Do mưa lớn, thủy điện Hòa Bình mở 7 cửa xả đáy

Từ chiều qua đến sáng 11/10, thủy điện Hòa Bình mở tới 7 cửa đáy xả lũ
Từ chiều qua đến sáng 11/10, thủy điện Hòa Bình mở tới 7 cửa đáy xả lũ
TPO - Do lưu lượng nước về hồ quá lớn, theo quy trình vận hành liên hồ chứa, Công ty Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ 7 hồ Hòa Bình vào lúc 9 giờ 30 ngày 11/10.

Theo công ty thủy điện Hòa Bình, mực nước hồ Hòa Bình lúc 9h sáng nay là 117,40m, lưu lượng nước về hồ 12.960 m3/s, lưu lượng nước xả về hạ du là 12.960 m3/s. 

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trong ngày 10/10, trên lưu vực hồ Hòa Bình xảy ra mưa lớn, đặc biệt là khu vực Kim Bôi, Chi Nê, Yên Thủy… lượng mưa gần 250 đến gần 300mm, mực nước nước hồ đã vượt cao trình mực nước dâng bình thường. 

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Hồng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện vào chiều 10/10, yêu cầu hồ Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy vào hồi 7h ngày 11/10. 

Tuy nhiên, thực tế, do lưu lượng về hồ tiếp tục ở mức cao so với dự báo, để đảm bảo an toàn công trình, công trình thủy điện Hòa Bình đã phải chủ động mở 6 cửa xả đáy vào 19h, 19h30 ngày 10/10 và lúc 0h, 3h, 5h và 7h45 phút hôm nay (11/10).

Trước đó, lúc 6h sáng nay, để giảm lưu lượng về hồ Hòa Bình, hạn chế xả lũ xuống hạ du, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu Công ty thủy điện Sơn La dừng tất cả tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du. Công ty phải theo dõi chặt lượng nước về hồ, lượng nước ở thượng lưu, hạ lưu của đập thông báo cho Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để điều hành sát với thực tế.

Để hạn chế thiệt hại do hồ thủy điện xả lũ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu các địa phương liên quan và vùng hạ thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Các địa phương rà soát và có phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó. Tổ chức tuần tra, canh gác, đặc biệt là các vị trí xung yếu hoặc đã bị sự cố trong các đợt mưa lớn và xả lũ thủy điện vừa qua để đảm bảo an toàn đê điều.

MỚI - NÓNG