Đô thị mới nhếch nhác vì chợ, bãi xe

Xe máy đỗ trong khu vui chơi, giải trí của trẻ em tại khu tái định cư 7,2ha ở phường Vĩnh Phúc (Ba Đình). Ảnh: Trường Phong.
Xe máy đỗ trong khu vui chơi, giải trí của trẻ em tại khu tái định cư 7,2ha ở phường Vĩnh Phúc (Ba Đình). Ảnh: Trường Phong.
TP - Hà Nội đã và đang quyết liệt thực hiện việc lập lại trật tự kỷ cương văn minh đô thị, trong đó có việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng, vẫn còn nhiều nơi thờ ơ với chiến dịch này.

Đua nhau lấn chiếm lòng đường, vỉa hè

Khu tái định cư 7,2 ha nằm trên địa bàn phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) được quy hoạch khá ngăn nắp, có diện tích, không gian cây xanh, đường phố khá rộng rãi, thoáng mát cho cư dân. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến đường bên trong khu đô thị, một số diện tích xung quanh các khu nhà được sử dụng làm bãi trông giữ xe ô tô, xe máy.

Thậm chí, cả một số khu vui chơi, giải trí của người già, trẻ em bị lấn chiếm thành nơi đỗ ô tô, xe máy. Đơn cử như bãi giữ xe khu vực vỉa hè nhà D1 được lắp đặt khá kiên cố bằng cột sắt, mái tôn trên vỉa hè. Cạnh đó, xung quanh khu sân chơi trước nhà D1, hàng trăm xe máy được dựng trên vỉa hè, lấn chiếm hành lang dành cho người đi bộ. Khu vực đối diện nhà K, vỉa hè cũng được dựng kiên cố để làm bãi trông giữ xe.

Dọc khu vực trước nhà G, các hộ buôn bán khá tấp nập, hầu như không còn lối đi cho người đi bộ. Đặc biệt, do gần khu vực chợ, khu sân chơi nhà C bị lấn chiếm khá nhiều diện tích để các hộ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng nông sản, quần áo, giày dép. Thậm chí, ngay trước các cầu thang lên xuống tòa nhà cũng được tận dụng để bán hàng.

Phóng viên cũng ghi nhận, một số quán ăn, nhà hàng, cà phê trong khu tái định cư lấn chiếm vỉa hè, dù đã được kẻ vạch phân chia khá rõ ràng. Đáng chú ý, có quán vi phạm ngay trước trụ sở đội cảnh sát giao thông - trật tự, phản ứng nhanh. Khá khó hiểu khi đoạn vỉa hè trước cửa trụ sở đội cảnh sát này cũng dựng cột, lợp mái để che nắng cho xe...

Khu đô thị Nam Trung Yên thuộc phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có tình trạng tương tự. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết diện tích chân các tòa nhà chung cư trong khu đô thị đều có các dịch vụ ăn uống, trông giữ xe máy, ô tô lấn chiếm các diện tích sử dụng chung.

Đơn cử như sáng ngày 2/10, trước sân tòa nhà B11C, B11D có hàng chục xe ô tô đỗ dưới sân, trong khi đó, mặt sau gần chục quán ăn, quán nước mọc lên được che bạt kín, lấn chiếm khá nhiều diện tích. Phóng viên cũng ghi nhận hàng loạt xe khách, xe vận chuyển của các tỉnh, thành khác dừng đỗ ở khu vực diện tích xung quanh tòa nhà. Trong khi đó, khoảng sân khá rộng của tòa nhà B10A cũng được phủ kín bằng hàng chục xe ô tô. Một người dân lắc đầu khi nói với phóng viên “xe đỗ thế này, trẻ con chẳng có chỗ mà chơi”.

Nơi thờ ơ, nơi khó quản lý

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Hoàng Liên, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc lại khẳng định, trong khu vực tái định cư 7,2ha không có chợ tạm, chợ cóc vì đã được phòng quản lý đô thị quy hoạch khu vực riêng. “Người dân có ý kiến thì nhiều lắm. Thành phố, Sở Công Thương cho phép 3 phường trên địa bàn quận được duy trì chợ thì có phường Vĩnh Phúc”, bà Liên nói.

Bà Liên cũng khẳng định đã đi kiểm tra, giám sát và không có chỗ nào kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. “Trong khu vực 7,2 ha không có bãi đỗ xe tĩnh, mà cư dân thì đông nên cũng không tránh khỏi việc đỗ xe”, bà Liên nói, tuy nhiên, phủ nhận việc xe ô tô, xe máy lấn chiếm diện tích sân chơi của trẻ em. “Người già, trẻ em có sân chơi riêng, không ai đỗ xe lên cả”, bà Liên khẳng định.

Trong khi đó, lãnh đạo phường Trung Hòa (Cầu Giấy) khẳng định, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ được thực hiện quyết liệt từ cuối năm 2016, hầu như trên các tuyến phố chính đều làm triệt để. Phường cũng đang tích cực xử lý các vi phạm trong các ngõ, ngách nhỏ. “Xử lý cũng khó vì ý thức của người dân chưa cao, cộng với cuộc sống mưu sinh của họ, lực lượng rút đi là họ lại tràn ra thôi. Đối với các tuyến phố được đặt tên, phố chính, phố lớn, tuyệt đối các gia đình đã phải chấp hành không lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, chỉ được để xe máy một hàng”, vị này nói. Riêng về khu đô thị Nam Trung Yên, lãnh đạo phường Trung Hòa cho biết, đây là khu vực rất phức tạp. Trước đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường rất nhiều, hiện đã giao cho các tổ dân phố rà soát các trường hợp cụ thể.

“Vì họ đều là dân tái định cư, nghèo, không có nghề nghiệp, có một số trường hợp bán hàng. Chúng tôi yêu cầu tổ dân phố kiểm tra trong diện tích sử dụng chung, nếu có diện tích nào không ảnh hưởng đến giao thông và vui chơi và các tiện ích khác thì tổ dân phố sắp xếp một khu nhà khoảng 3 - 4 hộ được phép bán hàng. Với các trường hợp từ nơi khác đến hoặc không đủ điều kiện thì kiên quyết xử lý”, người này cho biết thêm.

Vị này cũng khẳng định, phường chỉ quản lý phần vỉa hè, lòng đường các tuyến phố đã được đặt tên, còn diện tích sử dụng chung của chung cư dưới chân các tòa nhà đều do Xí nghiệp Quản lý dịch vụ đô thị quản lý. “Lượng ô tô ở sân các tòa nhà chủ yếu do Xí nghiệp họ trông cho khách ở bên ngoài. Chúng tôi cũng đã yêu cầu xí nghiệp phải nhường một số diện tích đỗ xe ô tô cho tổ dân phố bố trí cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn”, bà Phan Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, nói.

Theo bà Yến, Xí nghiệp Quản lý dịch vụ đô thị báo cáo với phường, toàn bộ khoản thu được nộp về Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà để cân đối thu chi, quản lý vận hành Khu đô thị Nam Trung Yên. Bà Yến cho biết, hiện toàn bộ 18 tòa nhà trong Khu đô thị chưa có ban quản trị nên Xí nghiệp Quản lý dịch vụ đô thị quản lý hết. “Chúng tôi không đủ thẩm quyền kiểm tra tài chính của họ vì họ báo cáo với thành phố và Sở Xây dựng. Riêng về vấn đề lấn chiếm diện tích, chúng tôi cũng đã có lần phạt Xí nghiệp dịch vụ đô thị 35 triệu vì việc trông giữ xe lên cả khu vực vườn hoa của nhà A6 Nam Trung Yên, và đã cẩu đi 10 chiếc”, bà Yến cho biết thêm.

MỚI - NÓNG