Tại chợ Bình Tây (Q.6) – khu chợ lớn nhất Sài Gòn, ngay từ sáng sớm đã vô cùng tấp nập, nhộ nhịp người mua đồ cúng ông Táo.
Đồ cúng ông Công ông Táo ở chợ Bình Tây
Giá dao động từ vài chục ngàn đến cả triệu đồng/bộ lễ vật
Khách không cần lựa, chỉ cần cho biết muốn mua đồ tiễn ông Táo về trời, người bán sẽ sắp cho một bộ đủ lễ vật từ tiền vàng, áo mũ… dùng cho ngày tiễn và ngày đón.
Nhân viên trong tiệm Thanh Hùng (chợ Bình Tây) làm việc không ngớt tay mới kịp để giao cho khách. Ngoài những bộ đồ lễ đơn giản bao gồm áo, mũ, giày có giá từ 50.000 đồng, nhiều người cũng tìm mua đồ cho ông Công ông Táo được làm công phu, với giá từ 300.000-400.000 đồng/bộ.
Tiểu thương Nguyễn Thị Lan cho biết: “Từ đầu tháng Chạp, nhiều người bán hàng ở các tỉnh đã liên hệ để chọn mẫu, chốt giá. Đa số là hàng Trung Quốc nhập qua, đồ cúng xong thì đốt hết nên giá nào rẻ sẽ “ăn tiền” ngày này”.
Dạo quanh một số con chợ nổi tiếng ở TPHCM như chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Bàn Cờ (Q.3); chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10)… các mặt hàng đồ cúng phong phú, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Đi chợ từ sớm để chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Táo Quân, bà Nguyệt Hồng (ngụ Q.5) chia sẻ, năm nào cũng vậy cứ đến ngày 22 tháng Chạp, bà lại đi đến chợ để sắm sửa các mặt hàng như cá chép, kẹo thèo lèo, cúc vạn thọ… Năm nay hàng hóa phong phú, giá cả rẻ hơn nên bà cũng bày mâm cỗ đưa ông Táo to hơn.
Chợ Hòa Bình (Q.5), ngay từ đầu chợ, những bó mía lớn, xanh mướt, tràn ra cả lề đường, cổng chợ để khách dễ dàng đến chọn lựa. Mía được bày bán với giá từ 15.000 -20.000 đồng/cây. Thông thường, mỗi nhà đều mua 2 cây mía để làm thang cho ông Táo leo lên trời. Chị Hoàng Thị Thúy (ngụ Q.11) cho biết: “Mía phải còn tươi, nguyên ngọn, càng dài càng tốt. Đặc biệt là không chặt mía ra mà dựng vào góc bếp”.
Đối với cộng đồng người Hoa sinh sống tại TPHCM, lễ vật tiễn ông Táo không dùng cá chép, vì họ cho rằng loại cá này tanh nên chỉ dùng mía làm thang.
Nhiều người dùng cá chép bằng đường thay cá chép tươi
Người Việt sống gần khu vực này cũng không dùng cá tươi. Thay vào đó, họ mua cá chép hồng bằng đường với giá từ 20.000-25.000 đồng/con.
Đặc biệt, có thể nhận thấy phiên chợ đưa ông Táo nổi lên màu vàng rực đặc trưng của bông vạn thọ - loại bông được nhiều người dân chưng cúng tổ tiên.
Giá bán tại chợ lẻ từ 25.000 - 50.000 đồng/bó
Hai bên chợ Hồ Thị Kỷ (Q.5), bông vạn thọ liên tục được các xe tải xuống hàng, người mua bán chở đi tấp nập. Giá bông cũng tăng so với ngày thường, dao động từ 20.000-50.000 đồng/bó.
Theo những người kinh doanh mặt hàng này thì từ ngày đưa ông Táo đến 30 tết là khoảng thời gian nhộn nhịp, làm ăn được nhất của nghề này. Trong đó, khách đông nhất là 22, 23 tháng chạp và 29, 30 tết.