Doanh nghiệp kiến nghị miễn, giảm thuế

Doanh nghiệp kiến nghị miễn, giảm thuế
TP - Cuộc đối thoại về thuế, hải quan giữa bộ Tài chính và doanh nghiệp tổ chức hôm qua (27- 9), hầu hết những băn khoăn của doanh nghiệp đều tập trung vào bối cảnh kinh doanh khó khăn và kiến nghị miễn, giảm thuế hơn nữa.

> Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân

Nhìn chung, các kiến nghị miễn, giảm thuế bao gồm từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (GTGT)… đến các sắc thuế cụ thể liên quan đến từng ngành, hàng cụ thể như đất đai, dụng cụ thể thao, ngành vận tải; thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô...

Đặc biệt, lĩnh vực đất đai được nhiều doanh nghiệp đề cập và kiến nghị cần có sự hướng dẫn cụ thể rõ ràng. Điều đó cũng phản ánh thực trạng khó khăn chung của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua khảo sát, VCCI đã nhận hơn 1.000 ý kiến phản hồi từ DN liên quan lĩnh vực thuế và hải quan.

Kết quả cho thấy, hầu hết không có ý kiến về tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ thuế, hải quan khi giải quyết thủ tục cho DN như trước đây.

Tuy nhiên, có gần 15% ý kiến phản hồi của DN cho biết, các vấn đề chính sách, quy trình thủ tục, văn bản hành chính, các khó khăn về thuế cao và cách thức tiếp cận thông tin chưa đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc giãn thuế VAT 3 tháng vừa qua, có hơn 200 nghìn DN đã được thụ thưởng, tương đương khoảng 11.000 tỷ đồng.

Có 6.100 DN đã hoạt động trở lại sau khi được giãn thuế. Những tháng cuối năm, với các biện pháp giãn, giảm thuế, giải ngân và đảm bảo vốn cho các DN quan trọng, khuyến khích xuất khẩu, những điểm sáng kinh tế sẽ rõ hơn.

Nhìn vào doanh thu kê khai thuế, tháng sau cao hơn tháng trước, số DN khai có lãi tăng 3-4% mỗi tháng. “Nếu tháng 10 tới, Quốc hội thông qua Luật Quản lý Thuế, thì từ 1-7-2013, các DN vừa và nhỏ sẽ được kê khai thuế 3 tháng một lần (thay vì mỗi tháng một lần).

Các DN cũng được tạm sử dụng phần vốn của hai tháng chưa nộp, tạo vốn để kinh doanh”- ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện Bộ Tài chính phải đảm bảo nhiệm vụ kế hoạch thu ngân sách, nhưng vẫn đảm bảo giãn, giảm thuế cho DN phát triển.

Trong đó, sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra đơn vị vi phạm pháp luật về thuế, xử lý nợ đọng thuế. Trong 7 tháng đầu năm nay, thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện tăng thu 6.200 tỷ đồng.

Thứ trưởng Tuấn cho hay, số dư nợ thuế từ đầu năm tới nay của DN đã lên đến 11.000 tỷ đồng, nhưng hiện, lãi suất dưới 18%, trong khi phạt chậm nộp 18%, DN sẵn sàng vay ngân hàng để nộp phạt.

Theo ông Tuấn, hiện việc giải phóng hàng tồn kho rất quan trọng, ngoài thúc đẩy các dự án đầu tư công, tăng giải ngân xã hội, tồn kho tụt xuống, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG