“Dính” đất vàng, quan chức vướng lao lý

Dự án khách sạn 5 sao- trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đất “kim cương” 3 mặt tiền đường Lê Duẩn- Hai Bà Trưng- Nguyễn Văn Chiêm (TPHCM) đã bị các doanh nghiệp tư nhân thâu tóm. Ảnh: L.N
Dự án khách sạn 5 sao- trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đất “kim cương” 3 mặt tiền đường Lê Duẩn- Hai Bà Trưng- Nguyễn Văn Chiêm (TPHCM) đã bị các doanh nghiệp tư nhân thâu tóm. Ảnh: L.N
TP - Tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp được sự hà hơi tiếp sức của quan chức đã biến khu đất “kim cương” rộng gần 5.000m2 nằm ở 3 mặt tiền đường Lê Duẩn - Nguyễn Văn Chiêm và Hai Bà Trưng, quận 1 từ của công thành… “của ông” một cách tinh vi.   

Biến hóa 

Khu đất số 8 và 12 Lê Duẩn rộng gần 5.000m2. Trên khu đất này vào thời điểm năm 1994 có hai tòa nhà là trụ sở cả 4 doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Trong đó, trụ sở Công ty CP Thiết bị phụ tùng, Công ty CP Kim khí và Công ty CP Hóa chất vật liệu điện đặt tại số 8 Lê Duẩn, còn trụ sở Công ty CP Vận tải xăng dầu VITACO đặt tại số 12 Lê Duẩn. Năm 1994, UBND TPHCM xác lập quyền sở hữu nhà nước khu đất này và giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP quản lý. Năm 2007, 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đã hợp đồng thuê nhà dài hạn với Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố do bà Nguyễn Thị Thu Thủy làm giám đốc. 

Cuối năm 2007, ông Lê Hoàng Quân lúc đó là Chủ tịch UBND TPHCM đã có văn bản thống nhất chủ trương thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và trung tâm thương mại đồng thời giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố thu hồi và quản lý mặt bằng khu đất 8-12 Lê Duẩn. Trong các văn bản sau đó, người đứng đầu thành phố lúc bấy giờ cũng giao Sở Kế hoạch- Đầu tư TPHCM chủ trì phối hợp cùng các đơn vị tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Trong các văn bản chỉ đạo của thành phố lúc bấy giờ cũng nêu rõ “không áp dụng hình thức liên doanh”. 

Trước đó, tháng 1/2007 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 09/QĐ-TTg về “sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước” nên việc TPHCM chủ trương thực hiện dự án trên là phù hợp và đúng đắn.  Tuy nhiên, quá trình thực hiện, chủ trương trên đã bị Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP cùng nhiều đơn bị, cá nhân đã biến thành khu đất vào tay tư nhân một cách ngoạn mục mặc dù trước đó Bộ Công Thương có văn bản đề nghị UBND TPHCM cho 4 doanh nghiệp trên được mua chỉ định nhưng không được thành phố chấp nhận. 

Sau đó, vào thời điểm tháng 4/2008, 3 cổ đông sáng lập gồm Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố và Công ty Vàng bạc đá quý thành phố cùng Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đã thành lập ra Công ty CP Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông.  Bà Nguyễn Thị Thu Thủy được giao làm chủ sở hữu công ty để đầu tư khu đất số 8-12 Lê Duẩn. 

Gần 1 năm sau, ông Nguyễn Thành Tài, thời điểm đó là Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM đã có văn bản chấp thuận để Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP làm chủ đầu tư cùng liên doanh, liên kết với 4 doanh nghiệp thuê đất triển khai dự án. Ông Tài sau đó cũng có văn bản giao Sở Kế hoạch- Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố và các cơ quan có liên quan thẩm định dự án, thẩm định năng lực tài chính các đơn vị tham gia góp vốn, tỷ lệ góp vốn và lộ trình triển khai thực hiện dự án trình UBND TPHCM.

Thế nhưng, bất chấp chỉ đạo, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố đã cùng 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương sau đó thành lập Công ty CP đầu tư Lavenue để triển khai dự án. Theo đó, Công ty CP Lavenue có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố góp 50 tỷ đồng, tương đương 5 triệu cổ phần; còn lại 50 tỷ đồng chia đều cho Công ty CP Thiết bị phụ tùng, Công ty CP Kim khí, Công ty CP Hoá chất vật liệu điện và VITACO, mỗi DN góp 12,5 tỷ. Đến tháng 9/2010, Công ty CP đầu tư Lavenue mới được Sở Kế hoạch- Đầu tư TPHCM cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp do bà Lê Thị Thanh Thuý làm giám đốc. Cùng thời điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy xin giải thể Công ty CP Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông, đồng thời ký văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố được huy động vốn để triển khai dự án. Sau đề xuất này, UBND TPHCM đã chấp thuận.

Hà hơi tiếp sức

Tháng 4/2010, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được thành lập và 4 tháng sau, công ty này đã có văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố đề nghị được hợp tác đầu tư thực hiện dự án 8-12 Lê Duẩn. Chỉ 5 ngày sau, bà Nguyễn Thị Thu Thủy đã ký công văn đề xuất UBND TPHCM cho Hoa Tháng Năm được hợp tác với 30% vốn góp trong phần 50% của Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố mà bà Thuỷ làm giám đốc. 

Ngày 20/8/2010, 4 doanh nghiệp  thuê đất là Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Kim khí thành phố, Công ty Cổ phần hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu -VITACO đã đồng loạt ký “thỏa thuận nguyên tắc” chuyển nhượng quyền sở hữu toàn bộ phần vốn góp cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, nay là công ty Kido. Sau khi Lavenue được cấp phép hoạt động, cả 4 công ty này đồng loạt ký giấy “vay tiền” của Kido để góp vốn cổ đông vào công ty. Như vậy, sau chuyển nhượng, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue có vốn 2.100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà thành phố, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và Công ty TNHH Đầu tư Kido. Với việc tham gia của Công ty Hoa Tháng Năm và các vụ chuyển nhượng của 4 công ty thuộc Bộ Công Thương cho Kido thì tỷ lệ chi phối cổ phần của khối tư nhân lên đến 80%.

Theo văn bản làm việc với Thanh tra TPHCM ngày 8/4/2013, Công ty Hoa Tháng Năm xác nhận từ ngày thành lập đến khi tham gia vào dự án Lavenue Crown ở số 8-12 Lê Duẩn đơn vị này chưa thực hiện bất cứ một dự án nào. Ngoài ra, năng lực tài chính của công ty này cũng không được các cơ quan ở TPHCM thẩm định và kết luận. 

Điều đáng nói, Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà thành phố đã bỏ qua khâu thẩm định năng lực chính của công ty Hoa Tháng Năm mà ưu ái đề xuất cho công ty mới được thành lập này góp đến 30% vốn vào Lavenue là trái với chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 5452/VP-ĐTMT ngày 26/7/2010. Ngoài ra, bà Thủy không xin ý kiến của UBND TPHCM nhưng đã đồng ý cho các cổ đông chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho tư nhân. 

Liên quan đến nội dung này, Thanh tra Chính phủ cũng đã kết luận việc giao đất và cho thuê đất tại thời điểm Công ty Lavennue có 2/3 cổ đông là Công ty Kido và Công ty Hoa Tháng Năm chiếm 80% vốn góp là không đúng đối tượng. Vào tháng 8/2013, sau thanh tra dự án này, Thanh tra thành phố kiến nghị UBND TPHCM xem xét ra quyết định thu hồi khu đất đồng thời giao Sở TNMT chấm dứt hợp đồng thuê đất với Công ty Lavenue đề xuất, trình UBND TP xem xét, hoàn trả chi phí hợp lý cho Lavenue. Ngoài ra, Thanh tra TP còn kiến nghị UBND TPHCM giao Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường, Sở Kế hoạch- Đầu tư tổ chức kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến sai phạm. 

Trước những sai phạm trong việc “hô biến” đất công này, 8/12 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015. Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thành Tài - cựu phó chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2011-2015, cùng về tội danh trên. Ông Tài bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến khu “đất vàng” gần 5.000m2 tại số 8-12 đường Lê Duẩn.

MỚI - NÓNG