Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý? Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này qua những chia sẻ sau đây của Thạc sĩ - chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Thu Hà:
Dinh dưỡng hợp lý cho người mẹ
Trước khi mang thai ba tháng là thời gian trứng trưởng thành và sẵn sàng cho quá trình thụ thai. Tuy nhiên, do không thể biết trước về thời điểm thụ thai nên người mẹ cần bổ sung dinh dưỡng ngay từ sớm nếu có kế hoạch mang thai.
Người mẹ nên ăn đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống nhiều nước. Hạn chế thức ăn không có lợi cho cơ thể như thức ăn có nhiều dầu mỡ, đường, muối, v.v.
Thạc sĩ - chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Thu Hà tư vấn dinh dưỡng cho người lao động tại Hà Nam |
Bên cạnh đó, người mẹ cũng nên bổ sung các thực phẩm có nhiều dưỡng chất như axit folic, sắt, canxi, kẽm, omega-3, v.v. Cụ thể:
Axit folic (Vitamin B9): Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, phụ nữ mang thai và cho con bú cần bổ sung 400mcg – 600mcg axit folic ngay từ trước khi mang thai. Vitamin B9 là một vi chất cần rất ít của cơ thể nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ.
Nếu như trong gia đình bạn hoặc bản thân bạn có tiền sử sinh con bị tổn thương ống thần kinh thì liều sử dụng của axit folic sẽ cao hơn, có thể tới 5000mcg mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ sử dụng liều cao axit folic khi có bệnh và có hướng dẫn cùng chỉ định cụ thể của bác sĩ. Do vậy, cần quan tâm bổ sung dự phòng axit folic nhằm giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ.
Omega-3: Hai loại omega-3 quan trọng là DHA và EPA cần được tích lũy trong cơ thể người mẹ ngay từ trước khi mang thai để chuẩn bị sử dụng cho bào thai sau này. Ngoài ra, DHA và EPA còn giúp tăng cường dòng máu tới tử cung, làm tăng khả năng thụ thai và tăng khả năng sống sót của thai nhi sau khi được thụ thai thành công.
Loại omega-3 bổ sung cho phụ nữ mang thai và cho con bú cần có tỷ lệ DHA và EPA bằng 4 - 4.5/1, giống tỷ lệ trong sữa mẹ và có thể bổ sung từ nguồn cá hồi, cá ngừ đại dương và thuốc bổ chứa dầu cá ngừ. Omega-3 có nhiều trong cá, cá béo, tảo biển và có trong một số hạt có dầu.
Kẽm: Những bà mẹ bổ sung đủ kẽm thì thai nhi phát triển chiều dài tốt hơn. Kẽm cũng tăng cường miễn dịch cho mẹ và bé, giúp mẹ ít nguy cơ bị nhiễm bệnh do nhiễm khuẩn/virus. Kẽm có nhiều trong hải sản, thịt bò và thịt gà.
Canxi: Phụ nữ trước khi mang thai cần khoảng 800mg canxi mỗi ngày, khi mang thai cần 1.000 - 1.200 mg mỗi ngày. Canxi có thể dễ dàng bổ sung từ nguồn thực phẩm hàng ngày như sữa chua, sữa, cá hồi đóng hộp, cá mồi, cơm, bơ, phô mát, v.v.
Sắt: Nhiều phụ nữ có lượng sắt dự trữ trong cơ thể ít do bị mất hàng tháng khi hành kinh và chế độ ăn nghèo sắt. Khi người mẹ ăn uống, bổ sung sắt vào cơ thể, nếu cơ thể không dùng hết sẽ được dự trữ tại gan và lá lách để sử dụng khi cơ thể thiếu, nhất là khi mang thai. Do đó, sẽ có những người phụ nữ khi mang thai hoàn toàn không cần bổ sung sắt mà vẫn không bị thiếu bởi vì nguồn sắt dự trữ dồi dào từ trước đó.
Để không thiếu sắt, ngay từ khi có ý định có thai người phụ nữ nên bổ sung sắt để dự phòng. Các loại thực phẩm giúp bổ sung sắt cho phụ nữ trước khi mang thai và khi mang thai bao gồm: Tiết bò, tiết lợn, thịt nạc các loại (thịt bò, thịt lợn, gà, vịt, gan, cá, nội tạng động vật), các loại rau xanh (súp lơ xanh, cải xoăn, v.v.), đậu (đậu xanh, đậu khô, đậu đen, đậu đỏ, v.v.) và ngũ cốc.
Vitamin tổng hợp: Bên cạnh một chế độ ăn cân đối, người mẹ cũng được khuyến khích sử dụng thêm các loại thuốc bổ tổng hợp như pregnacare, procare, multi vitamin, elevit, v.v. để tăng cường thêm các dưỡng chất thiết yếu thường bị thiếu trong thai kỳ như DHA - EPA, axit folic, iốt, v.v.
Dinh dưỡng hợp lý cho người cha
Ông bố cũng cần các chất dinh dưỡng thiết yếu như kẽm, acid folic, DHA - EPA, vitamin A, vitamin C, vitamin E, omega-3, v.v. nhằm thúc đẩy tinh hoàn sản xuất nhiều tinh trùng khỏe mạnh.
DHA và EPA: Giúp làm tăng sự linh hoạt của tinh trùng từ đó làm tăng khả năng thụ thai.
Acid folic: Có vai trò quan trọng đối với sự phát triển khỏe mạnh của tinh trùng. Thiếu hụt acid folic ở nam giới làm gia tăng tỷ lệ tinh trùng có nhiễm sắc thể bất thường.
Kẽm: Cần thiết cho sự sản sinh tinh trùng và hormone sinh dục nam.
Vitamin C: Có vai trò làm giảm khuynh hướng tinh trùng dính chùm vào nhau, bởi việc tinh trùng dính chùm vào nhau là một trong những nguyên nhân gây vô sinh thường gặp.
Các thực phẩm giúp tinh trùng khỏe: Nguồn thực phẩm giàu kẽm là hải sản (đặc biệt là hàu), các loại rau lá xanh đậm, các loại hạt. Bên cạnh đó thì trái cây họ cam quýt, giá đỗ, socola đen cũng giúp tăng khả năng hấp thu kẽm.
Dinh dưỡng cho người bố cũng cần được quan tâm (Ảnh từ dự án Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt) |
Những điều cần tránh:
- Rượu, bia, thuốc lá hay các kích thích như caffein ảnh hưởng tới tình trạng tinh trùng ở nam giới.
- Người làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, tiếp xúc với phóng xạ thì cần phải có phương tiện bảo hộ lao động an toàn, phải có thời gian nghỉ ngơi hoặc chuyển công việc sau một thời gian.
- Người đang có những bệnh lý như tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường hay gút đang điều trị thì xin ý kiến bác sĩ để ngừng điều trị một thời gian cho đến khi vợ có bầu thì tiếp tục điều trị.
Những chia sẻ trên đây của thạc sĩ - chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Thu Hà nằm trong chuỗi truyền thông – tư vấn về chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trong khuôn khổ Dự án Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt. Dự án do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Dược phẩm Hoa Linh phối hợp triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH với mục tiêu cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người lao động trong các nhà máy – khu công nghiệp và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.