Tổng Cty Xây dựng miền Trung (COSEVCO):

DN nợ ngập đầu, Tổng Giám đốc vẫn được thăng chức

DN nợ ngập đầu, Tổng Giám đốc vẫn được thăng chức
TP - Điều hành sản xuất kinh doanh, đầu tư kém hiệu quả, có dấu hiệu tiêu cực. Chỉ trong thời gian ngắn gây lỗ hàng trăm tỷ đồng... Dù vậy, ông Trần Xuân Đính, Tổng GĐ Tổng Cty Xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng) vẫn được thăng chức Chủ tịch HĐQT.

Đó là số phận Dự án Nhà máy cán thép chất lượng cao và thép định hình của COSEVCO tại Đông Hà - Quảng Trị. Ngày 22/11/2002, Bộ XD đã ký quyết định phê duyệt dự án trên (viết tắt là DA cán thép), công suất 250.000 tấn sp/năm, với vốn đầu tư 254,499 tỷ đồng (đã làm tròn số), trong đó chủ yếu là vốn vay.

Suốt mấy năm tiếp theo, DA hầu như không chuyển động, ngoại trừ việc đặt cọc 350.000 EUR cho SIMAC Spa (Italia) để mua dây chuyền thiết bị nhập ngoại (trị giá hợp đồng 8.950.000 EUR), và làm lễ khởi công, san lấp mặt bằng, xây nhà của BQL, tường rào cổng ngõ rồi ... để đó!

Dự án không “rục rịch”, nhưng đến tháng 11/2004, ông Trần Xuân Đính – Tổng GĐ, khi đó đã lấy tư cách Ủy viên HĐQT đề nghị Bộ XD cho điều chỉnh tổng mức đầu tư DA cán thép lên 309,8 tỷ đồng vì lý do “trượt giá”.

Được chấp thuận “đội” mức đầu tư, nhưng COSEVCO không tài nào vay được vốn, vì bản thân làm ăn kém hiệu quả, đang nợ nần chồng chất. Ngay như Quỹ Hỗ trợ phát triển đã cam kết cho DA vay 100 tỷ thông qua Chi nhánh Quỹ tại Quảng Trị, và đã giải ngân được 10 tỷ trong năm 2003. Nhưng đến tháng 5/2005, thấy rõ độ rủi ro, kém hiệu quả của dự án, đã hủy hợp đồng tín dụng.

Theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy trình đầu tư, thì một dự án phải hội đủ vốn mới khởi công, nhưng dự án này chưa có tiền đã khởi công và ký kết hợp ngoại, đặt cọc ... 

Tính đến tháng 8/2006, ngoài số tiền 350.000 EUR (7.037.800.000 đồng) đã đặt cọc đợt 1 cho SIMAC, dự án cán thép sau gần 4 năm trời qua 7 đời Trưởng BQL chỉ mới được đầu tư trên 9,6 tỷ. Trong đó chi phí đầu tư XDCB chỉ có 3,6 tỷ, số còn lại hơn 6 tỷ thuộc về “chi phí khác”.

Đó là chi phí cho BQL tới gần 3,1 tỷ (!), lãi vay 1,4 tỷ, lập dự án gần 600 triệu, rồi chi phí cho lễ khởi công, chi phí giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bảng quảng cáo chỉ dẫn ...

Tổng chi phí cho dự án cán thép sau 4 năm là trên 16 tỷ, để rồi cuối cùng phá sản. Kết cục, ngày 26/8/2006, ông Trần Xuân Đính – Chủ tịch HĐQT đã quyết định bán dự án lại cho một đơn vị khác.

Bên mua dự án đã đặt cọc 1 tỷ và cam kết sẽ thanh toán hết số nợ mà COSEVCO đã đầu tư vào dự án, chậm nhất đến hết 31/12/2006. Thế nhưng đến nay bên mua lại dự án vẫn chưa thực hiện những điều khoản theo cam kết, và cũng “án binh bất động”.

Có thông tin cho rằng đây chỉ là kế “kim thiền thoát xác” của ông Đính, để dự án khỏi bị đưa vào nội dung kiểm toán. Đáng ngại không chỉ ở việc bị mất khoản tiền đã đặt cọc, mà nguy cơ bị phía đối tác nước ngoài kiện và phạt nặng vì vi phạm hợp đồng.   

Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự đầu tư “lấy được”, bất chấp hiệu quả và hậu quả trong những năm qua của COSEVCO.

Quá nhiều sai phạm

Báo cáo kiểm toán tài chính năm 2005 và các thời kỳ có liên quan tính đến tháng 12/2006 tại COSEVCO (kết thúc tháng 3/2007) đã cho thấy có quá nhiều sai sót, vi phạm của đơn vị này trong việc quản lý tài sản và nguồn vốn, trong điều hành SXKD, cổ phần hoá, liên kết kinh tế, vay- bảo lãnh vay và chấp hành chế độ tài chính kế toán của Nhà nước...

