Hơn tháng nay, vùng núi cao cuối dãy Trường Sơn nơi giáp ranh giữa ba huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh (Bình Thuận) đã có nhiều trận mưa lớn. Núi rừng trùng điệp bỗng ngát xanh. Đây cũng là mùa mang đến nguồn thực phẩm dồi dào cho người dân bản địa, nhất là rau rừng.
Sáng 12/7, anh Mang Văn Đông chở vợ từ xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) đi hái rau rừng tận bên núi Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Con đường rừng lắm dốc đá, trơn trượt hơn sau trận mưa đêm trước. Từ làng vợ chồng anh đi xe máy vào rừng Đông Giang, nhưng khi cách ranh giới rừng Mỹ Thạnh 5 km, họ phải lội bộ, băng qua các khe suối, mang gùi vượt nhiều đoạn dốc cao.
Trên đường đi, anh Đông gặp khoảng chục người sống cùng xã cũng qua đây tìm rau rừng. Họ cùng nghỉ mệt ba chặng, cuối cùng cũng đến sườn đèo Nam trước 10h sáng. Trên khu đồi cao phía trước là khu rừng lá bép bạt ngàn. Lá non đỏ xanh mơn mởn dưới ánh nắng le lói qua tán rừng già nhiều vô kể.
"Mùa mưa mới có nhiều lá bép. Còn mùa nắng tìm mỏi mắt vì lúc đó ít có lá non", anh Đông cho biết.
Anh Mang Bảo cùng nhóm 5 người từ làng Rai (xã Mỹ Thạnh) ở dãy núi bên kia cũng có mặt tại đây. Người cầm giỏ, người thì đeo gùi. Bàn tay thoăn thoát, hái trong một chòm chưa đầy 100 m2, chiếc giỏ của anh Bảo đã đầy. Lá bép non mới ra có màu đỏ lục, già hơn sẽ chuyển qua màu xanh bóng. Từng nắm lá được xếp gọn trong gùi.
Theo anh Bảo, từ xa xưa, tổ tiên người vùng cao đã biết dùng lá bép để chế biến các món ăn hàng ngày, và nhất là làm món canh bồi trong các lễ cúng. Anh cho biết, tiếng Rai (Raglai) gọi loại rau rừng này là "Nhâm pép" (có nghĩa là "Cây thật": ăn không chết). Sau, người Kinh phát âm "pép" thành "bép" hoặc "bếp".
Anh Nguyễn Tiến Đạt, Phó trạm Đèo Nam (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Kapet) cho biết, núi lá bép Mỹ Thạnh rộng hơn 700 ha nằm trên độ cao 650 m, thuộc tiểu khu 254, là nơi cung cấp nguồn rau rừng cho đồng bào các xã miền núi. Nơi đây cây rừng rậm rạp, che phủ, giữ cho đất ẩm quanh năm, nên cây lá bép rất nhiều. Loài này đặc biệt chỉ sống ở những khu rừng mát mẻ có độ ẩm cao, không trồng được ở nhà.
"Cho nên, bà con lên đây chỉ hái lá bép. Họ không dám phá cây gỗ rừng vì sợ rằng sẽ không còn lá bép cho thế hệ mai sau", anh Đạt cho biết.
Núi lá bép Mỹ Thạnh có độ ẩm cao cũng là nơi có nhiều vắt rừng. Khi dừng chân hái lá, gần như ai cũng bị vắt búng lên bám vào chân hút máu. Do đứng một chỗ mải mê hái lá, nhiều người bị chúng cắn mà không hay biết gì, đến lúc phát hiện thì máu chảy ướt ống quần. Do đó, người dân vùng cao có câu "ăn lá bép phải đổ máu" là vậy.
Chị K'Thị Xiểng, 25 tuổi, vợ anh Đông cho biết, lá bép ăn vừa béo vừa bùi, dinh dưỡng cao, là đặc sản của các xã miền núi ở Bình Thuận. Từ nhỏ chị đã được mẹ bày cách làm nhiều món như: canh ống, canh bồi, canh thịt, luộc hoặc ăn sống chấm muối ớt vẫn ngon.
Theo chị Xiểng, ngon nhất là món canh ống nấu trong ống tre lồ ô hoặc ống nứa. Lúc đi rừng, người K'ho, người Rai... thường chặt ống lồ ô nhét lá bép vào, trộn với cá suối nướng hoặc cá khô, rồi lấy củi đốt lửa gác lên nướng. "Ống lồ ô cháy đen là lúc canh đã chín, mình đổ ra tô ăn kèm với cơm lam, ngon không thể tả được", chị Xiểng nói.
Mỗi chuyến đi, mỗi người thường hái một gùi mang về. Họ để dành ăn trong vòng ba ngày và chia bớt cho hàng xóm. Khi bận việc không đi núi được, họ lại được nhà bên cạnh chia sẻ. "Nhờ đó, mà mùa này, đến nhà nào trong làng cũng có món lá bép, ăn mãi mà không ngán", anh Mang Văn Đông cho biết.
Một số người ở các xã Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) cũng mang về bán. Một bó giá 15.000 đồng. Mỗi chuyến đi, họ được khoảng 300.000 đồng.