩa với việc tăng giá bán gas để bù lại, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.

Ông Nguyễn V.N. chủ doanh nghiệp kinh doanh gas ở Hà Nội đánh giá: Hiện nay, hoạt động kinh doanh gas khá lộn xộn, một số doanh nghiệp có thị phần lớn muốn làm “bá chủ”, vì thế họ dùng chiêu trò “nhốt” vỏ bình gas để đẩy đối tác vào con đường phá sản. Các “ông lớn” đã có tiềm lực tìm cách triệt tiêu đối thủ một cách tàn khốc bằng cách “nhốt” phương tiện sản xuất, cất giấu vỏ bình của đối thủ tại những nơi kín đáo, khó phát hiện. Điển hình như vụ “nhốt” vỏ bình gas tại Cụm Công nghiệp Đa nghề Đông Thọ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh và tại kho hàng Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên.

Khi đối tác phá sản, họ chiếm lĩnh thị trường, tạo thế độc quyền và lúc đó sẽ thao túng thị trường đẩy giá. Việc làm này về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người tiêu dùng, ông N. nói.

Vung tiền mua vỏ để triệt tiêu đối thủ

Để thực hiện thủ đoạn này, doanh nghiệp kinh doanh gas có ý định cạnh tranh “bẩn” sẽ lên kế hoạch sản xuất sẵn một lượng vỏ bình lớn tung ra thị trường bằng cách “đổi vỏ, bù tiền” cho các địa lý gas. Một vỏ đổi lấy một vỏ và đại lý gas ở các địa phương sẽ được cho thêm 70 ngàn đồng/vỏ. Làm như vậy chỉ trong một thời gian ngắn doanh nghiệp cạnh tranh “bẩn” sẽ thu gom được hàng vạn vỏ bình của đối thủ để đem đi “nhốt” tại những địa điểm bí mật, khó phát hiện.

Dính đòn của thủ đoạn này, doanh nghiệp đối thủ sẽ mất đi phương tiện sản xuất, không có bình gas để cung ứng ra thị trường và điều này cũng đồng nghĩa với việc thị phần của doanh nghiệp đối thủ sẽ dần bị xoá sổ.

Với đơn vị cạnh tranh “bẩn” cũng chịu những phát sinh chi phí sản xuất vỏ bình, thêm tiền cho đại lý, thuê kho bãi cất giấu vỏ bình chiếm giữ trái phép. Vì vậy không loại trừ việc họ tìm cách “lấy lại” chi phí bằng việc gian dối trong sang chiết gas vào bình. Như vậy, người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt hại cuối cùng khi trả tiền đủ nhưng không nhận được hàng đúng tiêu chuẩn, chất lượng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Kế Hoạ - Trưởng Công an huyện Mỹ Hào cho biết, hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, xác minh làm rõ.

Ngày 28/9, trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Mạnh Hải - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện có 5 đối tượng viết tường trình về việc “nhốt” 23.000 vỏ bình gas trái phép của doanh nghiệp ở Cụm Công nghiệp Đa nghề Đông Thọ,  huyện Yên Phong, Bắc Ninh.

Điều 25, Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 quy định: Chỉ tổ chức nạp LPG (khí gas) vào chai LPG thuộc sở hữu của chính thương nhân, chủ sở hữu trạm nạp và chỉ nạp vào chai LPG đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; Không được chứa chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác không có hợp đồng thuê nạp LPG tại trạm nạp LPG.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.