Chiều 20/12 âm lịch, tại chợ lao động Vườn hoa Hà Đông (quận Hà Đông), gần cuối ngày, nhưng vẫn có hàng chục lao động đang tụ tập, sẵn sàng đợi việc. Thấy có khách lạ, nhiều người ùa ra hỏi han: “Cần người làm gì anh, đàn ông hay đàn bà, việc gì chúng tôi cũng làm được hết...”. Tuy nhiên, biết chúng tôi đến để tìm hiểu về công việc của lao động thời vụ thì tất cả đều thở dài. “Chán lắm chú ơi, mọi năm, dịp này việc làm không hết, nhưng năm nay đến giờ vẫn ngồi buôn chuyện với nhau đây này”.
Ông Nguyễn Văn Sơn, 54 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định, người đã có gần 10 năm gắn bó với chợ lao động này cho biết, cuối năm nhàn rỗi, tính lên Hà Nội mong có việc, kiếm ít tiền chuẩn bị cho dịp Tết, nhưng mấy ngày nay không có việc làm, thu nhập cả tuần chưa đến 300 ngàn đồng. “Còn nhớ năm ngoái, với sức của tôi, kiếm 500- 700 ngàn đồng/ngày là chuyện thường, nhiều khi còn được chọn việc mà làm, còn hiện giờ chỉ mong có việc làm, không phân biệt, nhưng cả ngày không kiếm được nổi 100 ngàn đồng”, ông Sơn nói.
Khu vực chợ lao động trên đường Bưởi, tình trạng khan hiếm việc làm cũng hiện hữu. Tạt vào quán trà nước ven đường, chúng tôi được anh Hùng, một lao động quê Nghệ An, có thâm niên 5 năm ở đây cho biết, bằng giờ này năm trước, nhu cầu sơn sửa lại nhà ở Hà Nội nhiều, các anh làm không hết việc, nhưng năm nay, dịch bệnh, tình hình kinh tế khó khăn nên công việc cũng ít đi. “Sắp xếp việc nhà xong xuôi từ mấy tháng trước, tôi ra Hà Nội với hy vọng cố gắng làm lụng để kiếm tiền cho gia đình. Tình hình như thế này, khéo năm nay không có tiền sắm Tết”, anh Hùng nói.
Lý giải về tình trạng đìu hiu ở các chợ lao động, anh Hùng cho rằng, năm nay do dịch bệnh Covid-19, nhiều người mất việc, kinh tế khó khăn nên các gia đình hạn chế việc sửa sang nhà cửa. Hơn nữa, giờ có nhiều Cty được thành lập để chuyên nhận làm các việc phổ thông mà trước đây là “đặc quyền” của cánh cửu vạn nên việc càng ít đi. “Một lý do nữa, người dân sợ tiếp xúc với người lạ, không biết từ đâu đến, học sinh được nghỉ học nên họ ở nhà trông con, tiện làm luôn việc nhà”, anh Hùng nói.
Mong có việc để kiếm tiền tiêu Tết
Dịch bệnh nguy hiểm, việc ít nhưng nhiều lao động cho biết họ sẽ tiếp tục ở lại Hà Nội với hy vọng có thêm một ít tiền, trang trải dịp Tết sắp tới. “Trước ở hai người một phòng, nhưng giờ phải ở 3 - 4 ghép cùng nhau để giảm tiền nhà. Ăn uống cũng phải chắt chiu hơn, giờ chẳng dám ăn quán nữa mà thường phải góp gạo thổi cơm cho nó tiết kiệm”, chị Lê Thị Thanh nói.
Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Văn Tính, quê Hà Nam, hành nghề tại khu vực chợ Bưởi cho biết, ở quê giờ ít ruộng, nghề phụ không có nên hai vợ chồng gửi con, ra thủ đô làm nghề tự do. “Từ khi có dịch, thu nhập giảm sút, hai vợ chồng phải thắt lưng buộc bụng mới đủ lo cho các con ăn học. “Giờ về quê cũng không có gì làm, thôi thì đành ở đây, tuy năm nay ít việc, thu nhập không bằng mọi khi nhưng vẫn còn có chút để chi tiêu, dành dụm lo cho con cái ở nhà và cái Tết sắp tới”, anh Tính nói thêm.