Doanh nghiệp BOT đòi trả hạ tầng: Có hợp đồng, sao phải “dọa”?

 Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng Nhà nước vẫn nợ nhà đầu tư tiền giải phóng mặt bằng hơn 4.000 tỷ đồng
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng Nhà nước vẫn nợ nhà đầu tư tiền giải phóng mặt bằng hơn 4.000 tỷ đồng
TP - Liên quan đến thông tin chủ đầu tư dự án Hầm Hải Vân “dọa” đóng cửa hầm vì các khó khăn tài chính, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, mọi việc đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật, căn cứ trên hợp đồng đã ký kết giữa Bộ GTVT và chủ đầu tư.

Thông tin Cty CP Đèo Cả - chủ đầu tư Dự án Hầm đường bộ huyết mạch Hải Vân  “dọa” đóng cửa (hầm) đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều người cho rằng, hạ tầng giao thông đang bị biến thành “con tin” để cho chủ đầu tư gây sức ép. Theo lý giải của Cty CP Đèo Cả, phương án tài chính của họ có nguy cơ vỡ khi Bộ GTVT chưa cho phép thu phí qua Hầm đường bộ Hải Vân theo hợp đồng BOT đã ký với doanh nghiệp này. 

Từ năm 2012, khi ngành Đường bộ Việt Nam tổ chức thu phí đường bộ theo “đầu xe”, thông qua việc đăng kiểm, các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc đều ngừng thu - trừ các dự án BOT. Hầm đường bộ Hải Vân cũng không thu phí từ thời điểm đó.

Tuy nhiên, khi có dự án mở rộng hầm lánh nạn (Hải Vân 2) thành hầm giao thông thứ 2 với hình thức BOT, tổng đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng, Cty CP Đèo Cả đã ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT. Theo đó, doanh nghiệp được thu phí qua Hầm đường bộ Hải Vân từ 1/1/2017. Việc thu phí này cũng nhằm mục đích có thêm kinh phí cho dự án nâng cấp, sửa chữa, vận hành Hầm đường bộ Hải Vân 1- hầm cũ (khoảng 1.500 tỷ đồng).

Trong khi đó, 2 hầm đường bộ liền kề phía bắc Hải Vân là Phước Tượng và Phú Gia cũng vừa hoàn thành, đã tận dụng Trạm bắc Hải Vân (để thu phí). Nếu Bộ GTVT cho phép Cty Đèo Cả thu phí trạm phía nam Hải Vân, nghĩa là chỉ cách nhau chưa đầy 10km, sẽ vi phạm chính quy định của bộ này (các trạm thu phí BOT cách nhau ít nhất 70km). Cty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT và Cty Đèo Cả cũng được Bộ GTVT cho tính phương án thu phí chung cho cả 3 hầm đường bộ tại 1 trạm. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Đây chính là lý do gây nguy cơ vỡ phương án tài chính của Cty CP Đèo Cả và cái cớ để DN này “dọa” đóng cửa Hầm đường bộ Hải Vân 1. 

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, về nguyên tắc hầm khác với đường. Một con đường cao tốc loại đại lộ kinh phí xây dựng khoảng 1km có thể lên tới 10 triệu USD, nhưng xây hầm sẽ tốn kém hơn 5-7 lần. Do đó, quan trọng nhất phải xem lại hợp đồng BOT đã ký kết giữa Bộ GTVT và Cty CP Đèo Cả trước khi thực hiện dự án. “Việc thi công hầm phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao, kỹ thuật cao, chi phí rất lớn. Làm hầm nào phải thu phí để vận hành, bảo trì hầm đấy; thu hai đầu hầm, không thể có chuyện chỉ thu một đầu hầm Nam hoặc Bắc. 

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy ủng hộ quan điểm của Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ không thể tăng mức thu phí khi thu gộp với trạm Bắc Hải Vân do Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá phí dịch vụ đường bộ, góp phần bình ổn giá tiêu dùng. “Mức giá thu phí BOT phải thấp, theo nguyên tắc “năng nhặt chặt bị”. Bởi lẽ, thực tế đang diễn ra nhiều tuyến đường cao tốc BOT thu phí quá cao khiến người dân phải tránh sang đường khác, nhanh hỏng đường, gây nguy hại cho nền kinh tế”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói. 

Quan trọng nhất, theo vị chuyên gia giao thông, mọi việc đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật, hai bên cần căn cứ trên hợp đồng đã ký kết để sớm giải quyết hợp lý vấn đề, tạo điều kiện giao thông luôn được thông thoáng qua hầm Hải Vân. 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.