Hệ thống mạng hải quan điện tử hay gặp sự cố
Ngày 20/3, UBND TP Hải Phòng tổ chức hội nghị đối thoại với 250 doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, cơ sở hạ tầng… ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong buổi đối thoại, các doanh nghiệp có 53 đề xuất kiến nghị, thuộc 8 nhóm lĩnh vực như: vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hải quan; đề xuất xem xét miễn, giảm phí cơ sở hạ tầng, dịch vụ cảng biển; cước vận tải biển tăng cao, các loại phí, phụ phí liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu do các hãng tàu nước ngoài, các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng quy định cao bất hợp lý như: phí CIC, phí nâng hạ/trả vỏ container rỗng…
Toàn cảnh hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp XNK tại Hải Phòng. |
Trong số các doanh nghiệp FDI, đại diện Công ty TNHH Điện tử DongYang phản ánh, hệ thống dữ liệu khai báo hóa chất/tiền chất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia có thời điểm gặp sự cố hay không trả kết quả sau khi khai báo trực tuyến.
Hệ thống mạng hải quan điện tử nhiều khi gặp sự cố… khiến doanh nghiệp khai báo bị chậm, ảnh hưởng tiến độ giao nhận hàng, hàng hóa không được thông quan mà tồn tại cảng dẫn đến chi phí lưu kho tăng, không đáp ứng được tiến độ sản xuất.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước kiến nghị, phản ánh nhiều nội dung về thủ tục thông quan, chi phí logistics, phí nâng hạ… bất hợp lý.
Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp FDI phản ánh, kiến nghị những tồn tại trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, dịch vụ logistics... |
Về những phản ánh trong lĩnh vực hải quan, ông Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng - cho biết, Hệ thống thông quan hàng hóa tự động Việt Nam (VNACCS) là hệ thống thông quan hiện đại do Nhật Bản tài trợ và được thực hiện từ năm 2014.
Tuy nhiên, do lượng tờ khai, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, gấp nhiều lần so với thời điểm năm 2014. Mặt khác, trong năm 2023 có thời điểm lượng tờ khai liên quan đến mua bán hàng qua sàn thương mại điện tử tăng đột biến nên việc khai báo hải quan gặp khó khăn.
Vấn đề này đã được Tổng cục Hải quan nắm bắt và có giải pháp khắc phục kịp thời, hiện nay hệ thống đã vận hành ổn định, thông suốt. Về lâu dài, trong chuyến công tác đầu tháng 3 mới đây tại Nhật Bản, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ để duy trì vận hành Hệ thống VNACCS.
“Đối với việc thực hiện thủ tục hành chính của một số bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia có thời điểm gặp khó khăn, Cục Hải quan Hải Phòng sẽ kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ”, Cục trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói tại hội nghị.
Ông Nguyễn Duy Ngọc cũng thông tin, nhiều năm qua, đơn vị luôn chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; chú trọng tiếp nhận vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ, tạo thuận lợi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng. |
Bên cạnh những kiến nghị về thủ tục hải quan, logistics, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị về công tác chuyển đổi số, trình tự thủ tục, quy định cấp C/O; nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển nhằm phát triển dịch vụ logistics; xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ tại các khu công nghiệp… Về những nội dung này, các sở ban ngành thành phố Hải Phòng đã giải đáp tại hội nghị tới các doanh nghiệp.
Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Cường - Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, Hải Phòng vẫn là một trong những điểm sáng của cả nước về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố ước đạt 31 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 30 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 170 triệu tấn. Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu Hải Phòng đạt 5,1 tỷ USD (tăng 14%), nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD (tăng 15%); sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 22,2 triệu tấn (tăng 6,6%) so với cùng kỳ.
Đến nay, Hải Phòng có 950 dự án đầu tư FDI, tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ USD. Khối doanh nghiệp cùng doanh nghiệp địa phương đã phát huy vai trò quan trọng, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Ông Hoàng Minh Cường - Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng. |
Ông Hoàng Minh Cường cho biết, thành phố xác định rõ vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế. Do đó, thành phố đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông đồng bộ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiết giảm thời gian đi lại và chi phí phát sinh… Điều này thể hiện qua một số chỉ số như: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (năm 2022) và cải cách hành chính Hải Phòng xếp 2/63 tỉnh thành; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (xếp thứ 3); chuyển đổi số (xếp thứ 14)…
Mới đây, thành phố ban hành kế hoạch về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2024. Kế hoạch có mục tiêu cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển.