Chứng khó tiêu mô tả tình trạng căng tức cấp hoặc mạn tính, tái diễn nhiều lần hay cảm giác khó chịu vùng thượng vị (nơi lõm đầu dưới xương ức), tức hoặc nóng thượng vị, no nhanh, đầy chướng sau khi ăn.
Cần phân biệt chứng khó tiêu với ợ nóng, vì ợ nóng (heartburn) là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày thực quản. Chứng khó tiêu chiếm 25% dân số người lớn và khoảng 3% trong số người bệnh đến khám tại các cơ sở chăm sóc y tế.
Nguyên nhân của chứng khó tiêu
Không dung nạp với thức ăn hoặc thuốc trị bệnh: khó tiêu thoáng qua hoặc cấp có thể do ăn quá no, quá nhanh; thức ăn chứa lượng dầu béo cao; căng thẳng khi ăn; uống nhiều rượu, cà phê. Các thuốc uống điều trị bệnh có thể gây chứng khó tiêu gồm: thuốc giảm đau không chứa steroid (NSAIDs), vài loại kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường (Metformin, α-glucosidase, kháng thụ thể GLP-1), thuốc hạ huyết áp (ức chế men chuyển, ức chế β), thuốc hạ lipid máu (fibrates), thuốc trị bệnh tâm - thần kinh, thuốc chống động kinh…
Khó tiêu chức năng: đây là dạng thường gặp nhất của chứng khó tiêu mạn tính. Có đến 2/3 người bệnh không tìm thấy tổn thương thực thể cho dù thăm khám kỹ lưỡng. Cơ chế gây chứng khó tiêu này phức tạp có thể do mất sự đồng bộ trong dẫn truyền thần kinh, stress… mặc dù tính chất không nguy hiểm nhưng khó chữa khỏi hoàn toàn.
Rối loạn chức năng khoang dạ dày - ruột: có khoảng từ 5-15% bệnh loét dạ dày có triệu chứng khó tiêu. Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản chiếm 20% người bị khó tiêu, ngay cả họ không bị ợ nóng nặng. Những nguyên nhân khác bao gồm giảm nhu động dạ dày (đặc biệt gặp ở người bệnh đái tháo đường), không dung nạp lactose, hay tình trạng kém hấp thu, và nhiễm ký sinh trùng (Giardia, Strongyloides).
Nhiễm Helicobacter pylori (HP): mặc dù nhiễm H.pylori mạn tính là nguyên nhân thường gặp nhất của loét dạ dày, nhưng hiếm khi gây chứng khó tiêu khi không có loét dạ dày. Tần suất của viêm dạ dày mạn tính nhiễm H. pylori có bị khó tiêu mà không có loét từ 20-50% dân số.
Bệnh tụy tạng: ung thư tụy và viêm tụy mạn tính có thể bị chứng khó tiêu.
Bệnh đường mật: cơn khởi phát đột ngột của đau thượng vị hay 1/4 trên bên phải do sỏi túi mật hay đường mật gây viêm tắc có thể kèm chứng khó tiêu.
Những tình trạng bệnh lý khác: đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, bệnh thận mạn tính, thiếu máu cơ tim, bệnh ác tính trong ổ bụng, xoắn dạ dày, thoát vị cận thực quản, có thai… đôi khi bị chứng khó tiêu.
Điều trị bằng Y dược cổ truyền
Vì có sự liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan - bộ phận bên trong cơ thể và cơ thể với môi trường, nên phải điều trị với một biện pháp tổng hợp từ: kiểm soát, ổn định yếu tố tâm - thần kinh; thực hiện thói quen ăn uống hợp lý: ăn chậm nhai kỹ, ít chất béo, thông báo với bác sĩ điều trị để điều chỉnh một số thuốc có thể gây chứng chậm tiêu, hạn chế cà phê - rượu bia, bỏ thuốc lá. Riêng thuốc Đông dược điều trị chứng chậm tiêu tùy theo tình trạng hiện có của cơ thể người bệnh.
Nguyên tắc sử dụng thuốc
Tái lập cân bằng bài tiết dịch tiêu hóa (chất nhầy, men tiêu hóa, dịch tụy - mật, axít dạ dày), Đông y sử dụng nhóm thuốc Tiêu đạo (Eupepsia) gồm các dược liệu: Sơn tra, Mạch nha, Thần khúc, dịch mật động vật, Kê nội kim, Nghệ…
Điều hòa nhu động hoặc chống co thắt ống tiêu hóa (qua cơ chế thần kinh hoặc tại chỗ của dạ dày - ruột), Đông y sử dụng thuốc Thông hoạt (activator, antispasmodic) như: Sa nhân, Hương phụ chế, Hậu phác, Chỉ thực, Chỉ xác,
Uất kim…
Chống vi khuẩn, ký sinh trùng: gồm các dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, giải độc như: Hoàng liên, Hoàng bá, Mơ tam thể, Tỏi, Kim ngân hoa, Chè dây, Bồ công anh, Bạc hà…
Các thể bệnh thường gặp và bài thuốc sử dụng
Bài thuốc này áp dụng với chứng khó tiêu và căng tức hay đau thượng vị lan dưới hạ sườn, bứt rứt, cáu gắt, khó ngủ, ợ chua - nóng, rêu lưỡi vàng, lưỡi nứt, tiêu bón… (chứng can khí uất, thừa axít dạ dày): Sài hồ, Cúc tần, Chi tử: 8-10g; Táo nhân, Viễn chí: 6-8g; Ô dước, Hậu phác, lá Muồng trâu, Uất kim: 4-6g; Bồ công anh, Rau má: 12-15g. Các chế phẩm từ bài thuốc có tên thương mại là: Tiêu dao đan chi, Tiêu dao - f.
Bài thuốc trị khó tiêu và sợ lạnh, buồn nôn, đau âm ỉ thượng vị, lưỡi nhợt, rêu trắng, tiêu lỏng hay phân nát, ăn uống thức ăn ấm dễ chịu… gồm: Sa nhân, Mộc hương, Hương phụ chế 6-8g; Đản sâm, Vỏ quýt, củ Sả, Bạch truật 8-10g; Chỉ thực, Bán hạ chế, Thủy xương bồ, Mai mực 6-8g. Chế phẩm tên thương mại: Hương sa lục quân, Bình vị tán…
Việc điều trị các thể bệnh khác sẽ được bổ sung hoặc thay đổi tùy vào biểu hiện đi kèm như: tăng tiết nước bọt, chán ăn, khô miệng, khát nước, đau bụng nhiều, ợ nóng nhiều, khó ngủ… và phải do thầy thuốc quyết định.
Những điều cần lưu ý
Vì chứng khó tiêu hóa có liên quan đến rất nhiều loại bệnh từ thực quản đến ruột và các cơ quan như gan mật, tụy, nên nếu sử dụng thuốc vài tuần không thuyên giảm, người bệnh cần được thực hiện thêm các kỹ thuật cận lâm sàng: nội soi dạ dày, siêu âm, xét nghiệm máu - phân, đôi khi cần chụp cắt lớp, cộng hưởng từ… Đặc biệt, ở người cao tuổi và gầy, nhanh nên sớm đến các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để có biện pháp điều trị thích hợp nhất.
Gần đây, một loại bệnh liên quan đến chứng khó tiêu rất phổ biến gây nhiều lo lắng vì phải điều trị kéo dài, dễ tái nhiễm và có một số phản ứng ngoại ý khi uống thuốc là viêm dạ dày có nhiễm Helicobacter pylori (HP). Đây là bệnh cần quan tâm nhưng không nên quá lo lắng. Thực tế, vi khuẩn HP đa số bị diệt bởi kết hợp một số kháng sinh với nhau và chỉ một số nhỏ người bệnh bị kháng thuốc hay dị ứng thuốc.
Cần tuân thủ uống thuốc đủ liều và thực hiện vệ sinh ăn uống, rửa tay, làm sạch ly chén khi dùng chung. Hiện nay, các thầy thuốc y dược cổ truyền trong và ngoài nước đã và đang nghiên cứu nhằm tìm các dược liệu có thể hỗ trợ kìm sự phát triển vi khuẩn HP kháng thuốc kháng sinh hay thường xuyên tái nhiễm. Các dược liệu như: tỏi, trà xanh, nghệ, chè dây, riềng, rau bạc hà (có tinh dầu menthol), quế… được ghi nhận có tác dụng diệt HP và hứa hẹn có thêm vũ khí mới giúp chữa trị loại vi khuẩn này.
BS TRẦN VĂN NĂM