Như vậy, giải Nobel văn chương 2018 được trao vào năm sau cùng với giải Nobel văn chương 2019 do vụ bê bối tình dục và tài chính trong nội bộ của Viện Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển. Đây là bê bối lớn nhất trong lịch sử Nobel văn chương kể từ năm 1901. Lần cuối cùng giải Nobel văn chương bị hoãn là vào năm 1943 ở thời điểm cao trào của Thế chiến 2. Năm 1937, nhà viết kịch người Mỹ Euguene O’Neill cũng mới được trao giải Nobel văn chương năm 1936.
Sự chia rẽ trong nội bộ ủy ban văn chương của Viện Hàn lâm Thụy Điển bắt đầu nổi lên từ tháng 11 năm ngoái khi nhà nhiếp ảnh người Thụy Điển gốc Pháp Jean-Claude Arnault (sinh năm 1946) bị tố cáo tấn công tình dục 18 phụ nữ. Thông tin này được công bố đầu tiên trên tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển. Ông Arnault còn bị tố cáo có hành vi không đúng đắn với công chúa Thụy Điển Victoria tại một sự kiện của Viện Hàn lâm Thụy Điển năm 2006.
Ông Arnault là một nhà văn hóa hàng đầu tại Thụy Điển. Ông là chồng của bà Katarina Frostenson - một trong bốn thành viên chủ chốt của hội đồng văn hóa của Viện Hàn lâm. Dưới sức ép của dư luận, mới đây, bà Frostenson phải từ chức. Vợ chồng Arnault-Frostenson còn bị cáo buộc liên quan bê bối tài chính. Hai người đều điều hành một diễn đàn văn hóa riêng và nhận được tiền hỗ trợ từ Viện Hàn lâm.
Viện Hàn lâm từng nhận được một lá thư vào năm 1996 tố cáo hành vi tấn công tình dục của ông Arnault tại một diễn đàn văn hóa. Hồi tháng Tư, Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên bố, họ lấy làm tiếc vì đã không lưu lại bức thư đó nên không có biện pháp nào để điều tra các cáo buộc. Luật sư của ông Arnault nói rằng, thân chủ của mình phủ nhận mọi cáo buộc.
Bà Sara Danius, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm, người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí này, đã cắt đứt mọi quan hệ với ông Arnault từ tháng 11 năm ngoái và thuê thực hiện một báo cáo độc lập từ một công ty luật bên ngoài. Sau này, bà bị buộc phải rời khỏi vị trí này, dù vẫn là thành viên Viện Hàn lâm. Bà cho rằng, bà đã hy sinh quyền lợi cá nhân của mình với mong muốn đem đến sự cởi mở và tinh thần trách nhiệm với tổ chức này. Một số thành viên khác của Viện Hàn lâm cũng lần lượt từ chức để phản đối bà Frostenson vẫn là thành viên của hội đồng, một số khác từ chức để phản đối cách cư xử của ông Arnault với bà Danius. Tổng cộng, 8 trong 18 thành viên hội đồng văn hóa đã rời bỏ hội đồng này. Ngoài bê bối tình dục, tài chính, người ta còn cáo buộc về việc rò rỉ danh tính người đoạt giải Nobel.
Quỹ Nobel, tổ chức giám sát tất cả các giải thưởng Nobel, thừa nhận cuộc khủng hoảng đã làm hoen ố tổ chức ở quy mô ngày càng lớn và hoan nghênh quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Quỹ thúc giục Viện Hàn lâm nỗ lực hết sức để khôi phục uy tín của mình và các thành viên nên nhận ra rằng những nỗ lực cải tổ cần phải được thực hiện một cách cởi mở hơn và hướng tới thế giới bên ngoài.
Ông Anders Olsson, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, tuyên bố: “Chúng tôi thấy cần thiết có thêm thời gian để lấy lại niềm tin của công chúng về Viện Hàn lâm trước khi người đoạt giải tiếp theo được công bố”.