Công trình đặc biệt
Biến đổi khí hậu, những đợt hạn, mặn lịch sử như năm 2015-2016, năm 2019-2020 khiến vựa lúa, thuỷ sản, trái cây Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) càng bị tác động mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến sinh kế của người dân.
Ðại dự án Hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn-Cái Bé, thuộc loại công trình “đầu tư không hối tiếc” vì sự phát triển bền vững ở ÐBSCL.
Dự án thai nghén từ trước những năm 2000, qua quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, đến năm 2017, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1, sau đó Bộ NN&PTNT có quyết định phê duyệt dự án xây dựng công trình, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 3.300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Giai đoạn 1 dự án này gồm các công trình cống Cái Lớn là công trình cấp I; cống Cái Bé và cống Xẻo Rô là cấp II; đường nối quốc lộ 61 với cống Cái Bé là dự án cấp III.
Ngoài ra, ở giai đoạn này còn thực hiện hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang do Sở NN&PTNT hai địa phương này làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế kỹ thuật, cống Cái Lớn sẽ được xây dựng dưới lòng sông Cái Lớn, có tổng chiều rộng thông nước 455 mét, gồm 11 khoang cống rộng 40 mét/khoang, có cao trình ngưỡng -3,5 đến -6,5m và 1 âu thuyền rộng 15m.
Cửa van cống, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xilanh thủy lực, trên cống có cầu giao thông.
Tượng tự, cống Cái Bé được xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, có tổng chiều rộng thông nước 85 mét, gồm 2 khoang cống rộng 35 mét/khoang, cao trình ngưỡng -5 mét và âu thuyền rộng 15 mét…Cống Cái Lớn có khẩu diện lớn nhất Ðông Nam Á hiện nay với 455m.
Theo tính toán, hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 sẽ giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn-lợ, ngọt-lợ luân phiên) cho vùng bán đảo Cà Mau hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản hơn 346.000 ha ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất). Giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.
Hiệu quả của hệ thống cống này còn góp phần cấp và trữ nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít, tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ðẩy nhanh tiến độ, chất lượng đảm bảo
Những ngày này, trên công trường thuỷ lợi lớn nhất ÐBSCL, mọi hoạt động đều khẩn trương, dồn hết tâm lực với mục tiêu đưa công trình về đích trước 4-5 tháng so với kế hoạch.
Quả thật, nhờ áp dụng các công nghệ thiết kế, thi công do người Việt làm chủ, triển khai những giải pháp đồng bộ, công trường thi công 3 ca liên tục, hiện tiến độ thi công hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé được đảm bảo.
Hiện Cống Cái Bé đạt 70% khối lượng công trình, cống Cái Lớn đạt hơn 55% khối lượng, đang vượt tiến độ khoảng 3-7 tháng.
Cùng với tiến độ thi công, chủ đầu tư cũng đẩy nhanh việc nghiệm thu, giải ngân vốn cho công trình. Ðến cuối tháng 9/2020, tiến độ giải ngân vốn của dự án Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 đã đạt gần 80% kế hoạch được giao năm 2020. Chủ đầu tư khẳng định, đến cuối tháng 12/2020 sẽ giải ngân vượt 10% kế hoạch vốn được giao (nếu được giao vốn bổ sung).
Theo dự kiến, công trình Cống Cái Bé sẽ hoàn thành các hạng mục chính để đưa vào vận hành phục vụ kiểm soát mặn ngày đầu mùa khô 2020-2021 (cuối tháng 1/2021), vượt tiến độ khoảng 8 tháng. Ðối với cống Cái Lớn sẽ hoàn thành các phần chính của công trình, đưa vào vận hành khai thác trong tháng 6/2021, vượt tiến độ kế hoạch 5 tháng.
Nói về công trình này, ngay tại lễ phát động thi đua giai đoạn khởi công dự án (tháng 11/2019), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kỳ vọng đây là dự án “4 nhất”: Có tiến độ nhanh nhất; chất lượng tốt nhất; dự án an toàn nhất và cuối cùng đây sẽ là dự án có hiệu quả cao nhất trong các dự án chúng ta đã làm.
Theo Thứ trưởng Hiệp, biến đổi khí hậu, sự thay đổi thượng nguồn sông Mekong và tính dị thường của thời tiết càng ngày càng khó dự báo. Do vậy, nếu không chủ động, từ người dân, chính quyền địa phương, dự báo, cảnh báo… chắc chắn sẽ không thể ứng phó.
Ông Hiệp cũng cho rằng, cần kết hợp các giải pháp, kể cả giải pháp công trình, phi công trình, cả ngắn hạn và dài hạn trong ứng phó.
Riêng về giải pháp công trình, thời gian qua, nhiều công trình của Bộ NN&PTNT và các địa phương đã đưa vào sử dụng đúng đợt hạn mặn khốc liệt năm 2015-2016 và năm 2019-2020, nên giảm thiểu rất lớn tác động bất lợi đến những vùng bị ảnh hưởng.
Giai đoạn 2016-2020, Bộ NN&PTNT đang đầu tư là 11 hệ thống công trình thuỷ lợi tại ÐBSCL, trong đó 7 công trình đã đưa vào sử dụng sớm trước từ 5 đến 14 tháng trong đợt hạn mặn năm 2019-2020 này.
Theo ông Hiệp, các công trình còn đang đầu tư và đang đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn- Cái Bé để điều tiết mặn- ngọt cho toàn bộ Hậu Giang và một phần của Kiên Giang và Cà Mau.
“Những công trình này khi được đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả đầy đủ sẽ tác động đến khoảng 1 triệu ha lúa và cây ăn trái; cùng đó, vùng nuôi trồng thuỷ sản cũng sẽ được điều tiết”, ông Hiệp nói.
Hiện nay rất nhiều vùng ở ÐBSCL, nuôi tôm là thế mạnh nhưng chỉ nuôi được 1 mùa do nước quá mặn. “Do vậy, về trung hạn 2021-2025, chúng tôi đang bàn với các tỉnh để sẽ tập trung đầu tư các hệ thống thuỷ lợi liên vùng, mang tính động lực để góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp và đảm bảo khắc phục được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn”, ông Hiệp phân tích.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2 của dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn- Cái Bé và cố gắng nghiên cứu cùng Cà Mau để chuyển nước ngọt cho tỉnh này.
Đồng bằng sông Cửu Long về đích trước 4-5 tháng so với kế hoạch
“Các hệ thống liên tỉnh mà Bộ đầu tư sẽ nhắm đến mục tiêu điều tiết các nguồn nước làm thế nào cố gắng đến năm 2025 sẽ khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập; còn xa hơn, phấn đấu đến năm 2030 sẽ giải quyết được câu chuyện này với nguồn ngân sách dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp