Diệu kỳ mộc mĩ tửu

Ông Đinh Ba Đét trèo lên cây đoák lấy rượu
Ông Đinh Ba Đét trèo lên cây đoák lấy rượu
TP - Người dân Ba Na ở làng Tờ Cách (xã Đắk Plinh, huyện Kông Chro, Gia Lai) tự hào có một loại rượu đặc biệt lấy từ cây đoák. Bao đời nay, người đồng bào Ba Na bảo vệ, chăm sóc cẩn thận hàng nghìn cây đoák ở suối Đoák M’Tung, xem đó là biểu tượng buôn làng, là nguồn thức uống quý giá được thần linh ban tặng. Rượu đoák được coi là thứ mộc mĩ tửu thượng hạng.

Men nồng thiên nhiên

Để đến được làng Tờ Cách phải đi gần 200km từ thành phố Pleiku, Gia Lai. Vùng đất này nắng gió quanh năm, gia súc, gia cầm của người dân khoẻ mạnh khác thường, ít dịch bệnh. Ông Đinh Ba Đét (50 tuổi) nổi tiếng trong làng vì biết cách lấy rượu từ thân cây đoák trong vắt, thơm ngon. Buổi tối, làng Tờ Cách bừng lên trong ánh điện dưới chân núi. Gia đình ông Đét xem tôi là khách quí vì phải đi quãng đường xa nên đã thiết đãi rượu đoák và cơm thơm nấu từ gạo lúa mới. “Uống rượu đoák làm cái đầu mình vui lên chứ không say, không đau bụng như uống rượu 10 nghìn một lít ở quán tạp hoá đâu. Mình theo chân ông già lên suối Đoák M’Tung từ 20 năm trước để bẫy con heo rừng, ngủ lại cả tuần cũng không cần mang theo nước vì có cây đoák rồi”, ông Đét hào hứng giới thiệu về loại rượu đặc biệt này.

Rừng đoák cách làng Tờ Cách hơn 6km đường núi nên chúng tôi xuất phát từ 5h sáng. Phải đi sớm vì theo ông Đét, uống rượu đoák vào sáng sớm mới ngọt, mát lạnh và có hương thơm của đại ngàn. Hơn 2 giờ vượt dốc núi thẳng đứng, rừng đoák hàng nghìn cây, nhiều cây cao hơn 20 mét hiện ra trước mắt. Nơi đây được người dân địa phương đặt là suối Đoák M’Tung vì rừng đoák nằm giữa hai ngọn núi lớn nhất của làng Tờ Cách. Theo kinh nghiệm của ông Đét, cây đoák nếu mọc xa bờ suối sẽ chảy ít rượu, quá gần suối thì rượu  bị chua. Cây đoák cho rượu ngon phải cách bờ suối khoảng 30 mét. Điều quan trọng là phải lấy rượu của những cây đoák hơn 15 năm, vì giai đoạn này rễ cây đã đâm sâu vào lòng đất, vừa hấp thụ được nước suối vừa hấp thụ được dinh dưỡng của núi rừng, hương vị sẽ thơm ngon, dịu nhẹ. Mỗi mùa, rượu đoák lại có hương vị đặc trưng khác nhau, có mùa vị chua, mùa vị ngọt. Nhưng ngon nhất vẫn là vào mùa Xuân, độ ngọt vừa phải hoà với mùi thơm của phấn hoa rừng.

Những cây đoák ở suối Đoák M’Tung được người dân bắc cầu thang ôm sát vào thân. Một người là chủ nhân của vài ba cây. Cách làm thang lên ngọn cây đoák của người Ba Na rất đặc biệt. Họ tuyệt đối không đóng đinh vào thân mà lột những bẹ già của cây đoák, đập nát bện lại thành những sợi dây, sau đó cột hai thân tre lớn sát vào cây đoák. Công đoạn cuối cùng là chặt các thân cây bằng cổ tay, độ dài vừa phải để làm bậc thang. Sau khoảng một năm người dân sẽ nới lỏng những nút thắt của các sợi dây để cây được “thở”. “Người dân Ba Na thương núi rừng lắm. Nó cho mình con thỏ, con nai và rượu đoák mà” - ông Đét nói.

Cây đoák của ông Đét cao hơn 20 mét, mọc sừng sững bên những tảng đá. Cây đoák này được ông tìm thấy cách đây sáu tháng trước, có buồng quả to, đều, phần cuống to hơn bình thường. Ông Đét chắc chắn rượu cây đoák này sẽ ngon hơn rượu của những cây khác. Ông nói: Trước khi chặt buồng quả đoák, cái rìu phải được mài thật bén. Chọn khoảng cách từ ngọn ra cuống khoảng hai gang tay. Chặt một nhát quyết đoán thì rượu ra mới nhiều và ngon.

 “Tí nữa khi uống rượu đoák người uống không được nói say, cứ bình thường như uống nước suối thôi, nói say là ngủ ở rừng chiều tối mới về đến làng đấy. Uống còn thừa cũng không được đổ đi, làm thế sau này cây đoák sẽ không cho rượu nữa”. Vừa dứt lời cảnh báo, ông Đét thoăn thoắt vài nhịp đã trèo tới ngọn cây. Thấy vậy, tôi quyết định “liều một phen”. Lên ngọn cây đoák không hề dễ dàng, tôi đạp vào cạnh của vỏ cây đoák nhọn hoắt. Ngón chân cái đau buốt nhưng ở độ cao này khiến tay tôi bám chắc vào thang. Những tấm ảnh ông Đét ngồi vắt vẻo trên ngọn cây đoák là phần thưởng cho công sức của tôi.

Múc hết rượu trong bình, ông Đét bỏ cây men (một loại cây có gai, giúp lên men tự nhiên) vào chum để có mẻ rượu mới vào sáng mai. Theo ông Đét, công thức làm rượu này được ông bà truyền lại, đó là sự kết hợp hoàn hảo của tự nhiên. “Quanh bình rượu mình đặt 3 cái bẫy, vì con sóc cũng đợi khi rượu đoák đầy bình sẽ đến uống. Có con rơi cả vào trong bình, hỏng hết rượu” - ông Đét nói.

Dưới rừng đoák mát rượi, tôi và ông Đét cùng thưởng thức số rượu đoák vừa lấy được. Vị ngọt kèm chút cay, tê đầu lưỡi của men làm đầu tôi lâng lâng. Rượu ngon nên nhoắng cái đã hết 2 lít. Còn 3 lít mang về, ông Đét quyết định trèo lên cây đoák gần đó để “mượn” rượu của hàng xóm. Múc đầy can của mình, ông Đét cài 50 nghìn đồng vào ngọn của cây đoák. Ông Đét nói người dân Ba Na không ăn trộm, việc “mượn” rượu diễn ra thường xuyên ở suối Đoák M’Tung.

Đặc sản đợi khách

Già Đinh A Nhưp trải qua 95 mùa rẫy, ông nói, nếu như phát hiện những cây đoák mới, trước khi lấy rượu người dân sẽ mang một con gà, bình rượu cần lên cúng tạ ơn Yàng (thần linh) đã cho cây. Hứa sẽ lấy rượu và chăm sóc cây. “Trong các sự kiện lớn của dân làng không thể thiếu rượu đoák. Loại rượu này được người dân làng Tờ Cách làm ra bằng men cây rừng nên nhẹ hơn rượu cần, khi uống không say như các loại rượu khác. Vào mùa Xuân người dân nơi đây sẽ đi lấy rất nhiều để uống mừng lúa mới” - già A Nhưp nói.

Diệu kỳ mộc mĩ tửu ảnh 1  Rượu đoák có màu trắng đục, hương vị thơm ngon

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: Cây đoák có nhiều tên gọi khác nhau (đác, báng, cây rượu trời…). Ở độ tuổi trưởng thành cây có đường kính khoảng 45cm, cao chừng 8 đến 20 mét. Lá như lá dừa nhưng mặt dưới màu trắng, dài 6 đến 12 mét. Nhiều nơi người dân khai thác phần ruột của thân cây, giã nhỏ, lọc lấy tinh bột rồi phơi hoặc sấy khô để bán, nhưng người dân Ba Na trên địa bàn huyện chỉ khai thác phần nhựa đoák để làm rượu.

Theo ông Ẩn, khách du lịch thường tìm về bản làng nơi có rượu đoák để thưởng thức tại chỗ. Đây là thức uống tuyệt vời, đặc trưng. Tuy nhiên, hiện chưa có phương pháp bảo quản rượu được lâu. Rượu đoák lấy từ trên rừng về chỉ 2 ngày là hỏng. Việc bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ giữ được thêm 2 ngày. 

Trên địa bàn, cây đoák mọc chủ yếu ở xã vùng phía Tây Nam, gồm Đắk Plinh, Đắk Sông và một phần của xã Sơ Ró. Huyện luôn khuyến khích dân bảo quản, khai thác an toàn, hợp lý, không tác động nhiều đến sự phát triển của cây. Ví dụ như cây có 5 buồng quả thì chỉ chặt 3, giữ lại 2 để nhân giống.

MỚI - NÓNG