Doanh nghiệp cần quyết liệt phản ánh nếu bị hải quan gây khó dễ

Các đại biểu cùng tranh luận góp ý Dự thảo NĐ 08 về thủ tục hải quan ngày 20/6
Các đại biểu cùng tranh luận góp ý Dự thảo NĐ 08 về thủ tục hải quan ngày 20/6
TPO - Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, các doanh nghiệp khi thấy bị công chức hải quan gây khó dễ đề nghị phản ánh cụ thể để xử lý rốt ráo, chấn chỉnh lại, không để xảy ra các thỏa thuận ngầm, nhượng bộ….vì sẽ không tốt về lâu dài.

Ngày 20/6, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan (Dự thảo NĐ 08).

Rất nhiều điểm mới được nêu ra để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Đơn cử như quy định về việc đưa hàng về bảo quản theo điều 33 của NĐ 08.  

Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan (TCHQ), trên thực tế có một số trường hợp hàng hóa đang trong quá trình bảo quản đã được đưa vào tiêu thụ hoặc không còn trong khu vực bảo quản như đã đăng ký. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia. Do đó, cần phải tăng cường quản lý hoạt động đưa hàng về bảo quản, trong đó các kho bãi chứa hàng đưa về bảo quản của các DN phải có sơ đồ cụ thể, địa chỉ rõ ràng, được ngăn cách với khu vực xung quanh đảm bảo việc bảo quản nguyên trạng hàng hóa và phải được trang bị hệ thống camera giám sát kho bãi, có chia sẻ hình ảnh với cơ quan hải quan.

Về vấn đề này, hầu hết các DN đều phản đối, cho rằng không cần thiết phải lắp camera và chia sẻ hình ảnh với cơ quan hải quan. Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng từ “chia sẻ hình ảnh” ở đây cần làm rõ là chia sẻ kết nối trực tiếp để hải quan cùng theo dõi hay khi cần kiểm tra thì đề nghị DN gửi hình ảnh camera báo cáo? 

Ông Âu Anh Tuấn, Cục phó Cục giám sát quản lý (TCHQ) cho biết việc lắp camera chia sẻ với hải quan nhằm để tăng cường trách nhiệm của DN, ý kiến của các DN sẽ được ghi nhận để xem xét, điều chỉnh hợp lý.

Tại khoản 3, điều 14 của Dự thảo, TCHQ dự kiến sửa đổi, bổ sung: “Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm chủ trì làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh; Các cơ quan chức năng khác có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hải quan trong việc làm thủ tục hải quan…và không được yêu cầu người khai hải quan xuất trình hồ sơ hải quan, hàng hóa… để kiểm tra”. 

Ông Đỗ Quang Tuynh, đại diện Cty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Thái Bình), việc này rất thiết thực, bỏ qua khâu kiểm tra của lực lượng biên phòng, rút gọn thời gian thông quan hàng hóa.

Dự thảo lần này cũng nới rộng thời hạn nộp manifest nhập khẩu (bản khai hàng hóa, vận đơn thứ cấp) là trước 24h trước khi tàu xuất cảnh tại nước xuất khẩu. Quy định này giúp hải quan có thông tin trước nhiều ngày để đánh giá rủi ro và kịp thời phát hiện ra những lô hàng có khả năng vi phạm để tập trung nguồn lực xử lý.

Các đại biểu cũng tranh luận sôi nổi về việc quản lý thuế, hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đại diện Cty TNHH Yamaha Motor Việt Nam cho rằng không thấy có điều khoản nào nói rõ thời hạn cơ quan hải quan chuyển tiền hoàn thuế cho DN. 

“Chẳng hạn, Yamaha có quyết định hoàn thuế ở Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài từ 2012  nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền. Trong khi chúng tôi chậm nộp thuế lập tức bị xử lý. Tôi đề nghị cần có quy định thời hạn hoàn thuế, trả tiền cho DN khi không còn vướng mắc nào cả. Phải công bằng cho cả 2 bên” – vị đại diện Yamaha nói.  

Cũng theo chị này, cần có quy định rõ việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ hải quan vì các lý do như trình độ chuyên môn không đáp ứng, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng, TCHQ đề nghị đại diện Yamaha gửi lại cho họ quyết định hoàn thuế cụ thể là quyết định nào để kiểm tra và xử lý triệt để. Đề nghị Yamaha và các DN nếu gặp tình trạng công chức hải quan gây khó dễ thì phản ánh cụ thể lên tổng cục để xử lý rốt ráo, chấn chỉnh lại, không để xảy ra các thỏa thuận ngầm, nhượng bộ…. vì sẽ không tốt về lâu dài.

MỚI - NÓNG