Tính đến 31/12/2005, Tổng Cty nợ 4.143 tỷ (chiếm 96,9% tổng nguồn vốn, và gấp 31,8 lần vốn chủ sở hữu), lãi vay phải trả hàng năm lên tới 150 tỷ, khiến nợ ngày càng chồng chất, khó có khả năng thanh toán. Tổng số lỗ của COSEVCO (tính đến năm 2005) là 138 tỷ, và kiểm toán xác định lỗ tăng thêm gần 83 tỷ nữa.

Trong khi việc quản lý tài sản, nguồn vốn lại hết sức lỏng lẻo, dẫn đến giảm giá trị tài sản (thực chất là để mất vốn - PV) trên 360 tỷ đồng, trong đó có tới trên 277 tỷ tiền vay không khớp đúng về tỷ giá với ngân hàng.

Công nợ lớn, nợ đọng nhiều năm khó có khả năng thu hồi, riêng tại Văn phòng Tổng Cty, các khoản phải thu nội bộ số dư lên tới trên 215 tỷ đồng (bằng 110% tài sản ngắn hạn).

Tại Cty Gạch men Cosevco, lỗ luỹ kế 36 tỷ đồng gấp 5,31 lần vốn kinh doanh; nợ vay 202 tỷ. Để có vốn, Tổng Cty đã bảo lãnh vay cho các đơn vị trực thuộc và liên kết mà bất chấp hiệu quả kinh doanh, để lại số nợ gần 1.579 tỷ đồng.

Như Cty Gạch men Cosevco, Cty Đầu tư phát triển Hà Nội, Cty CP SXVLXD Cosevco 7 được bảo lãnh vay gần 430 tỷ, trong khi các đơn vị này làm ăn dẫn đến ... lỗ luỹ kế hơn 145 tỷ.

Làm ăn thất bát, nhưng COSEVCO lại “lơ là” trong quản lý doanh thu chi phí, cụ thể phản ánh doanh thu thiếu tới hơn 43 tỷ đồng. Kết quả tất yếu, riêng năm 2005, COSEVCO còn nợ đọng thuế với Nhà nước tới trên 24 tỷ đồng, và kiểm toán xác định số phải nộp tăng thêm là 4 tỷ đồng.

Để đủ điều kiện cổ phần hóa (tháng 11/2004), COSEVCO đã tìm cách tăng “khống” gần 88 tỷ đồng vào tổng giá trị doanh nghiệp, trong khi các đơn vị đang thua lỗ kéo dài. Tổng giá trị cổ phần được bán là 108 tỷ, trong đó tổng giá trị cổ phần Nhà nước bán ra là gần 23 tỷ (từ năm 1999 – 2005) vẫn chưa thu hồi được vốn.

Theo kết luận của báo cáo kiểm toán, thì “thực chất đây là hình thức bán doanh nghiệp nhà nước”. Tại một số đơn vị sau khi CPH, đã “góp phần” tăng thêm khoản lỗ là 59 tỷ đồng! Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Bộ XD xem xét lại toàn bộ tiến trình CPH tại COSEVCO.

Bị kỷ luật vẫn được thăng chức

Tháng 12/1999, Cty xây dựng số 7 được nâng cấp thành Tổng Cty Xây dựng miền Trung, ông Trần Xuân Đính làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ. Đến tháng 9/2003, sau nhiều tai tiếng, ông Đính thôi chức Chủ tịch HĐQT. Nhưng đơn thư vẫn tiếp tục gửi khắp nơi, tố cáo ông Đính về mọi mặt, từ quản lý, điều hành SXKD tràn lan, kém hiệu quả, có dấu hiệu tiêu cực; gây lỗ lớn, nợ đọng khó có khả năng thanh toán, đến chuyên quyền, độc đoán, gây mất đoàn kết, đưa vợ con vào lũng đoạn cơ quan...

Tháng 11/2004, ông Đính - khi đó là TGĐ, Phó BT Đảng uỷ đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng lẫn chính quyền. Bộ XD đã điều động một Vụ trưởng vào làm Chủ tịch HĐQT. Nhưng vị tân Chủ tịch vốn có những chính kiến mạnh mẽ, rõ ràng đối với sai phạm của ông Đính này đã bất ngờ bị điều chuyển công tác chỉ sau 5 tháng điều hành.

Một vị Thứ trưởng của Bộ lại được điều vào, nhưng chỉ trong mấy tháng lại rút ra. Và rồi, dù đang trong thời gian bị kỷ luật, ông Trần Xuân Đính vẫn được bổ nhiệm là quyền Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐQT! 

Điều gì đang xảy ra tại COSEVCO ? Kết quả kiểm toán phần nào đã cho thấy phần nổi của tảng băng chìm. Sự “tồn tại” khó hiểu của ông Chủ tịch HĐQT liệu có đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của Tổng Cty xây dựng có trong tay trên 40 đơn vị thành viên với hàng vạn CB-CNV đang lâm vào cảnh khốn khó này ?   

MỚI - NÓNG
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
TPO - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, công bố quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 17/1 hằng năm làm Ngày truyền thống của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại buổi lễ.