Doanh nghiệp gỗ ‘phản pháo’ việc bị chậm hoàn hơn 6.000 tỷ đồng thuế VAT

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi cơ quan thuế lên tiếng giải thích việc chậm trễ hoàn thuế đối với các doanh nghiệp dăm gỗ là do xuất hiện tình trạng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã lên tiếng phản hồi. 

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thống kê sơ bộ cho thấy số tiền thuế VAT của doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu gỗ chưa được hoàn đến nay là 6.100 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ khoảng trên 4.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng; số còn lại khoảng 1.600 tỷ các doanh nghiệp viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, việc chậm trễ hoàn thuế hiện nay xuất phát từ hướng dẫn của Tổng cục Thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, do đó yêu cầu các cục thuế địa phương phối hợp với các cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… tăng cường giám sát trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.

Ngoài ra, các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này khiến thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp kéo dài. Có hồ sơ doanh nghiệp nộp đến 2 năm cũng không nhận được phản hồi dù quy định thời gian hoàn thuế không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ.

Ông Thang Văn Thông - đại diện Chi Hội Dăm gỗ Việt Nam - cho rằng, nếu việc hoàn thuế VAT vẫn vướng như hiện nay và không có hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp ngành gỗ sẽ bị mất niềm tin.

Doanh nghiệp gỗ ‘phản pháo’ việc bị chậm hoàn hơn 6.000 tỷ đồng thuế VAT ảnh 1

Doanh nghiệp dăm gỗ cho biết, việc chậm hoàn thuế VAT đang ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát lại các vướng mắc để gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo dòng tài chính để doanh nghiệp ký kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị cho phép hoàn thuế VAT vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật đề nghị kiểm tra và xử lý theo quy định.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính đưa mặt hàng gỗ ra khỏi nhóm những mặt hàng rủi ro cao trong việc hoàn thuế vì theo quy định của Luật Lâm nghiệp, gỗ rừng trồng là gỗ hợp pháp.

"Nếu tình trạng hoàn thuế VAT còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Hiệp hội đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, để tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế VAT gian lận ngân sách nhà nước, tác động xấu tới các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính; hoặc có chính sách để doanh nghiệp đóng thuế thay ở khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và doanh nghiệp được phép hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp", đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay.

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, thời gian vừa qua có một số vướng mắc trong việc hoàn thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gỗ nói riêng. Nguyên nhân do xuất hiện tình trạng doanh nghiệp vi phạm trong vấn đề sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, nhằm hợp thức hoá hồ sơ hoàn thuế với giá trị rất lớn

Qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của cả ngành thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, Tổng cục Thuế cho biết có đến 7.609 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, gồm: 6.712 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, 897 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

"Đặc biệt trong những doanh nghiệp này, có 24 doanh nghiệp nằm trong vụ án khởi tố, điều tra về tội mua bán hóa đơn bất hợp pháp", Tổng cục Thuế cho biết.

Tổng cục Thuế vừa ban hành Quy chế giải quyết bồi thường nhà nước.

Theo đó, cơ quan Thuế phải bồi thường cho người dân, doanh nghiệp trong các trường hợp: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật.

Cơ quan Thuế không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật Tố cáo các biện pháp để bảo vệ người tố cáo; thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin.

Người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ gửi hồ sơ tới cơ quan Thuế gồm: Văn bản yêu cầu bồi thường, giấy tờ chứng minh thân nhân của người bị thiệt hại và tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường.

Trong văn bản yêu cầu bồi thường phải nêu rõ được hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ, thiệt hại và cách tính, yêu cầu bồi thường.

Trong thời gian 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, Thủ trưởng cơ quan Thuế phải thực hiện quy trình bồi thường.

Quỳnh Nga

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.