Chị có thể chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân hiện giờ?
Sức khỏe của tôi tốt hơn rồi, nhưng giọng hát mới chỉ được 80%. Tôi sụt 3kg. Đang phải uống thuốc bổ, có bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng tư vấn. Tôi đã quay lại tập thể thao, cả vật lý trị liệu.
Chị vẫn có tiếng là người mạnh mẽ, chính vì thế mà hình ảnh trên giường bệnh của chị khiến nhiều người không ngờ?
Mọi người đều biết khi làm mẹ mà gặp những điều động đến con mình, ai cũng dễ bị yếu mềm. Người lớn với nhau nó khác. Hai con tôi học trên máy tính, biết đọc biết viết cả hai thứ tiếng. Các cháu mở YouTube, thấy chuyện của bố mẹ… Thì đó là cái tổn thương rất khủng khiếp với trẻ nhỏ. Đáng ra, tôi cũng sẽ chẳng nói gì, nhưng sau việc con tôi bị tổn thương, tôi phải lên tiếng.
Chị và chồng cũ vẫn liên lạc?
Hồi tháng 8, khi anh đăng tải hình ảnh cá nhân, bị một website lấy lại, tôi phải gọi cho anh, vì không muốn nó trở thành cái gì ầm ĩ. Mà các con cũng nhìn thấy rồi, trên Facebook cá nhân của bố mà. Tôi nói thì anh bỏ ảnh xuống ngay lập tức, anh là người tốt mà… Chủ yếu vì các con tôi bị tổn thương thì tôi mới quỵ, chứ còn cá nhân tôi thì cũng hơi khó.
Khi chị nhập viện, anh có liên lạc?
Chuyện đó rất rất riêng tư. Nếu bây giờ nói vẫn tay bắt mặt mừng thì cũng không phải, mình cũng là con người thôi mà. Thôi để thời gian trả lời. Trước sau bố mẹ vẫn phải liên lạc với nhau vì các con.
Các cháu cũng giận bố. Tôi đã gặp bác sĩ tâm lý ngay từ những ngày đầu. Để lý giải vì sao vì mình là người mẹ chín chắn có hiểu biết, và cũng từng trải qua qua việc bố mẹ bỏ nhau mà lại không bị kích động đến mức như các cháu. Bố mẹ tôi ly dị, khi tôi còn rất bé. Không phải vì người thứ 3, thứ 4 gì cả, cũng không có những áp lực khác về xã hội, nhưng việc đó vẫn để lại vết thương trong tôi. Đến giờ, tôi vẫn gặp ác mộng về tuổi thơ. Thỉnh thoảng vẫn thức dậy, gối đầm đìa nước mắt. Lúc nào, tôi cũng mơ về ngôi nhà 11 Điện Biên Phủ. Sợ nhất đó là mơ bà nội mất, tôi cứ nằm bên cạnh bà và nói: “Bà ơi, bà đừng chết!” Bà khi đó với tôi có vai trò như mẹ…
Biến cố gia đình có thể để lại vết thương trong tâm hồn đứa con có thể đến hết cuộc đời. Chính vì thế, tôi phải làm thế nào để giảm thiểu nhiều nhất nỗi đau tinh thần có thể gây ra với con của mình. Mình phải giúp các cháu hiểu được vấn đề. Ngoài bản năng làm mẹ, và kinh nghiệm riêng của mình, phải có sự giúp đỡ của người có chuyên môn để làm cho đúng bằng cả tình yêu thương và sự hiểu biết.
Trước đây, chuyện giáo dục em bé, tôi để bố cháu quyết định hết, tôi không có ý kiến, từ việc con học trường nào, tham gia CLB gì... Vì bố cháu Mỹ, được hưởng nền giáo dục toàn diện. Mẹ cháu sinh ra ở thời không có điều kiện. Ngày bố cháu ra đi, tôi tiếp quản, mới đầu có ngỡ ngàng, tôi đến trường nói chuyện với cô giáo, nhận luôn nhiệm vụ trưởng ban phụ huynh lớp cháu Tôm. Tôi mua một cái xe máy, đưa các con đến trường bằng xe máy 5 phút thôi, còn đi xe hơi có khi nửa tiếng không đến được vì tắc đường.
Mình mới hiểu câu “cờ đến tay ai người ấy phất”. Khi sự việc cần như thế, thì bằng bản năng sinh tồn, tự con người mình phải thích ứng thôi. Nhưng điều đấy cũng rất tốt, chính vì như thế mình có quan hệ với con của mình ở một khía cạnh khác gần gũi hơn (cảm động, rơi nước mắt)… Hai cháu sinh đôi ở nhà ăn ngủ lúc nào cũng có nhau rồi, đi học tôi cho học 2 lớp riêng để cho các cháu có khả năng chủ động, độc lập. Như thế mẹ vất vả hơn vì phải lo lịch học khác nhau của hai cháu.
Ở trường các cháu có một bác sĩ tâm lý cho trẻ nhỏ. Tôi đã nói chuyện với bà rất nhiều, ngoài bác sĩ tâm lý ở bệnh viện, để các cháu có sự quan tâm đặc biệt. Các cháu tham gia các lớp nghệ thuật vẽ, hát, làm thơ, viết truyện… qua đó góp phần giải quyết các vấn đề khúc mắc trong tâm lý.
Được biết bố chị (dịch giả Lê Văn Viện) cũng hỗ trợ chị trong việc giáo dục các cháu?
