Doanh nghiệp chỉ ra loạt bất cập, rủi ro của hóa đơn điện tử

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các vấn đề xoay quanh thực hiện hoá đơn điện tử được doanh nghiệp gửi tới đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã “làm nóng” hội nghị đối thoại chính sách, thủ tục hành chính - thuế hải quan năm 2022. Trong đó, xoay quanh thông tin như chỉnh sửa hoá đơn sai sót, rà soát hoá đơn tiềm ẩn rủi ro.

Ngày 22/11, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, thủ tục hành chính – thuế hải quan năm 2022. Tại đối thoại, vấn đề liên quan tới hoá đơn điện tử được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm, đặt câu hỏi.

Là một trong những doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn tại Việt Nam, đại diện Công ty Honda Việt Nam phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý hoá đơn điện tử khi Nghị định 15 có hiệu lực.

Theo đại diện Honda Việt Nam, mỗi tháng công ty xuất khoảng 150.000 hoá đơn điện tử. Các hoá đơn này liên quan nhiều hệ thống khác của doanh nghiệp như quản trị sản xuất, đại lý, mua hàng. Khi Nghị định 15 có hiệu lực, một số mặt hàng có thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8% và DN không thể sửa ngay hoá đơn điện tử. Hiện nay, Honda Việt Nam có khoảng 260.000 hoá đơn chưa điều chỉnh.

Honda Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ theo các phương án: Một là, Honda Việt Nam phải điều chỉnh số lượng hoá đơn này và phải mất nhiều thời gian, nhân lực. Hai là, trong số 260.000 hoá đơn này chỉ xuất cho khoảng 1.500 đơn vị là đại lý bán hàng của Honda và mong muốn được điều chỉnh theo hướng một mẫu hoá đơn áp dụng cho các đại lý.

“Chúng tôi mong muốn, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trao đổi giải pháp để giúp ít tốn kém nhân lực, thời gian. Cùng với đó, DN mong muốn khi kiến nghị vấn đề tới Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế sẽ nhận được câu trả lời nhanh nhất để DN không rơi vào tình trạng vi phạm”, đại diện Honda Việt Nam kiến nghị.

Trả lời kiến nghị của Honda Việt Nam, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục Thuế - cho biết, thời gian qua nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc khi điều chỉnh thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15.

Ông Hùng cho biết, căn cứ theo quy định về xử lý hoá đơn sai sót, DN tự điều chỉnh, kê khai. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho DN, ông Hùng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin (Tổng Cục Thuế) phối hợp với Cục thuế Vĩnh Phúc cùng Honda Việt Nam nhanh chóng có phương án xử lý dứt điểm.

Doanh nghiệp chỉ ra loạt bất cập, rủi ro của hóa đơn điện tử ảnh 1

Hàng trăm doanh nghiệp tham gia đối thoại chính sách thuế, hải quan với đại diện Bộ Tài chính

Cùng xoay quanh vấn đề hoá đơn điện tử, ông Đỗ Phương Nam - Kế toán trưởng Công ty CP nước sạch Hà Nội - nêu thắc mắc về việc sử dụng hoá đơn có bảng kê. Theo quy định hướng dẫn bảng kê để kiểm tra, hoá đơn theo kỳ phát sinh được sử dụng bảng kê. Nhưng khái niệm “hoá đơn theo kỳ phát sinh” chưa rõ ràng nên công ty thắc mắc chi phí như chi hội nghị, hội thảo, chi phí ăn uống có được ghi theo bảng kê hay không? Doanh nghiệp mong được hướng dẫn để tránh việc sai sót khi đoàn kiểm tra.

“Công ty chúng tôi gặp vướng mắc trong hoá đơn điện tử vì không biết DN đầu vào có kê khai đúng hay không? Khi ngành thuế kiểm tra phát hiện, hoá đơn của DN đầu vào không đúng. Là DN nhà nước, nếu chỉ sai sót một vài lỗi sẽ ảnh hưởng xếp hạng DN. Chúng tôi rất mong ngành thuế có công cụ để kiểm tra hoá đơn DN đã chuẩn chỉnh hay chưa để chúng tôi truy cập”, ông Nam gửi thắc mắc tới đại diện Bộ Tài chính.

Trả lời câu hỏi này của DN, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Thuế - cho biết, DN được phép dùng bảng kê và quy định cụ thể dịch vụ phát sinh như điện, nước, viễn thông, báo cáo chuyển phát, bảo hiểm…. Những dịch vụ phát theo kỳ phát sinh của công ty là nước được xuất kèm bảng kê.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, DN ngành điện nước không tiềm ẩn thất thu thuế VAT nên được kê theo bảng kê. Thứ trưởng Tuấn cũng hoan nghênh ý kiến công ty nước sạch về rà soát hoá đơn rủi ro. Theo ông Tuấn, từ 1/7/2022 cả nước chuyển sang hoá đơn điện tử với 2 loại có mã và không mã. Hoá đơn có mã, DN có thể tra cứu luôn trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để quản trị rủi ro.

“Công ty nước sạch quản trị tốt đầu vào, công khai minh bạch với đối tác hàng thật, dịch vụ thật và quản trị nội bộ rủi ro tốt sẽ xử lý tình trạng này. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng phần mềm quản trị rủi ro để giúp cảnh báo cho DN”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.