DN Việt tìm 'vàng' tại Myanmar

DN Việt tìm 'vàng' tại Myanmar
TP - Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam đang đổ xô đến Myanmar tìm cơ hội vàng hoặc một lối thoát mới trong làm ăn.

> Những doanh nhân Việt nổi danh thế giới
> Khối tài sản khủng của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), ông Đoàn Nguyên Đức, là một trong số ít doanh nhân đầu tiên của Việt Nam đến đầu tư tại Myanmar. “Đây là mỏ vàng cuối cùng còn sót lại của châu Á”, “bầu” Đức nói. Sau nhiều năm chuẩn bị, tháng 6 vừa qua, HAGL khởi công dự án trung tâm thương mại phức hợp Myanmar Center rộng 8ha tại thành phố Yangon với diện tích xây dựng 480.000m2, thời hạn thuê 70 năm, tổng mức đầu tư 440 triệu USD. Khu này được xem là “đất vàng” ở khu trung tâm Yangon.

“Mỏ vàng”

Không riêng HAGL, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã đến Myanmar tìm hiểu cơ hội và ký kết hợp tác đầu tư trồng cao su, sản xuất tôn thép, khai thác mỏ đá, khoáng sản, dịch vụ viễn thông, thiết bị điện, khách sạn, ngân hàng... Ngoài HAGL, phải kể đến tập đoàn ASV Holdings, tập đoàn Hoa Sen, Cty Cổ phần Simco Sông Đà, Viettel, tập đoàn Việt Á, tập đoàn Hanaka, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam...

ASV Holdings đã ký hai biên bản ghi nhớ với Hội Nghề cá Myanmar và được giao 9 hòn đảo, 2.000ha mặt nước để nuôi thủy sản và quyền đánh bắt cá ngừ tại nước này. Tập đoàn cũng phối hợp với một đối tác Myanmar khai thác và đầu tư thủy sản, dịch vụ du lịch trên 3 hòn đảo và 5.000 ha mặt hồ. Ngoài ra, ASV Holdings được giao thăm dò 5 lô dầu khí thuộc vùng biển phía nam Myanmar.

Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu sản phẩm tôn, sắt... vào thị trường Myanmar và đang có chiến lược đầu tư cơ sở sản xuất tại nước này với tổng vốn 300 triệu USD.

Ngoài các nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam cũng tới Myanmar tìm cơ hội mở thị trường. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Cty Vissan, cho biết, những năm gần đây, năm nào TPHCM cũng tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Myanmar mở hội chợ, khảo sát, nghiên cứu thị trường và Vissan luôn có mặt trong những chuyến đi này. “Mọi người đều nhận thấy Myanmar là thị trường tiềm năng, là lối thoát mới trong làm ăn nên nô nức kéo nhau sang”, ông Mười nói.

Theo ông Trần Thanh Đạm, Giám đốc kinh doanh quốc tế và phát triển thương mại Cty Cổ phần XNK Y tế Domesco (Đồng Tháp), tỉnh này cũng tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp đến Myanmar để tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở thị trường… Theo ông Đạm, do tìm được đối tác thực sự mong muốn làm ăn, nên gần đây mỗi năm, Domesco xuất sang Myanmar lượng hàng trị giá khoảng 1 triệu USD.

Đến dễ, ở lại khó

Dù vậy, số doanh nghiệp Việt thực sự ở lại làm ăn tại Myanmar không nhiều. “Doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar với cường độ ồ ạt, nhưng chỉ có bốn đơn vị đặt nền móng thông qua các dự án đầu tư, kiểu như HAGL, là đang trụ vững”, ông Võ Tấn Thành, Giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM, nói.

Theo ông Thành, do mở cửa nhanh, nên giá cả ở Myanmar cũng tăng mạnh, như giá đất tăng gấp ba lần. Giá thuê văn phòng rất đắt, cùng một mặt bằng, trước chỉ 5.000 USD, nay lên 15.000 USD. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhất là điện. Giá điện rất cao và điện thường xuyên bị cắt. Phí liên lạc cũng còn rất cao, lắp đường dây điện thoại trong khu chế xuất mất 650 USD, cước điện thoại quốc tế, internet gấp 7-10 lần so với Việt Nam, trong khi chất lượng đường truyền rất kém. Ông Trần Thanh Đạm cho biết, phí một chiếc sim điện thoại di động hiện đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức 270 USD/chiếc, cước phí rất cao. “Với chi phí này, không phải doanh nghiệp nào cũng chịu được”, ông Đạm nói.

Theo ông Lê Đức Duy, Giám đốc marketing Cty Vinamit, kinh tế Myanmar vẫn chưa mở cửa hoàn toàn, chính sách thuế quan chưa thông thoáng và vẫn còn trợ giá đối với một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt, vẫn còn chế độ hai giá đối với người dân trong nước và người nước ngoài. Giá cước điện thoại, điện, xăng, nước sinh hoạt, dịch vụ khách sạn, nhà cho thuê, một số dịch vụ vận tải… áp dụng cho người nước ngoài cao gấp nhiều lần so với người dân sở tại. Thủ tục pháp lý còn nặng nề, trì trệ, các điều luật còn cứng nhắc, chi phí thành lập doanh nghiệp khá cao. Việc nhập khẩu chưa hoàn toàn thông thoáng. Chính phủ nước này chưa cho phép thương nhân nước ngoài nhập khẩu và phân phối hàng hóa. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải lựa chọn những đối tác tin cậy để làm nhà phân phối cho mình.

Tuy nhiên, cái khó lớn nhất vẫn là khâu thanh toán. Theo ông Lê Đức Duy, do chưa được thanh toán trực tiếp, nên các doanh nghiệp Myanmar với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, thường phải thanh toán qua ngân hàng UOB và HSBC tại Singapore. Do trở ngại trong khâu thanh toán, nên một số doanh nghiệp chọn giao dịch theo phương thức đổi hàng hóa song không phải lúc nào cũng phù hợp.

Sau ba lần đi khảo sát thị trường Myanmar, ông Văn Đức Mười rút ra kết luận: “Người tiêu dùng Myanmar không chuộng sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, mà mong đợi sản phẩm Việt. Nhưng cái khó là hàng thực phẩm không được khuyến khích nhập vào, nên thuế suất đến 25%. Do vậy, muốn kinh doanh ở thị trường Myanmar phải kiên trì đeo bám, đừng nghĩ đến lợi nhuận ngắn hạn. Để khi họ thay đổi cơ chế, khi đó doanh nghiệp đáp ứng được ngay, chần chừ bây giờ là không kịp”.

Hiện Việt Nam có 23 doanh nghiệp thành lập công ty, văn phòng đại diện tại Myanmar; 4 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng giá trị gần 600 triệu USD. 18 dự án khác đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục cấp phép với tổng vốn dự kiến trên 600 triệu USD.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG