Khi tài khoản Facebook đã được định danh, nhà nước sẽ đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích cho người dùng trong trường hợp xảy ra sự cố.
Mạng xã hội (MXH) Facebook phát triển, tính năng phát sóng trực tiếp (livestream) cũng ngày càng được sử dụng phổ biến. Người dùng còn có thể livestream vào các group (nhóm) hoặc trên fanpage với lượng tương tác khổng lồ nên có tình trạng tính năng này bị lạm dụng và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các hành vi đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.
Dùng tài khoản ảo để xuyên tạc
Livestream đang được một số lượng lớn người bán hàng online sử dụng như một kênh quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và tương tác trực tiếp với khách hàng. Trong đó, có nhiều tài khoản phát trực tiếp với hình ảnh phản cảm, lời nói thô tục. Ngoài ra, các vi phạm về bản quyền khi phát trực tiếp trên Facebook đã được nhiều nước trên thế giới chỉ ra. Trước đó, vào cuối năm 2017, một thanh niên ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị xử phạt hành chính khi livestream phim "Cô Ba Sài Gòn" lên fanpage chuyên về phim do mình làm quản trị.
Tình trạng sử dụng tài khoản ảo để nói xấu, xúc phạm người khác diễn ra khá phổ biến thời gian qua Ảnh: HOÀNG TRIỀU Tại Việt Nam, không ít cá nhân sử dụng tài khoản thật hoặc ảo để livestream các nội dung xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm người khác và để lại hậu quả nặng nề. Đối tượng Trần Đình Sang (ở tỉnh Yên Bái) - người thường xuyên livestream hình ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ với những bình luận xuyên tạc, xúc phạm lực lượng chức năng, gây hiểu nhầm trong dư luận. Việc Facebook không giới hạn nội dung có thể chia sẻ dẫn tới việc các nội dung dù có vi phạm vẫn được phát tự do trên nền tảng này và nhanh chóng được chia sẻ. Từ thực tế này, tại phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 trong lĩnh vực TT-TT. Trong đó, Bộ TT-TT nhấn mạnh có tình trạng Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp. Bộ TT-TT đang yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam, trước mắt áp dụng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM và chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp (livestream). Đồng thời, yêu cầu Facebook phải có chính sách tiền kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam. Bộ TT-TT cũng yêu cầu Facebook cấp nhanh xác thực (dấu tick xanh) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng, cũng như chỉ cho phép lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ TT-TT hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó. Yêu cầu Facebook cung cấp dữ liệu Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-8, một chuyên gia trong lĩnh vực TT-TT mạng cho biết việc định danh tài khoản, xác định người dùng là ai, đâu là tài khoản thực, đâu là tài khoản ảo thì Facebook hay Google đều đã có thông tin hết. Lý giải việc này, vị này cho hay trong quá trình lên internet và tham gia MXH, người dùng đã cung cấp vô số thông tin cá nhân, hình ảnh của mình, thậm chí của người thân, bạn bè nên Facebook hay Google đều có kho dữ liệu khổng lồ về người dùng. Trong khi thực tế, khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin người dùng thì phía Facebook hay Google không hợp tác. Thực tế này không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. "Việc yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam và yêu cầu họ phải có những hợp tác chia sẻ, cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước là để ngăn chặn các tài khoản mạo danh, xuyên tạc nội dung, nói xấu…" - vị này cho hay. Đồng thời, việc định danh sẽ là cơ sở để xử lý các tài khoản có hành vi đăng tải nội dung vi phạm. Bên cạnh đó, việc định danh cũng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có thể bảo vệ được quyền lợi cho công dân trong trường hợp xảy ra việc mất cắp dữ liệu cá nhân, bị bán hoặc sử dụng sai mục đích. Khi tài khoản đã được định danh, nhà nước sẽ đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân trong trường hợp xảy ra sự cố. Và thực tế cho thấy, cuối tháng 7 vừa qua, Facebook phải nhận án phạt 5 tỉ USD từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ vì vụ bê bối Cambridge Analytica, khi dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng bị sử dụng không phép. Theo vị chuyên gia này, việc đặt ra yêu cầu cho Facebook và Google cũng là để làm "sạch" không gian mạng. Bên cạnh đó, người dùng cần nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân và tuân thủ pháp luật khi tham gia MXH. Tình trạng sử dụng tài khoản ảo để nói xấu, xúc phạm người khác diễn ra khá phổ biến thời gian qua, nhưng trên thực tế bị hại không thể khiếu nại lên Facebook được. Do đó trong tình huống này, nếu tài khoản được định danh thì sẽ có cơ sở để ngăn chặn hoặc xử lý theo quy định pháp luật.
Người dùng cần cảnh giác
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc quốc gia hãng bảo mật Kaspersky Lab Việt Nam, cho biết người dùng rất ít sử dụng các chức năng tự bảo vệ thông tin cá nhân khi dùng Facebook hay email, tạo điều kiện cho kẻ xấu dễ dàng đánh cắp thông tin. Vì vậy, người dùng không nên trả lời bất kỳ thư rác nào hay yêu cầu xác nhận, cập nhật bất kỳ thông tin nào về tài khoản cá nhân. Cẩn thận khi giao tiếp với các đối tượng không quen biết trên MXH, đặc biệt là khi bị hỏi về các thông tin cá nhân quan trọng. Không kích chuột vào bất kỳ liên kết đi kèm với thư email hay MXH nếu không chắc chắn về nó. Cảnh giác với các thông tin khuyến mãi, trúng thưởng trên MXH. Nên sử dụng mật khẩu phức tạp đối với các tài khoản trên Facebook/email và thường xuyên thay đổi các mật khẩu này.
Ch.Trung
GÓC NHÌN
Người dùng chân chính chẳng ngại định danh
Cho dù việc định danh tài khoản người tham gia mạng xã hội (MXH) như Facebook đi ngược với bản chất của internet là nặc danh, phẳng và trong suốt nhưng với tình hình hiện nay, đó lại là một giải pháp mà hầu như nhà nước nào cũng muốn và yêu cầu các MXH thực hiện. Bởi lẽ, tình trạng tài khoản giả, nickname ảo phát triển tràn lan trên MXH khiến môi trường này rơi vào tình trạng hỗn mang. Vấn nạn tin giả (fake news) cũng xuất phát và trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn từ thực trạng tài khoản giả này. Tài khoản giả cũng là một nguyên nhân để MXH trở nên nguy hiểm, bất an hơn, khiến người dùng chân chính dễ bị lừa gạt, gây tổn hại cả về hữu hình lẫn vô hình.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 1-2019 của nhà phê bình Aaron Greenspan, bạn học cũ tại Đại học Harvard của nhà sáng lập kiêm CEO của Facebook Mark Zuckerberg, có tới 50% tài khoản Facebook là giả. Hồi năm 2017, Facebook từng thừa nhận có tới 270 triệu tài khoản của MXH này có thể là giả hay trùng lặp. Nếu con số do Greenspan đưa ra là chính xác, số lượng tài khoản giả của Facebook hiện thật kinh khủng khi vào tháng 12-2018, số người dùng thực tế hằng tháng của Facebook trên thế giới đã lên tới 2,3 tỉ người. Còn nếu theo báo cáo chính thức của Facebook do CEO Mark Zuckerberg đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 5, khoảng 5% số tài khoản đang hoạt động hằng tháng hiện nay là tài khoản giả mạo. CEO Facebook khẳng định Facebook đang tiến hành các hoạt động làm trong sạch MXH này mạnh nhất từ trước tới nay. Trong khoảng thời gian từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019, Facebook đã xóa hơn 3 tỉ tài khoản giả mạo và hơn 7 triệu bài viết được cho là có "ngôn từ kích động thù địch".
Hiện có nhiều công cụ phần mềm chuyên tạo các tài khoản giả mà những người có ý đồ riêng có thể khai thác để "rải thảm" các tài khoản giả trên MXH. Và người dùng bị "gậy ông đập lưng ông", phải chịu những biện pháp quản lý gắt gao hơn khi muốn tham gia MXH.
Thật ra, việc định danh tài khoản người dùng chẳng hề bất khả thi, cái chính là bản thân MXH có muốn làm hay không? Và điều chắc chắn là nếu làm tới nơi tới chốn, số lượng người dùng mà các MXH vốn dùng để "khoe" vị thế và quy mô của mình sẽ giảm mạnh.
Có lẽ, mọi người dùng MXH thật sự đều chẳng ngại ngần gì cái chuyện định danh. Những ai không ủ mưu làm những chuyện khuất tất, vi phạm luật pháp nước sở tại thì đâu có sợ. Thậm chí với Facebook lâu nay, việc được mạng này cấp dấu tích xanh định danh là một niềm mơ ước, là dấu chỉ đẳng cấp của những thành viên chân chính. Vấn đề là thủ tục định danh ra sao, ai sẽ quản lý thông tin cá nhân này và các dữ liệu cá nhân này sẽ được sử dụng ra sao, có an toàn và có bị lợi dụng hay không?
Chỉ những người dùng không muốn lộ diện trên MXH mới sợ chuyện định danh tài khoản.
Anh Phúc
Theo Theo Người lao động