Doanh nghiệp linh hoạt, tự chủ để sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Công nhân tại doanh nghiệp triển khai “3 tại chỗ” ở Bình Dương Ảnh: Hương Chi
Công nhân tại doanh nghiệp triển khai “3 tại chỗ” ở Bình Dương Ảnh: Hương Chi
TP - Để bảo vệ công nhân và không xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) đã thực hiện triệt để quy tắc phòng chống dịch, chủ động đề ra các phương án xử lý riêng nhằm ổn định sản xuất.

Thăm khám cho công nhân hằng tuần

Các DN ở Bình Dương đang chuyển trạng thái, phải đảm bảo “vừa sản xuất vừa chống dịch”. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Minh Anh cho biết, để đáp ứng điều kiện tái sản xuất, công ty đã bố trí một khu vực riêng trong nhà xưởng làm khu cách ly nếu phát hiện có F0. Để đảm bảo “nhà máy xanh, công nhân xanh và nhà trọ xanh”, công ty cũng hợp đồng với cơ sở y tế, thực hiện xét nghiệm nhanh định kỳ cho người lao động.

Là một trong những DN sớm thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TPHCM) đã lập một “khu dã chiến” đủ chỗ cho toàn bộ cán bộ, nhân viên ở lại làm việc. Nhà kho cũng đã được công ty cải tạo sạch sẽ, có chỗ ngủ, nhà vệ sinh…để nhân viên có thể ở lại sinh hoạt, làm việc nếu chẳng may bị phong tỏa. Công ty còn tăng phúc lợi để giữ chân người lao động hiện hữu, thưởng “nóng” cho những công nhân giới thiệu được bạn bè, người thân trong độ tuổi lao động và đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vào làm việc. Ngoài ra, đơn vị còn hợp đồng với một cơ sở y tế, cơ sở này sẽ cử bác sĩ tư vấn, thăm khám cho công nhân hằng tuần. Trong trường hợp công nhân có dấu hiệu ho, sốt thì sẽ có nơi để tư vấn ngay lập tức.

“Chúng tôi cũng đã lên phương án nếu TPHCM mở cửa và thực hiện bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch. Hiện tại, 100% công nhân đang làm việc đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, sinh sống gần nhà máy nên chúng tôi sẽ cho nhân viên làm cam kết chỉ di chuyển từ nhà trọ đến công ty và ngược lại. Đồng thời, công đoàn công ty sẽ giúp công nhân “đi chợ hộ” để bảo đảm an toàn cho người lao động”, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt chia sẻ.

Để tự bảo vệ DN, bà Ong Thị Kim Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Hải sản và Chế biến Nước mắm Thanh Hà cho biết, từ thời điểm đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, DN đã kiểm soát chặt chẽ vấn đề liên quan dịch bệnh và thành lập Ban an toàn COVID-19 tại công ty, nhà xưởng. Ban an toàn COVID-19 được xem như đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề phòng chống dịch, bảo vệ an toàn cho đội ngũ lao động; cung cấp thực phẩm, thuốc...

“Công ty còn thành lập thêm kho phụ và tách riêng bộ phận giao nhận ra khỏi bộ phận sản xuất. Lý do là trong bối cảnh dịch bệnh, bộ phận giao nhận là đơn vị có nguy cơ lây nhiễm cao và mang lại rủi ro lớn cho nhà máy, phân xưởng sản xuất”, bà Ngân nói.

Tương tự, Công ty CP Việt Long Sài Gòn cũng thu thập thông tin, phân tích vấn đề một cách khoa học và nhận định dịch bệnh còn kéo dài và sẽ bùng phát hơn nữa trong thời gian tới. Do đó, công ty đã lập kế hoạch và triển khai chương trình “5C: Cùng ăn-cùng ở-cùng sinh hoạt-cùng sản xuất-cùng làm việc” trong phạm vi khuôn viên nhà máy dựa trên mô hình “3 tại chỗ” theo chỉ đạo của Chính phủ. Công ty cũng mời bác sỹ ở bệnh viện đến xét nghiệm cho toàn bộ nhân sự trước khi họ gia nhập 5C.

