Ngày 19/10, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị: Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
Tham gia góp ý với lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Eurocham cho biết, Eurocham ấn tượng với quá trình tiêm phủ vắc xin tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nói riêng. Doanh nghiệp và cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người nước ngoài. Tuy nhiên, tại khối khách sạn, vẫn còn nhân viên chưa được tiêm mũi 2.
Đại diện Eurocham cũng đề xuất, thời gian tới doanh nghiệp được tự chủ hơn về phương án chống dịch, tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy...
“Chúng tôi tin rằng, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội và Việt Nam trong tương lai”, ông Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.
Các DN FDI nêu ý kiến tại Hội nghị |
Theo ông Inouce - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), việc xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa làm tăng chi phí vận tải. Phương tiện vận tải hàng hóa không được đi qua khu vực áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 gây cản trở việc cung cấp vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất cũng như nhu yếu phẩm của người dân. Biện pháp "3 tại chỗ" cũng làm hạn chế số lượng lao động làm việc.
Do đó, ông Inouce đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa nếu đã tiêm vắc xin và cho phép lưu thông qua khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội. Điều kiện là tuyến đường di chuyển có điểm đầu và điểm cuối thuộc vùng không thực hiện giãn cách xã hội.
Cũng tại hội nghị, một số đại diện doanh nghiệp đề nghị rút ngắn thời gian cấp phép cho chuyên gia nước ngoài làm việc; có đơn vị giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên áp dụng cơ chế giãn thuế; cơ quan chức năng sớm có giải pháp về vấn đề chồng chéo chi phí logistics...
Đại diện Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý cho biết: "Nhà máy của chúng tôi đi vào hoạt động sẽ xử lý 70% rác thải sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội. Được xây dựng từ tháng 8/2019, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2021, đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bị chậm tiến độ. Hiện, nhà máy đang hoàn thiện và nghiệm thu, chúng tôi gặp khó khăn điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện, đến nay chưa được Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phê duyệt, đề nghị Bộ phê duyệt để chúng tôi sớm triển khai đóng điện, đưa nhà máy đi vào vận hành nhằm cùng Hà Nội xử lý các vấn đề về rác thải của thành phố"...
Ngoài ra, một số đại diện doanh nghiệp khác cũng đề nghị rút ngắn thời gian xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài vì hiện nay chuyên gia phải chờ từ 1 đến 2 tháng mới hoàn thiện thủ tục vào làm việc. Cần lập ra một đơn vị giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều bộ, sở, ngành mà không biết đơn vị nào sẽ giải quyết; tạo cơ chế về thuế suất, các quy chế được giản đơn, hấp dẫn, dễ kiểm soát, tạo sự cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên dùng cơ chế giãn thuế vì doanh nghiệp đang đuối sức thì việc giãn thuế không hỗ trợ được doanh nghiệp; khi doanh nghiệp phục hồi có lãi vẫn được áp dụng chính sách miễn, giảm thuế. Phải tạo được niềm tin cho tất cả các doanh nghiệp FDI để mang chất xám phát triển Việt Nam, phát triển thành phố Hà Nội.
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ. Ông Chu Ngọc Anh khẳng định, lãnh đạo TP cam kết tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch COVID-19.