Sau Tết, hàng chục năm nay, điện thoại của họa sĩ Đỗ Dũng thường nóng ran. Nhiều nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn hóa... không chỉ ở Hà Nội mà ngay cả ở Bắc Ninh gọi liên hồi. Xuân sang, đi nghe hát canh quan họ thật là một thú vui tao nhã. Mà không canh hát hay nào vắng mặt họa sĩ Đỗ Dũng, nên nhiều người điện thoại cũng chỉ là hỏi “đêm nay, ông hát canh ở nhà nào?”.
Nghe quan họ hay chơi quan họ đều là cái duyên. Bởi lẽ, ngay cả những liền anh, liền chị cũng không thể biết canh hát sẽ thế nào huống hồ là những người thưởng ngoạn. Gặp bạn hát chuẩn, trình độ ngang nhau, hay nói kiểu quan họ là “đủ lối, đủ câu” đi chăng nữa, đầy hứa hẹn có một canh hát chỉnh lề lối, hay nhưng mà chỉ một cử chỉ, một câu ra không tuần tự, khập khiễng... chẳng hạn cũng sẽ khiến bên kia khựng hẳn sự hứng thú, canh hát trở nên một thứ cố gắng cho xong việc. Người chơi quan họ cũng không dễ gặp canh hát chỉnh, còn người nghe quan họ cũng phải kiên trì, lê bước hết hội này, làng khác, nhiều năm đôi khi mới được thưởng thức một vài canh hát thực thụ, nhớ đời.
Sinh ra ở Kinh Bắc, tuy sống và làm việc ở Hà Nội nhưng mấy chục năm qua, họa sĩ Đỗ Dũng đi hết làng này, hội khác, khắp các làng quan họ Bắc Ninh, gặp gỡ, giao lưu với đủ loại liền anh, liền chị. Thoắt cái vừa khai mạc triển lãm tranh hay tham dự sự kiện văn hóa nào đó ở Hà Nội đã thấy ông phi về Bắc Ninh “tối nay có canh rất hay, đám cưới con chị hai Dự (một liền chị nổi tiếng). Nhờ đó, ông thuộc hàng trăm câu, có thể ngồi hát đối thâu đêm với các liền anh, liền chị thượng thừa nhất... Nhưng với ông, quan trọng hơn cả, ông được thỏa cái đam mê của mình, hòa mình vào dòng chảy của đời sống quê hương văn hiến, vào một hoạt động văn hóa dân gian đỉnh cao.
Trong cuộc chơi dằng dặc ấy, họa sĩ Đỗ Dũng có tình cảm đặc biệt với người làng Lim, nơi có hội Lim nức tiếng về quan họ. Với người làng Lim, Đỗ Dũng cũng là một liền anh thực sự của làng, chứ không như “mấy anh hai Hà Nội” cũng ham thích, chăm chỉ, vốn liếng có vài chục câu. Quan họ làng Lim hấp dẫn ông bởi sự mộc mạc, chân phương, thật thà, đầy tình người, không hoa hòe, hoa sói. Chứ không như quan họ thị xã, cái mà ông vẫn hòa nhã nhưng thực bụng không thích. “Sợ nhất là những canh hát kiểu maratong, chưa ngồi ấm chỗ đã lao ra biển, vọt lên núi, thách đố nhau, không tuần tự”.
Nghe các anh hai làng Lim trách Đỗ Dũng “Hội vui thế, đ... về” nếu như năm nào đó ông có việc gì đột xuất, hệ trọng thì mới thấy tình cảm của họ dành cho ông thế nào. Ngược lại, không chỉ riêng với người làng Lim, họa sĩ Đỗ Dũng nhiều năm qua, thực sự là người nhà của hầu hết các liền anh, liền chị xứ Kinh Bắc.
Họa sĩ Đỗ Dũng.
Quan họ với Đỗ Dũng như hơi thở. Tính cách của ông cũng cực kỳ hợp với loại hình dân ca này, đầy tình người, chân thành, không vồn vã nhưng duyên ngầm, lâu mới thấm. Dễ hiểu, trong sự nghiệp hội họa của mình, phần lớn những tác phẩm của ông vẽ về quan họ, ông từng triển lãm tranh riêng, chỉ vẽ về quan họ. Ngay cả với những tác phẩm khác của ông, cũng thường phảng phất chút gì gián tiếp từ quan họ.
“Vì người nhan sắc, để lòng ước ao”... Đỗ Dũng ngồi hát canh, đĩnh đạc mà nghiêm cẩn, bên các liền anh, liền chị ở hầu hết các hội làng, các cuộc vui, bất kể ngày đêm, thời tiết. Với ông, quan họ đúng là người nhan sắc mà ông đeo đuổi từ trẻ đến giờ với bao lặn lội, nhọc nhằn nhưng đầy hứng khởi.