Công ty Hyosung Đồng Nai được Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đồng Nai đánh giá là thực hiện tốt việc phòng chống dịch trong sản xuất “3 tại chỗ” và chỉ đạo các ngành học tập kinh nghiệm. Ông Yoo Sun Hyung, Phó Chủ tịch Hyosung Việt Nam cho biết, dù có khoảng 6.000 công nhân nhưng vẫn thực hiện xét nghiệm theo quy định, không để người lao động tiếp xúc với nhân viên giao nhận hàng hóa bên ngoài.

Nên để DN tự chủ

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) cho hay, hầu hết các DN hội viên đều thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, đồng thời tự xét nghiệm 3 ngày/lần. “Từ trước đến nay, cứ định kỳ, ngành y tế sẽ có lực lượng đến lấy mẫu của toàn bộ những DN đang tiếp tục hoạt động của FFA. Tuy nhiên, các DN còn tự mua các bộ kít để xét nghiệm nhanh cho nhân viên 3 ngày/lần. Tất cả đều nhằm phát hiện F0 sớm nhất, bóc tách F1, phun xịt khử khuẩn… đảm bảo an toàn phòng dịch, tiếp tục sản xuất”, bà Kim Chi nói.

Bà Phan Trang Hương, Trưởng phòng kinh tế quận 7, TPHCM thông tin, hiện tại trên địa bàn quận có khoảng 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh; siêu thị, cửa hàng, nhà thuốc; xây dựng, dịch vụ công... được phép thí điểm hoạt động khi địa phương này được công nhận là “vùng xanh”. Bên cạnh đó, những đơn vị này cũng được gắn bảng “DN xanh”, “hộ kinh doanh xanh”... và chính quyền quận 7 đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thông qua cấp mã QR khai báo y tế điện tử.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cho rằng, DN Việt luôn giỏi ở mọi thời kỳ. Với phương án “3 tại chỗ”, dù có nhiều áp lực nhưng DN vẫn hoạt động tốt, vẫn tiếp tục hoàn thành các tiêu chuẩn chất lượng, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân,… Không ít DN phát hiện nhiều F0, thậm chí là hàng trăm F0 trong nhà máy mà vẫn sản xuất ổn định. “Thời gian qua, một số DN thực hiện “3 tại chỗ” khá tốt, vì vậy nếu được, nên cho DN tự chủ điều tiết công tác chống dịch bệnh COVID-19 tại nhà máy”, bà Hạnh đề xuất.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, trong giai đoạn mới phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội, việc chống dịch COVID-19 sẽ giao quyền chủ động cho DN. Tỉnh hỗ trợ DN tối đa trong xét nghiệm, tiêm vắc-xin, nâng cao chất lượng các cơ sở y tế ở khu công nghiệp, hỗ trợ các trạm y tế của DN. “Bây giờ chúng ta chấp nhận có F0 xuất hiện trong cuộc sống, căn bản là có cách xử lý như thế nào cho hiệu quả. Nếu sợ rủi ro mà đóng hết thì không phát triển kinh tế được”, ông Lĩnh nói.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, đơn vị đã yêu cầu các DN nhanh chóng thành lập các trạm y tế lưu động. Theo đó, mỗi khu công nghiệp phải thành lập 1 trạm y tế lưu động; khu nào quy mô lớn thì phải thành lập ít nhất 2 trạm y tế, phải bảo đảm cứ 5.000 - 7.000 lao động thì phải có 1 trạm y tế lưu động. Các trạm y tế sẽ chủ động phối hợp với sở y tế địa phương để được hướng dẫn thực hiện chuyên môn, gắn với trang bị đủ phương tiện, nhân lực, vật tư y tế và các loại thuốc điều trị cần thiết. Các trạm y tế lưu động thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm đáp ứng các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trong các KCN. Hiện tại, Bình Dương đã đưa vào hoạt động 3 trạm y tế lưu trong trong cụm, KCN.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.