Ông ngoại mỗi ngày đều sang dạy các cháu... Khi bé, bố tôi nuôi tôi hoàn toàn, còn giờ khi mình lớn, ông chăm luôn cả con của mình. Bố không được khỏe lắm đâu. Phòng nào tôi cũng phải để oxy cho ông đấy, kể cả nhà tắm, nếu cần chụp ngay vào. Các cháu đi học về, có 25 phút để tắm rửa rồi ông đến. Ông dạy viết cả tiếng Anh cả tiếng Việt, dạy Toán, nhất là dạy kỷ luật, tác phong. Ông viết sách mà, kỉ cương lắm.
Theo ông điều sợ nhất ở đứa trẻ không phải là học dốt, mà là hư. Ông nói: “Các cháu thông minh tới đâu thì cháu học tới đó, dốt không sao, nhưng các cháu phải là người tử tế, phải là đứa trẻ ngoan.” Mẹ không bằng ông, vì mẹ hơi bị già nên chiều con, nhiều khi cứng rắn với con thấy tội lỗi, cố lắm cũng không đánh con được cái nào. Nhưng ông có cái roi, ông bảo ông dạy kiểu cũ. Ông nói cái gì mà gật gật là không được, phải “vâng ạ, thưa ông”. Các cháu vẫn được ôm ấp yêu thương. Cuối tuần bà ngoại sang, lại chăm sóc, chiều chuộng… “làm hư hỏng” các cháu. (cười)
Xin mọi người đừng nhìn các cháu theo kiểu tội nghiệp, mẹ cháu cũng không có gì tội nghiệp cả. Hiểu rõ vấn đề, biết chấp nhận thực tế, biết giải quyết thực tế ấy ở mức độ tốt nhất có thể được bằng sự yêu thương.
Nhân đây chị có gì chia sẻ với những người mẹ cũng đang nuôi con một mình?
Tôi được biết, 25% phụ nữ có con ở Việt Nam là mẹ đơn thân. Nhiều quá! Trước nay tôi không chia sẻ chuyện cá nhân. Mình không dùng chuyện cá nhân để đánh bóng tên tuổi. Chuyện riêng là chuyện riêng, không “đẳng cấp” gì khi khoe ra. Nhưng lần đầu tiên tôi đem chuyện riêng ra công khai để giúp 25% phụ nữ như tôi. Vì không phải em nào cũng lớn tuổi như tôi. Hầu hết các em ở tuổi dưới 30. Các em có thể nghĩ: “Thôi chết rồi, mình đã có con, bị chồng bỏ, đời mình đã hết…” Mình phải đem câu chuyện của mình ra chia sẻ để họ thấy đồng cảm. “Cũng ở trong hoàn cảnh đấy, chị Hồng Nhung là người nổi tiếng, lại mạnh mẽ như thế mà còn quỵ được, mình quỵ cũng không sao.” Rồi tiếp đó thì thế nào, sẽ từ từ giải quyết.
Cụ thể chị làm gì để giúp các mẹ đơn thân?
Tôi có thể kể chuyện của mình dưới dạng phim tư liệu, phát trên YouTube thôi, có những người sẽ tình nguyện giúp tôi và những phụ nữ đó. Không có chuyện tiền bạc gì cả. Bình thường, có trả tiền tôi cũng không nói chuyện riêng của tôi. Cái đấy không phải chuyện làm ăn, mà mình muốn truyền cảm hứng để giúp đỡ cho những người mẹ đơn thân nhất là khi họ còn quá trẻ. Rất nhiều người mẹ đơn thân rất đau khổ là bởi vì khi có chồng, chồng lo tiền bạc kinh tế, anh ấy bỏ rồi sao đứng vững được… Bây giờ có nhiều vấn đề tôi chưa nói được. Nhưng ít nhất tôi sẵn sàng chia sẻ câu chuyện riêng của mình, ở mức độ gần gũi nhất, chân thật nhất, đến nỗi có thể là xấu xí… Tôi cũng muốn tìm đến họ để được nghe câu chuyện riêng của họ. Chúng tôi có thể thành hình kiểu câu lạc bộ.
Chị bất ngờ và có vẻ bị động khi chuyện ly hôn xảy đến?
Mọi người đều rất bất ngờ. Tôi khá bất ngờ, nhưng không đến nỗi khủng hoảng, trầm cảm, vì tôi lớn tuổi. Đau là tất nhiên, mình là nghệ sĩ, mình nhạy cảm hơn người khác, nhưng chuyện đấy không bao giờ quan trọng.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng chủ động trong mọi chuyện. Vấn đề là chúng ta không cần phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của những người khác. Ai chịu trách nhiệm cho những hành vi của chính mình. Khi mình lầm lỗi là lúc mình đau khổ nhất.
Hiện tại mối quan hệ của chị với bố mẹ chồng thế nào?
Ông bà vẫn là ông bà của Tôm, Tép nên sinh nhật tôi, ông bà vẫn chúc mừng, sinh nhật ông bà, tôi vẫn chúc mừng. Dịp lễ lạt như Giáng sinh tôi vẫn gửi thiếp cho ông bà với hình ảnh của các cháu, thậm chí đều hơn… Ông bà không làm gì để phải chịu đựng trong chuyện này.
Nếu được quay lại, chị sẽ thay đổi điều gì để việc ly hôn không xảy ra?
Không, cái gì đã xảy ra thì phải chấp nhận. Không nuối tiếc được. Nuối tiếc mất thời gian và sức lực lắm. Bây giờ mình phải hành động cho tương lai.
Bao giờ chị lại… đi bước nữa?
Tôi đang đeo nhẫn độc thân (giơ bàn tay khoe). Đang lộng lẫy thế này. Chúng tôi đang rất hạnh phúc trong gia đình nhỏ. Tôi chưa có ý định đó. Còn trái tim thì vẫn mở cửa cho tình yêu.