Đoàn thanh niên Hà Tĩnh ‘biến’ phế liệu thành xe đạp tặng học sinh nghèo

Đoàn thanh niên Hà Tĩnh ‘biến’ phế liệu thành xe đạp tặng học sinh nghèo
TPO - Những chiếc xe đạp cũ tưởng chừng chỉ có bỏ đi, nhưng qua bàn tay của các đoàn viên thanh niên ở Hà Tĩnh đã “biến” thành chiếc xe mới để tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Nhằm hướng tới kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đoàn, Ban chấp hành Đoàn thanh niên xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã triển khai mô hình “Xe đạp vì đàn em thân yêu”. Mô hình này được triển khai bắt đầu từ tháng 3 đến nay với sự tham gia của hơn 10 tình nguyện viên.

 Nói về ý tưởng xây dựng mô hình, anh Nguyễn Hoành Thái, Chủ nhiệm CLB mô hình chia sẻ, khi đi đến các hộ gia đình để tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19 thấy nhiều nhà có xe cũ không sử dụng, trong khi đó một số em học sinh trên địa bàn hoàn cảnh khó khăn đang cần xe để đến trường, đoàn thanh niên đã lên phương án xây dựng mô hình để triển khai.

Đoàn thanh niên Hà Tĩnh ‘biến’ phế liệu thành xe đạp tặng học sinh nghèo ảnh 1 Các đoàn thanh niên xã Tân Lâm Hương tổ chức lắp ráp, sửa xe cũ để trao cho học sinh nghèo.

Trong những ngày đầu, ngoài việc đến các gia đình để tuyên truyền phòng dịch Covid-19, đoàn viên còn vận động người dân quyên góp những chiếc xe cũ không sử dụng về tu sửa, lắp ráp lại để trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn đang cần. Chỉ trong vòng hơn 2 tuần, đoàn thanh niên đã huy động được 25 chiếc xe cũ.

Đoàn thanh niên Hà Tĩnh ‘biến’ phế liệu thành xe đạp tặng học sinh nghèo ảnh 2  Mô hình này được triển khai bắt đầu từ tháng 3 đến nay với sự tham gia của hơn 10 tình nguyện viên.

Vốn là người có kinh nghiệm sửa xe đạp, anh Thái nói đây là hoạt động để anh “trổ tài”. Anh cùng các bạn nam lắp ráp, sửa và thay thế các phụ tùng trong xe, còn các bạn nữ sẽ làm những việc như: rửa, lau chùi và đánh giấy nhám.

Mỗi chiếc xe đều được tháo ra, những bộ phận nào hư hỏng còn dùng được sẽ tu sửa lắp ráp lại, phần không tận dụng được sẽ đưa vào mô hình “Qũy ve chai vì an sinh xã hội”.

Đoàn thanh niên Hà Tĩnh ‘biến’ phế liệu thành xe đạp tặng học sinh nghèo ảnh 3 Mô hình này được bắt đầu triển khai từ tháng 3.

 Trong gần 3 tuần khiển khai mô hình, các đoàn viên đã sửa và hoàn thành được 5 chiếc xe mới từ 10 chiếc xe cũ. Những chiếc xe này đều được các tình nguyện viên bỏ công sức, tâm huyết để hoàn thành. Có thể tính về giá trị vật chất không cao, nhưng đó là niềm động viên lớn đến các em học sinh nghèo.

 “May mắn là hoạt động được các đoàn viên hưởng ứng nhiệt tình. Những bạn nữ trẻ cũng không ngần ngại sửa xe, tay chân thì lấm lem vết dầu nhớt nhưng vẫn rất vui vẻ, có những hôm mấy anh em còn làm việc đến hơn 22h đêm mới về ngủ”, anh Thái chia sẻ.

Đoàn thanh niên Hà Tĩnh ‘biến’ phế liệu thành xe đạp tặng học sinh nghèo ảnh 4 Sau gần 3 tuần triển khai, mô hình đã hoàn thành 5 chiếc xe để trao cho các em học sinh nghèo.

Những chiếc xe cũ tưởng chừng chỉ là phế liệu, nhưng qua bàn tay của các đoàn viên thanh niên đã trở thành chiếc xe đạp mới nhằm hỗ trợ cho các học sinh nghèo trên đường đến trường. Trong ngày hôm nay (22/3), đoàn thanh niên xã đã trao 5 chiếc xe cho 5 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

“Đường đến trường xa, ở nhà xe to quá em không đi được. Mỗi ngày mẹ đều chở đến lớp, nhưng khi ra về thì phải xin xe các bạn để về. Hôm nay nhận được chiếc xe này em rất vui mừng, giờ có xe để đến lớp không cần phải mẹ đón nữa”, em Trần Hữu Đạt (7 tuổi).

Đoàn thanh niên Hà Tĩnh ‘biến’ phế liệu thành xe đạp tặng học sinh nghèo ảnh 5 Những chiếc xe sau khi đoàn viên thanh niên tu sửa để trao cho các em học sinh.

Ngoài triển khai tốt mô hình “Xe đạp vì đàn em thân yêu”, trong thời gian qua, đoàn thanh niên xã Tân Lâm Hương còn triển khai các hoạt động như rửa xe gây quỹ vì người nghèo, qũy ve chai vì an sinh xã hội.

Bí thư tỉnh đoàn Hà Tĩnh - Lê Thành Đông chia sẻ, mô hình “Xe đạp vì đàn em thân yêu” được triển khai trong dịp rất đặc biệt khi cả nước đang dồn sức chống dịch như chống giặc, đồng thời hướng đến kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đoàn. Đây là hoạt động mang quy mô nhỏ không tập trung đông người nhưng có tính sáng tạo và có tác động lớn trong cộng đồng.

MỚI - NÓNG