Thất nghiệp
Khi TPHCM yêu cầu toàn bộ quán bar, vũ trường, karaoke, massage... phải đóng cửa đến hết ngày 31/3 để phòng chống dịch bệnh Covid-19, hàng loạt lao động ở các ngành nghề này đã bị ảnh hưởng. Chị Nguyễn Thị N., tiếp viên quán karaoke trên đường Sương Nguyệt Ánh quận 1 cho biết, từ khi có Nghị định 100 xử phạt người tham gia giao thông đã uống rượu bia, quán đã ế khách. Đến nay, TPHCM yêu cầu đóng cửa quán karaoke khiến nhiều nhân viên thất nghiệp.
“Tụi em đi làm, chỉ sống nhờ tiền “bo” của khách chứ không có lương cứng. Bây giờ quán đóng cửa thì tụi em không có thu nhập nhưng vẫn phải đóng tiền nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt… Lo nhất là những tiếp viên đã vay tiền mua xe máy xịn, điện thoại đắt tiền giờ không biết lấy gì trả góp”, N. nói.
Anh Nguyễn Xuân Ngọc, hướng dẫn viên của Aussie Travel cho biết, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Từ đầu năm đến nay, Ngọc chỉ đi hai tour là Thái Lan và Hà Nội rồi ở nhà chơi, thu nhập chỉ bằng 1/10 so với cùng kỳ năm trước. Nhiều hướng dẫn viên du lịch phải chuyển nghề, qua bán hải sản, đặc sản vùng miền hay khẩu trang. Với nghề hướng dẫn viên, lương cứng khá thấp, thu nhập chỉ nhờ vào tiền công tác phí, tiền “bo” của khách và thu nhập khác.
“Thu nhập giảm nhưng tôi cũng còn may mắn, vì là nhân viên cơ hữu của Aussie Travel nên có lương cứng. Rất nhiều đồng nghiệp ở công ty khác còn không có thu nhập, tour không khởi hành, công ty du lịch đóng cửa. Dịp Tết, các công ty du lịch đều chuẩn bị cho năm 2002, mùa hoa Anh Đào Nhật Bản, mùa hoa Anh Đào Hàn Quốc, tour châu Âu, tour Trung Quốc… đều đặt vé máy bay nguyên năm. Mỗi một nước như vậy là vài ba tỷ đồng nên số tiền các công ty du lịch đổ vào đó rất lớn. Do đó, dù khó khăn nhưng anh em hướng dẫn viên cũng hiểu và đồng hành với công ty”, anh Ngọc nói.
Trong khi đó, nhân viên sales bất động sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Anh Nguyễn Thanh Cường, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết, chưa khi nào thị trường bất động sản u ám như hiện tại, kể cả lúc khủng hoảng năm 2008. Khó khăn về pháp lý cộng với dịch Covid-19 khiến rất nhiều công ty bất động sản không mở bán dự án mới, dẫn tới sales thất nghiệp.
“Phần lớn, nhân viên sales chỉ sống dựa trên phần trăm hoa hồng của mỗi sản phẩm bán được chứ không có lương cứng. Thông thường, sau Tết là lúc thị trường sôi động khi các công ty bất động sản đua nhau bung hàng, nhờ đó sales sống khỏe. Nhưng năm nay, từ Tết đến giờ hàng trăm sales thất nghiệp, phải lấy tiền tiết kiệm ra để trang trải sống. Rất nhiều anh em lâm cảnh nợ nần, phải lo bán tháo ô tô vì mua trả góp”, anh Cường nói.
Nên chia sẻ
Tương tự, hàng loạt tiếp viên ở các nhà hàng, quán ăn cũng bị thất nghiệp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một trong những nhà hàng lớn nhất quận Phú Nhuận là Song Long cũng phải cắt giảm khoảng 50% nhân viên do doanh thu đi xuống. Quản lý nhà hàng này cho biết, đã xin chủ nhà giảm tiền mặt bằng để tồn tại nhưng còn hàng loạt chi phí khác như thuê đầu bếp, lao công, nhân viên giữ xe, phụ vụ… chiếm chi phí rất lớn nên đành phải cắt giảm.
Ông Nguyễn Hải Linh, chủ tàu nhà hàng Elisa cho biết đang rất đau đầu với dịch Covid-19 vì ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu. Hiện tại, Elisa đã cắt giảm gần hết nhân viên trên tàu nhà hàng, chỉ giữ lại con số tối thiểu để duy trì Elisa.
Anh Thương, quản lý karaoke Diamond trên Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân cho biết, rất nhiều tiếp viên của quán đã lo lắng khi bị buộc phải đóng cửa. Từ khi Nghị định 100 ra đời, doanh thu của quán đi xuống nhưng vẫn còn cầm cự được, tiếp viên vẫn có thu nhập dù không cao.
“Chúng tôi chỉ mong đóng cửa quán 2 tuần, chứ kéo dài thêm nữa thì quán dễ phá sản, hàng chục nhân viên phải thất nghiệp. Tiếp viên không đi làm, không có thu nhập nên không dám tiêu xài, ăn uống kéo theo các ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng”, anh Thương nói.
Trong khi đó, ông Trần Hiếu, Phó tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam cho biết, đã cho nhân viên nghỉ 1 tuần nay để làm việc online, tránh dịch Covid-19. Mọi kế hoạch kinh doanh đều bị đảo lộn do tình hình dịch bệnh. Đối với sales, ngoài lương cứng, thu nhập của họ phần lớn đến từ doanh số nên hiện tại bị sụt giảm khá nhiều.
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến ngành dịch vụ, phục vụ. Do đó, việc sa thải hay cắt giảm lao động để duy trì công ty là điều đương nhiên. Lúc này người lao động nên chấp nhận và chia sẽ gánh nặng với các chủ doanh nghiệp, đồng thời chú ý giữ gìn sức khỏe.
Đa phần người lao động làm trong ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn đều từ các tỉnh khác lên nên có thể tạm thời quay về quê để gần gũi gia đình, giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt ở TPHCM. Người Việt có tính thích ứng rất cao, nếu không muốn về quê, họ có thể tìm các công việc thời vụ khác để qua giai đoạn khó khăn này.