Diệu kỳ thầy lang bó xương

Diệu kỳ thầy lang bó xương
TP - Đến năm 2009, lương y 34 tuổi này ở tỉnh Bắc Ninh có thâm niên 18 năm bó xương cứu cho khoảng 20 ngàn người thoát khỏi bị tàn phế, trở lại cuộc sống bình thường, với phương pháp rất đơn giản, thời gian ngắn, chi phí thấp.
Diệu kỳ thầy lang bó xương ảnh 1
Nguyễn Mạnh Hùng và hộp cao dán

Nhiều người trên 80 tuổi, bệnh viện phải trả về, cũng được chữa khỏi nhờ phương pháp bó xương cổ truyền độc đáo này.

Ba đời gìn giữ

Nghe cha nói, thời phong kiến thực dân đói khát, ông nội Hùng phải đi tha hương bạt xứ, lang bạt cả sang Trung Quốc. Không rõ ông học được phương pháp bó xương cổ truyền này ở đâu, nhưng từ khi về quê, ông chữa khỏi cho nhiều bà con trong làng, trong vùng.

Ông nội Hùng mất năm 79 tuổi và kịp truyền lại cho con trai Nguyễn Văn Dị - cha của Hùng. Từ lúc trẻ đến 58 tuổi, ông Nguyễn Văn Dị chuyên phụ giúp cha. Cho đến khi cha ngoài 60 tuổi, ông Dị thay cha chữa chạy cho những người không may bị hoạn nạn.

Lên 10, Nguyễn Văn Hùng loanh quanh xem ông nội cùng cha bó cho những người bị gãy chân tay. Trong nhiều ca gãy xương nặng, Hùng vẫn còn nhớ ca ông nội chữa cho ông giám đốc nhà máy xay Đáp Cầu năm 1985.

Ông giám đốc bó bột và nằm hàng tháng ở bệnh viện nhưng không khỏi, thậm chí còn bị rò xương.  Ông nội Hùng chỉ bằng đôi tay nhạy cảm, mấy nẹp tre quê và mồi cao dán gia truyền, đã tháo bột, khử thuốc sạch, đắp cao bó lành lại vết thương cho ông giám đốc.

Năm 16 tuổi, Hùng có thể thay cha hành nghề. Mỗi tháng, anh thực hiện dăm bảy chục ca bó xương chân tay.

Nguyễn Mạnh Hùng chỉ cần dùng tay sờ nắn là biết chính xác thực trạng vết thương ra sao, xương bị rạn, bị dập, gẫy đôi, vặn vỏ đỗ... Cũng bằng tay, Hùng sắp xếp lại các vết gãy theo đúng trật tự vốn có rồi dùng cao bôi kín vết thương. Cao dán được cô lại từ chân gà đen, gạo nếp, lá rừng... pha trộn với dầu tây hoặc xăng.

Lương y Hùng đưa tôi xem cóng sữa bò đựng cao dán. Lương y cho biết chỉ cần 1/2 cóng bò là có thể chữa được từ  4 - 5 bệnh nhân. Sau khi mục sở thị việc lương y Hùng khám và điều trị, nhiều bác sỹ giỏi đầu ngành y tế khẳng định lương y Nguyễn Văn Hùng có đôi bàn tay vàng và cao dán liền xương thần diệu.

Hiệu nghiệm của cao dán là, qua chân lông, nó ngấm vào vết xương gãy, giảm đau nhanh, tiêu máu tụ, kích thích xương liền và phát triển nhanh. Chỉ cần đắp thuốc sau ba tiếng là bệnh đã biến chuyển.

Nạn nhân bị gẫy các loại xương như xương đùi, cánh tay, xương sườn, gẫy vỡ các trục khớp, xương chậu… thậm chí vỡ cả đốt cột sống, bị bong gân, trật khớp… lương y Hùng đều chữa khỏi.

Hầu hết nạn nhân không cần phải nẹp, bó bột, không phải đóng đinh. Chỉ có các ca gẫy cả hai xương ống, xương đùi, xương cánh tay mới phải nẹp cố định bằng phương pháp thủ công với bốn mảnh tre nẹp dài 20 phân. 

Cứu tinh của những cụ già

Diệu kỳ thầy lang bó xương ảnh 2
Cụ Lệ Thị Riệc, 83 tuổi ở thành phố Thái Bình được lương y Hùng chữa khỏi

Cụ Lê Thị Riệc, 83 tuổi, ở số nhà 67, phố Phan Bá Vành, Phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Năm 2008, cụ Riệc ngã, gẫy cổ xương đùi, bệnh viện xác định không thể khỏi, nằm liệt giường. Nếu muốn khỏi thì phải thay chỏm xương đùi với giá khoảng từ 30 đến 60 triệu đồng.

Qua một người mách, Hùng về chữa cho cụ Riệc. Hùng cắt bột, chỉnh lại xương và chỉ bốn lần đắp thuốc. 22 ngày sau cụ Riệc đi lại được. Đến nay, sinh hoạt bình thường.

Bố anh Giáp, 82 tuổi, ở xã Thái Hồng, Thái Thụy. Năm 2008, cụ gãy cổ xương đùi. Gia đình đưa lên bệnh viện nhưng không bó được đành đưa về nhà. Hùng đắp thuốc ba lượt. Cụ đã lành vết thương, tự ngồi dậy, chống gậy đi lại được.

Sau đó, ông thông gia với bố anh Giáp, 86 tuổi cũng bị gẫy cổ xương đùi phải. Gia đình đón cả lương y Trung Quốc, sau gần một tháng không khỏi. Anh Giáp mời Hùng và sau 20 ngày, cụ đã đi được và hiện giờ trở lại bình thường.

Mẹ anh Chuẩn thôn Xuân Thọ, xã Đông Cường, huyện Đông Hưng cũng bị gẫy cổ xương đùi. Gia đình cũng đưa cụ lên các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện 108, Việt Đức... Do cụ đã già, không bó được, xương mục không đóng đinh, cụ cũng phải về như bao trường hợp cao niên khác. Hùng đã chữa trị cho cụ lành vết gẫy, giờ chống gậy đi lại bình thường.

Tại Hà Nội, nhiều năm qua, Hùng cũng chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân  tuổi già, nan y. Năm 2007, Hùng chữa cho anh Phương, 52 tuổi, con trai nhà thơ Tố Hữu ngã cầu thang vỡ ba đốt xương lồng ngực.

Trước đó, anh Phương đến các viện nhưng không xử lý được và đang định đi nước ngoài điều trị. Hùng ép và đắp thuốc. 12 ngày sau, anh Phương đã khỏi hẳn.

Mẹ cô Lan và cũng là mẹ thượng tướng Song Hào ở số nhà 28 Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Năm 2008, cụ đã 90 tuổi, không may bị ngã vỡ xương trật khớp bả vai. Cụ được đưa tới các bệnh viện, chiếu chụp song vẫn để nguyên vì bó bột không được. Hùng tới đắp thuốc cho cụ và chỉ sau hai tuần cụ đã khỏi.

Bà dì ruột 91 tuổi và mẹ (98 tuổi) của ông Trần Xuân Tường (bác sỹ thuộc ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư) cả hai đều ngã bị gãy cổ xương đùi.  Hùng cũng trực tiếp cứu chữa cho hai cụ khỏi và đi lại được.  Hùng cho biết riêng ở Hà Nội, một năm anh cũng phải chữa tới vài trăm ca.

Tại Quảng Ninh, Hùng chữa khỏi cho nhiều nạn nhân bị tai nạn đá như con rể ông Sinh ở ga Yên Cư bị  gãy ba đoạn xương ống. Tại Vũng Tàu, cô Vang có mẹ chồng 95 tuổi, tháng 1/2009 cụ bị gẫy cổ xương đùi.  Hùng đáp máy bay vào chữa trị cho cụ lành bệnh.

Tại Bắc Ninh, quê hương của Hùng, năm 2005, anh Nguyễn Văn Bình 46 tuổi ở thôn Thượng, xã Khắc Niệm, Tiên Du bị  ô tô đè gẫy xương con hai đoạn, xương lớn dập hai khúc, mất một miếng xương.

Anh Bình vào viện đóng gông, bó bột không khỏi. Hùng tháo bột, nắn xếp lại xương, dán thuốc, nửa tháng sau anh khỏi và hiện đang làm nghề  thợ xây. Anh Nguyễn Văn Thực ở thôn Lục Sơn, thị trấn Lim, bị gãy vỡ vòng cung xương chậu, cổ xương đùi, do tai nạn ô tô. Đi viện, không chữa lành được. Nếu thay vành xương chậu phải mất hàng trăm triệu đồng. May mắn gặp Hùng, anh Thực trở lại bình thường... 

Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ở hầu hết các tỉnh từ Bắc vào Nam anh đều chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân.

Chỉ lấy chút tiền thuốc và tiền xăng xe

Các bệnh nhân bị gãy xương thông thường đến bệnh viện bó bột và cố định chữa trị trong ba tháng. Với phương pháp đắp cao này chỉ cần trên dưới 15 ngày.

18 năm qua, đa số các bệnh nhân nặng trong gần hai vạn bệnh nhân nhiều miền đất nước, đều được Hùng đến tận nhà chữa trị. Với bệnh nhân ở các tỉnh phía Bắc, Hùng  đi xe máy, ở  miền Trung anh đi ô tô. Nhiều thợ xe ôm chuyên nghiệp trợ giúp việc đi lại cho Hùng. Người đi nhiều nhất là anh Thụ được tám năm, người thứ hai là anh Mạnh được bốn năm.

Mấy người khác chỉ đi với anh được mấy tháng là xin nghỉ. Lý do mỗi ngày đi tới hàng trăm, có ngày vài trăm cây số, đi cả trong đêm, trong mưa gió, rét mướt, trên nhiều địa hình đồng bằng, miền núi nên không trụ nổi. 

Mấy năm gần đây, Hùng tự đi xe máy, bình quân trên dưới bốn vạn cây số. Chiếc xe máy Hùng mua ngày 28/11/2007 đến ngày gặp tôi tại Thái Bình là hơn một năm mà công tơ mét đã chỉ con số 4,2 vạn cây.

Ngay từ khi mới hành nghề chữa bệnh, Hùng đã chia sẻ với những người hoàn cảnh khó khăn; các cụ già thường được miễn phí. Hùng bày tỏ, cái bệnh này phải thế; nếu để bệnh nhân đi lại thì không cố định được vết thương; mà ở lại thì gia đình không có chỗ.

Các bệnh nhân trong tỉnh kể cả gẫy xương đùi, xương chậu, đến nhà lương y chữa trị thì chỉ vài ba chục đến một trăm ngàn đồng là khỏi.

Chị Bộ ở khu 5, thị trấn phố Mới, Quế Võ, Bắc Ninh, chồng kỹ sư giỏi mắc bệnh thần kinh, hai con còn nhỏ đang ăn học. Khi đứng bán hoa quả, chị bị xe tông vào gẫy đôi cả hai xương lớn chân phải. Đi viện ít nhất cũng phải hàng triệu đồng.

Nhà chị Bộ cách nhà Hùng 30 cây số. Biết hoàn cảnh, Hùng xuống tận nhà, bỏ cả công sức, tiền xăng xe, tiền thuốc chữa cho chị. Sau khi khỏi, chị tiếp tục gánh vác việc gia đình.

Bà Ngô Thị Khoa, 80 tuổi, ở Thọ Đức, Tam Đa sống độc thân, kinh tế thiếu thốn, bị gẫy cổ xương đùi. Lương y Hùng đến tận nhà chữa khỏi cho bà mà không nhận một đồng tiền nào...

Được biết, điều kiện kinh tế của gia đình Hùng cũng chỉ bình thường như bao gia đình khác. 18 năm qua Hùng chỉ tâm niệm chữa trị làm phúc cho mọi người.

Tôi đang có ý định sau bài viết này, lên Bắc Ninh gặp lương y Nguyễn Văn Dị - người cha, người thầy của lương y Nguyễn Mạnh Hùng. Nhưng khi tôi đang gõ những dòng cuối bài viết này thì được tin người cha của  Hùng, vừa mới qua đời. Qua điện thoại, Hùng nghẹn ngào: Cha cháu vào nghề từ năm 14 tuổi. 44 năm hành nghề, cha cháu chữa cho hàng vạn bệnh nhân khỏi bệnh.

Để biết địa chỉ và điện thoại liên hệ với lương y Nguyễn Mạnh Hùng, mời các bạn đón xem Tiền Phong số 60, ra ngày Chủ nhật.     

Ông giám đốc nhà máy xay Đáp Cầu được chữa khỏi, không phải cắt chân, mang tận nhà biếu xe Simsơn, đài quay băng của Nhật nhưng gia đình kiên quyết không nhận. Ông giám đốc vẫn để lại, gia đình mang tận nhà gửi lại. Có gia đình mẹ khỏi, con cháu thưởng cho Hùng 10 triệu nhưng anh từ chối.

Từ nhà sang Hà Nội bốn lượt, sau khi chữa khỏi cho một cụ già trên 90 tuổi, Hùng chỉ lấy đúng 500 ngàn đồng. Các con cháu cụ, có người từ nước ngoài về mỗi người thưởng cho lương y một vài trăm USD, nhưng anh chỉ một mực lấy 500 ngàn . 

Hùng kể, anh chữa khỏi cho bà cụ có con làm ở ngành dầu khí. Lên máy bay, bóc phong bì ra thấy quá mức tiêu chuẩn, Hùng điện vào xin trả lại. Gia đình trả lời: Cháu giúp gia đình chú nhiều. Bà mà không đi lại được, vừa khổ bà, vất vả cháu con, mượn người tốn kém hơn thế nhiều. Bước đầu gia đình mới trả tạm như thế.

MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.