Biệt sĩ Hữu Loan, chuyện mười năm trước…

Điếu văn thảo trên xe

Bà Phạm Thị Nhu, vợ thi sĩ Hữu Loan (ngồi võng)
Bà Phạm Thị Nhu, vợ thi sĩ Hữu Loan (ngồi võng)
TP - Tròn mười năm trước, 19 tháng Ba, cũng tiết Bân nhưng bừng thứ nắng hơi bị gắt chứ không lạnh kèm nồm ẩm như bây giờ. Đó là ngày biệt thi sĩ Hữu Loan về Trời...

Quá non trưa. Mấy cái xe nhong nhong vô Thanh. Thi sĩ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội văn bút Việt tụt xuống hàng ghế sau với ông Phó Nguyễn Trí Huân và nhà văn Đặng Ái, nguyên chủ tịch Hội văn bút xứ Thanh.

Ông Hữu Thỉnh đương bấn. Ấy là đêm qua 18/3 nhận tin thi sĩ Hữu Loan mất. Sáng họp, trưa nay đã phải lên đường vào Nga Sơn dự tang. Chưa kịp soạn điếu văn gì cả. Nhưng chúng tôi ngầm hiểu việc soạn, viết điếu văn với Hữu Thỉnh chưa phải là cái gì gay cấn. Hình như ông có khiếu có tài lẫn tâm cái khoản này? Lần nọ chứng kiến một ông viết mặt đỏ găng cự với một ông viết khác khi ông nọ hé ra cái ý tại sao cái ông Hữu Thỉnh cứ tham quyền cố vị chưa chịu nghỉ? Thắc mắc ấy nhận ngay cái cự thẳng băng rằng Hữu Thỉnh nghỉ thì ông thử nghĩ coi, trong Hội văn bút nhà mình, ai viết ai đọc điếu văn mỗi khi có việc hiếu hử? Nghe hơi lạ nhưng gẫm ra  đâm chuẩn. Quả là chứng kiến bao cuộc buồn của Hội, ông chủ tang Hữu Thỉnh với động thái này khác kiêm chất giọng không thể bi thương và trang trọng hơn (mà tài thế, hình như chả đám nào giống với đám nào?) có vẻ khó có ai thay thế ông được cả?

Vậy nên trên xe ông đang nguệch ngoạc với mớ giấy. Thi thoảng ông lại hỏi mấy anh em cái gì đấy. Mãi khi ấy tôi mới biết một nghĩa cử hy hữu khi ông Hữu Thỉnh xúc động kể lại chuyện hơn 20 năm trước, ông cùng đoàn nhà văn của báo Văn Nghệ vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để khôi phục sổ lương hưu cho nhà thơ Hữu Loan sau nhiều năm bị gián đoạn bởi những nghi vấn văn chương liên quan đến vụ Nhân văn giai phẩm. Năm 1989, sau ba mươi lăm năm không được nhận lương Nhà nước, cầm sổ truy lĩnh lương hưu trên tay, ông già 73 tuổi Hữu Loan rưng rưng lên xe đò về Hà Nội, đến gặp Ban biên tập báo Văn Nghệ, hội Nhà văn cảm ơn, rồi đi uống rượu suốt đêm với các nhà thơ Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm…

Được non nửa đường,  tránh vướng phiền việc thảo điếu văn, tôi tụt xuống cái xe sau nhường chỗ cho nhà văn Nguyễn Trí Huân lên ghế bên tay lái…

Khi xe quành vô chỗ rẽ Nga Sơn thì việc của ông Hữu Thỉnh cũng đã hòm hòm. Chỗ đầu làng Vân Hoàn của thi sĩ, chúng tôi gặp anh con trai thi sĩ là Nguyễn Hữu Đán ra đón, ông Hữu Thỉnh chỉ dừng hỏi han thêm vài chi tiết là hoàn tất.

Đằng thằng mà nói, nếu chỉ lướt qua bản thảo của bản điếu văn thì cũng chỉ cảm nhận của sự ổn ổn! Nhưng những sự ổn ấy, trong buổi tang cùng động thái chất giọng của ông Chủ tịch Hội hình như hiệu ứng đã khác, đã nhân lên nhiều để bao nhiêu sự cảm kích của người nghe và chứng kiến can dự! Bởi thế sau này trên công luận cùng mạng xã hội đã đưa clip buổi tang thi sĩ Hữu Loan mà đoạn Chủ tịch Hữu Thỉnh đọc như một điểm nhấn.

Lối vào ngõ và mảnh sân nhà quen thuộc của thi sĩ Hữu Loan đã giăng chật những người. Bao lần có dịp khi vô tình khi chủ định đến đây, tôi cũng không nhớ nữa? Lần xa thì đi với bên truyền hình. Tôi cũng không nhớ họ có chủ đích những gì nhưng thấy tay đạo diễn để suông cũng kha khá thời lượng. Tình cờ bữa ấy có cô cháu ngoại Hữu Loan ghé chơi. Cháu nó đang học cấp 3. Ngồi với cháu thấy thú vị nó thuộc vanh vách bài thơ Hoa lúa của ông ngoại. Hoa lúa viết tặng bà vợ sau Phạm Thị Nhu. Cô thôn nữ Phạm Thị Nhu kém thi sĩ Hữu Loan đúng 19 tuổi có chân trong hội phụ nữ địa phương đi úy lạo đơn vị Vệ quốc đoàn dạo ấy bị anh vệ túm Hữu Loan hớp mất hồn… Chợt nhớ anh con trai Nguyễn Hữu Đán có lần kể tôi nghe bà Nhu mẹ anh có mấy lần hờn trách ông chồng Hữu Loan… Là bố anh dành hết tình cảm cho mẹ già (Cô Lê Đỗ Thị Ninh vợ đầu của Hữu Loan- XB) với bài Màu tím hoa sim rồi còn gì! Đán cười mẹ ơi bố ở với mẹ già có mấy tháng. Bố giờ ở với mẹ hơn nửa thế kỷ rồi. Mẹ già có Màu tím hoa sim… Sau này mẹ có Hoa lúa cũng được quá rồi…

Nhớ bữa ấy tôi mạo muội đề nghị với ông đạo diễn quay cảnh cháu ngoại Hữu Loan đọc Hoa lúa… Buổi quay hình như khá đạt. Ấn tượng chất giọng thanh thanh của cô cháu hướng về ông bà ngoại đang ngồi sát bên nhau. Ta đi đầu sát bên đầu/ Mắt em/ thăm thẳm đựng mầu trời quê.

Mảnh sân con này còn có một dịp xôm tụ nữa mà tôi được chứng kiến. Bữa đó cận ngày 22/12/2009, kỷ niệm thành lập Quân đội, tôi theo nhóm cựu binh lên nhà sàn của ông nhà báo Trần Đình Bá mạn Lương Sơn. Trong cuộc tụ vui vẻ có cựu binh Nguyễn Quốc Triệu khi ấy là Bộ trưởng Y tế. Chuyện gần chuyện xa rồi tự dưng rộ lên câu chuyện về nhà thơ Hữu Loan.

Nhân một người hé ra cái tin dạo này thi sĩ đã yếu lắm, cựu binh thành cổ Quảng Trị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu quyết định đánh độp rằng hay là thứ bảy tuần tới  cánh ta vào Thanh thăm thi sĩ Hữu Loan đi... Biết tôi có chút quen biết thi sĩ Hữu Loan lại rành đường đi, chất giọng ông Bộ trưởng thoắt tha thiết về cái việc cậy nhờ ấy… Tôi hơi hoảng lẫn ngại nhưng đương trong cơn rượu bung biêng, tự dưng thấy hay hay rằng chuyện một ông Bộ trưởng đi thăm một thi sĩ tài danh, tại sao lại không nhỉ? Nên cứ  gật bừa!

Thế là tinh mơ hôm thứ bảy theo hẹn từ chiều hôm trước chúng tôi nhong nhong mấy xe nhằm hướng Nga Sơn thẳng tiến. Tôi không rành cung cách lẫn tính khí ông bộ trưởng này lắm nhưng khá ấn tượng những kỳ họp Quốc hội có chất vấn. Không ít những lời bình, lời bàn rằng ngang thẳng như thế là được, rằng như vậy là chưa chuẩn... Hóa ra ông này cũng là người quyết đoán. Tưởng nói chơi chơi trong bữa rượu ấy thế mà mần thật!

Riêng tôi thì ngài ngại bởi hơi biết một tý tính khí của thi sĩ Hữu Loan. Dạo còn khỏe nhúc nhắc đi lại, những lần theo người này người khác ghé qua Vân Hoàn, Nga Lĩnh, trong những câu chuyện không đầu không cuối, ông không phải là có vẻ nữa mà khá… dị ứng với những nhà chức việc đang đóng ở ngôi cao. Tóm lại là ông không ưa các quan chức!

Bằng cớ là có ai nhắc đến vị này người nọ là ông lảng hoặc gạt phắt, chuyển sang chuyện khác. Như trong câu chuyện ông đã kể chúng tôi nghe dạo nào,  Hữu Loan từng bỏ cuộc cà phê với tướng Nguyễn Sơn trước khi chỉ mặt ông tướng anh là đồ tiểu tư sản!

Của đáng tội, duyên do việc nổi cáu ấy không phải do mấy ly cà phê sau cuộc cưới của tướng Sơn với bà Lê Hằng Huân (em vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan) mà là cái ri đô màu hoa cà cô dâu chăng giữa gian ngủ với gian khách tại nơi một nhà dân mà đơn vị đóng quân ở đất Thọ Xuân, Thanh Hóa. Hữu Loan coi thứ trang trí ấy là đồ… rởm, là học đòi!       (Còn nữa)

Điếu văn thảo trên xe ảnh 1 Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc điếu văn

Nhớ bữa ấy tôi mạo muội đề nghị với ông đạo diễn quay cảnh cháu ngoại Hữu Loan đọc Hoa lúa… Buổi quay hình như khá đạt. Ấn tượng chất giọng thanh thanh của cô cháu hướng về ông bà ngoại đang ngồi sát bên nhau. Ta đi đầu sát bên đầu/ Mắt em/ thăm thẳm đựng mầu trời quê.

 
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).