Tiếp vụ náo loạn mỏ vàng ở Bình Định:
Doanh nghiệp lén lút khai thác vàng?
> Náo loạn tại mỏ vàng ở Bình Định
Như Tiền Phong đã phản ánh, do bức xúc trước việc Cty Đức Nghĩa gây ô nhiễm môi trường, người dân thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân, Bình Định) đã đập phá lán trại của Cty này, sau đó giữ chân một Phó trưởng công an huyện hai ngày, một đêm tại nhà dân với mong muốn công an nhiệt tình làm rõ sự việc. Khoảng 6 giờ chiều 28-12, khi có công văn khẩn của Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu đình chỉ ngay việc khai thác vàng của Cty Đức Nghĩa và buộc đơn vị này tháo dỡ hết lán trại, thu hồi máy móc chờ cơ quan chức năng điều tra, giải quyết, người dân mới để Phó trưởng công an huyện ra về.
Mỏ vàng mà Cty Đức Nghĩa được UBND tỉnh Bình Định cấp phép (ngày 11-11-2011) có diện tích hơn 11 ha, được phép khai thác trong thời hạn 9 năm, nằm tại đầu nguồn suối Bà Tu. Địa điểm này chỉ cách khu dân cư chừng 2km, trên một ngọn núi với độ dốc thẳng đứng, phía dưới là các mạch nước đầu nguồn của suối Bà Tu nối dài đổ về làng Phú Hữu. Tại bãi khai thác vàng, ngoài 3 lán trại tạm bợ dựng lên cho công nhân, hiện chỉ còn những hố mà Cty Đức Nghĩa đào đắp, quây bạt để rửa quặng vàng và một số thuốc rửa vàng nơi đầu nguồn con suối.
Theo người dân, Cty Đức Nghĩa thuê công nhân các nơi về, khoan các hốc đá thành từng lỗ sâu rồi chôn một lượng thuốc xuống để làm mềm đá trước khi xử lý quặng. Hỗn hợp quặng được ngâm ủ với hóa chất trong các hố bên sườn núi. Nước thải từ những hố này sau đó chảy thẳng xuống suối Bà Tu - nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của gần 500 hộ dân xóm 4, thôn Phú Hữu 1. Hàng trăm người dân đã phải thay nhau lên núi canh trực, ngăn chặn việc làm gây ô nhiễm môi trường của Cty Đức Nghĩa. Ông Nguyễn Văn Chi, 40 tuổi, một trong những người dân tham gia canh gác, khẳng định: “Dù vất vả cỡ nào, chúng tôi cũng phải thay nhau tự bảo vệ môi trường cho mình và gia đình”.
“Cty Đức Nghĩa đã hứa đảm bảo với bà con là không bao giờ để lọt một giọt nước thải nào ra ngoài, rằng tất cả đều có bể chứa công nghệ cao xử lý trực tiếp. Nhưng thực tế chẳng có bể nào hết, chỉ là mấy cái hố quây sơ sài, tạm bợ. Môi trường, sức khỏe của dân chúng tôi bị đe dọa và ảnh hưởng là thấy rõ”, ông Trần Duy Kế, 33 tuổi, người dân Phú Hữu 1, nói.
Những loại hóa chất không rõ nguồn gốc tại hiện trường. |
Đề nghị rút giấy phép vĩnh viễn
Sáng 29-12, tại khu vực bãi vàng, nhiều người dân cho rằng, sau khi bị chính quyền yêu cầu dừng khai thác, Cty Đức Nghĩa lại cho công nhân sang một nhánh suối khác nằm lấp bên khu suối Tre để phá mỏ đãi vàng. Theo nhiều người dân, tất cả đều được thực hiện ban đêm, tầm 8 giờ tối đến 6 giờ sáng rồi lại rút công nhân về.
Ông Võ Trọng Thu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, nói: “Cty Đức Nghĩa không thực hiện đúng quy trình như đã hứa mà trái lại còn thách thức người dân. Trong giấy tờ thì ghi bài bản, đầy đủ nhưng khi cả chúng tôi cùng nhân dân vào tận nơi thấy quá cẩu thả, sơ sài, không ổn trong các dây chuyền sản xuất, không đảm bảo về môi trường”. Trưởng xóm 4, ông Nguyễn Thành Long, cho biết: “Bà con trong thôn đã có một số người bị ăn mòn móng chân, móng tay khi làm đồng dưới con suối Bà Tu. Giờ chỉ mong lãnh đạo tỉnh trực tiếp về kiểm tra và rút giấy phép vĩnh viễn đối với công ty này”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lê Hữu Lộc, cho biết: Tỉnh chỉ mới cấp phép cho Cty Đức Nghĩa thăm dò mỏ vàng tại Ân Tường Tây chứ chưa đồng ý cho đơn vị này khai thác. Tuy nhiên, khi đơn vị để xảy ra tình trạng ảnh hưởng dư luận và người dân thì tỉnh đã tạm đình chỉ việc thăm dò để xem xét, giữ trật tự trị an và giải quyết bức xúc của người dân. Nếu khi Cty Đức Nghĩa được phép khai thác mà đi ngược quy trình, không đảm bảo các yếu tố môi trường như đã cam kết thì UBND tỉnh sẽ đình chỉ vĩnh viễn và rút giấy phép ngay lập tức, ông Lộc nói.
Ông Nguyễn Cần, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nói rằng, tỉnh và huyện cũng như các ban ngành liên quan đang xác minh ai đúng, ai sai, huyện hiện chưa thể cung cấp thông tin cụ thể cho báo chí.