Đô thị và “vùng đồng bằng”

Đô thị và “vùng đồng bằng”
TP - Nhớ hồi đầu năm, đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng ban, dẫn đầu về làm việc với Đà Nẵng.

Đến đoạn đoàn chất vấn vì sao Đà Nẵng chia nhỏ tổ dân phố, mỗi tổ chỉ có 40 hộ, trong khi Thông tư 04/2012 của Bộ Nội vụ quy định với vùng đồng bằng, mỗi thôn, tổ phải có 200 hộ gia đình trở lên.

Ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó đang là Bí thư Thành ủy, liền giơ bản Thông tư 04 lên, nói tỉnh bơ: “Tôi đọc trong này thấy điều 7 quy định “tại vùng đồng bằng”, chứ có ghi là đô thị đâu ?!”. Cả hội trường khi ấy đều ngớ ra...

Rất vô lý, khi theo lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng, hàng năm mỗi HĐND quận huyện trung bình chỉ tiếp dân khoảng trên 50 trường hợp, nhận 11 đơn thư tố cáo, tiếp nhận không quá 1% kiến nghị của cử tri. HĐND phường xã còn thấp hơn. Còn như năm 2012, số hồ sơ các sở ngành “đẩy” lên để Chủ tịch UBND thành phố giải quyết lên tới trên 4.000.

Không rõ đông dân như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, con số trên sẽ “khủng khiếp” đến đâu! TS. Trần Du Lịch tại Hội thảo về mô hình chính quyền đô thị mới đây, chỉ rõ cần phải đổi mới chức năng của các sở ngành. Sở ngành phải thực sự quản lý hành chính Nhà nước, giám đốc sở phải đứng ra giải quyết và chịu trách nhiệm các vấn đề thuộc sở mình, chứ không “tham mưu giúp việc” đơn thuần, rồi cái gì khó cũng “đẩy” hết lên cho Chủ tịch thành phố! Còn theo tính toán của Sở Nội vụ Đà Nẵng, nếu tổ chức chính quyền đô thị, việc giải quyết được ủy quyền cho giám đốc các sở, thời gian “ngâm” mỗi hồ sơ giảm đi 1 tuần đến nửa tháng, thậm chí 2 tháng, thì có thể tiết kiệm được tới cả 5 vạn ngày chờ đợi cho dân!

Nên câu chuyện “vùng đồng bằng” và “đô thị” của ông Nguyễn Bá Thanh không phải để “chơi chữ”, mà chỉ ra sự vênh nhau khi đô thị và nông thôn cùng phải “dùng chung” một quy định không phù hợp với đặc thù của mình. Như cách nói của ông Thanh hôm đó, trong khi các nơi khác chủ nhà sai ôsin đi họp, tổ trưởng cũng không nắm được. Còn ở Đà Nẵng thì rất sát, hiệu quả, không chỉ về an ninh, mà còn vì an sinh của dân. Chi phí ngân sách cũng không phát sinh là mấy khi bãi bỏ chức tổ phó…

Bộ Chính trị vừa thống nhất cho tiến hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, theo hướng sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường. Lộ trình để đạt đến một chính quyền đô thị hoàn chỉnh, hoạt động suôn sẻ chắc chắn không thể một sớm một chiều, nhưng đó là xu thế tất yếu.

Đến một lúc nào đó, người ta sẽ thấy những cái tên như Sở Ứng phó tình trạng khẩn cấp mà Đà Nẵng đề xuất trong phương án chính quyền đô thị của mình sẽ không còn xa lạ. Để bớt đi cảnh khi có việc, ai cũng tỏ ra quan trọng, hô hào, đạp lên chân nhau, nhưng người thực sự đứng ra xử lý thì không có, còn trách nhiệm thuộc về tập thể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG