Đường làng có điện đường do dân đóng góp. Ảnh: H.K. |
Phố giữa vùng sâu
Từ thị trấn Đăk Hà xe bon bon đường nhựa trên bờ kênh Đăk Ui, nơi 30 năm trước là biểu tượng của đại công trường thủy lợi trên Tây Nguyên, để về Hà Mòn. Ngày xưa xa xôi là thế, bây giờ mười mấy cây số chỉ hơn chục phút đã vào đến trụ sở UBND xã. Hai bên đường, bên những khu vườn, sau mỗi căn nhà là cà phê ngút ngàn, xanh thẳm một màu. Nhiều căn biệt thự khá đẹp mọc lên giữa xanh um cây trái.
Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, anh Lê Lợi, mới ngoài 30, theo gia đình đi kinh tế mới từ Quảng Bình vào đây khi đất này chưa có tên xã, giới thiệu báo cáo xây dựng Hà Mòn giai đoạn 2010-2015. Toàn xã có 1.130 hộ (4.268 khẩu), năm 2010 thu nhập đạt 27,5 triệu đồng/người, bình quân 100 triệu đồng/hộ. Anh Lợi bảo, thu nhập giữa các hộ không chênh lệch nhau nhiều.
Những gương mặt nổi trội về kinh tế như anh Dương Văn Lân ở thôn Thống Nhất, anh Nguyễn Văn Dụng ở thôn 5, anh Đoàn Văn Chương ở thôn Bình Minh… cũng chỉ có 3-4 ha cà phê so với mức bình quân 2 ha/hộ. Họ thu mỗi năm gần nửa tỷ đồng nhờ biết áp dụng mô hình VAC nuôi cá, gà vịt, trồng cây ăn quả…
Thu nhập trên đầu người ở Hà Mòn không cao so với nhiều vùng đất khác của Tây Nguyên, song điều đáng quý là người dân ở đây biết chung tay xây dựng vùng đất này. Điện sinh hoạt, sản xuất đến 100% hộ dân, 100% khu dân cư có đường điện do dân đóng góp. Nhà các thôn đều có số, có đội vệ sinh thu gom rác thải. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến lớp.
Hà Mòn có 3 cấp học là mầm non, tiểu học, THCS thì trường mầm non và tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia, trường THCS đang được xem xét công nhận. Xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Hằng năm, xã có 50-60 học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng. 100% cán bộ xã là con em của Hà Mòn. Trong khi các địa phương khác ở Kon Tum còn loay hoay với tình trạng thiếu y tá, bác sĩ thì Trạm Y tế Hà Mòn đã đạt chuẩn quốc gia.
Thu hoạch cà phê ở Hà Mòn. |
Xóa nghèo vật chất lẫn tinh thần
Hà Mòn 30 năm về trước là một bãi chiến trường, ngổn ngang tàn tích chiến tranh. Năm 1975, sau khi nước nhà thống nhất, ông Trần Kiên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum, quyết xây đập Đăk Ui, khai khẩn chiến trường xưa tạo nên một vùng lương thực dự trữ ở địa bàn chiến lược Bắc Tây Nguyên. Bảy đơn vị quân đội được điều về đây thành lập 7 nông trường vừa xây dựng kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực.
Từ năm 1980-1985, khi các nông trường lúa nước, cà phê ở đây hình thành, có hàng nghìn người con từ khắp nơi trong nước, chủ yếu là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình, Hải Dương… vào làm công nhân quốc phòng, cùng với cư dân bản địa định cư trên mảnh đất này.
Mãi đến ngày 1-2-1985 xã Hà Mòn mới thành lập, ngày đó Hà Mòn bao gồm thị trấn huyện, một phần của xã Đăk Mar bây giờ. Những bậc tiên hiền khai đất bám trụ chống chọi với sốt rét rừng, thiếu đói, tàn tích bom mìn chiến tranh… là động lực để thế hệ trẻ, lớp người thứ 2 hăng say xây mảnh đất này.
Hà Mòn là xã thuần nông, lấy cây cà phê làm chủ lực. Lúa nước và chăn nuôi chỉ là nguồn thu phụ. Đời sống bà con thăng trầm theo giá cà phê, tuy nhiên công sức người dân bỏ xuống để có những thành quả như hôm nay thật đáng tự hào. Năm 2008, Đăk Hà là huyện đầu tiên ở Tây Nguyên được tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới", thành tích đó có đóng góp lớn của Hà Mòn.
Bây giờ Hà Mòn là một trong số ít xã ở Tây Nguyên không còn hộ đói nghèo. 9/9 thôn đạt chuẩn văn hóa, mỗi thôn đều có đội bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, đội bóng đá thiếu niên nhi đồng, đội văn nghệ, trong đó đội bóng đá nữ và đội văn nghệ của xã nhiều năm liền đạt ngôi quán quân trong các giải phong trào do tỉnh Kon Tum tổ chức. 6/9 thôn của Hà Mòn có nhà văn hóa, xã có sân vận động.
Từ những ngày Nông trường Đăk Uy I (sau này là Cty Cà phê Đăk Uy) giữ vị trí kinh tế trụ cột của Hà Mòn, lãnh đạo của doanh nghiệp này, đặc biệt là cựu giám đốc Hoàng Trung Quý, đã góp phần rất lớn trong việc tạo ra môi trường đồng thuận và nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của bà con công nhân, bây giờ là những cư dân của Hà Mòn.
Nhiều năm, ông Quý bỏ ra cả trăm triệu đồng mời các ca sĩ, nhạc sĩ về đây biểu diễn, sáng tác. Bây giờ Hà Mòn có đến cả chục bài hát ca ngợi mảnh đất, con người nơi đây. Các phong trào văn hóa, thể thao do Nông trường Cà phê Đăk Uy I làm bà đỡ dần trở thành phong trào phổ biến khắp các thôn làng.
Qua hàng chục năm, lãnh đạo huyện Đăk Hà và xã Hà Mòn tiếp tục duy trì và tạo dựng nét văn hóa đặc trưng của Hà Mòn: Người dân làm ra đồng tiền không bo bo giữ của mà dùng nó phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho chính họ.
Anh Nguyễn Huy Quốc, Trưởng Đài truyền thanh truyền hình huyện, người gắn bó với Hà Mòn gần 30 năm nay, kể: Hà Mòn có những phụ nữ U 60 nhưng ghiền ca hát đến nỗi không cho các cụ lên sân khấu là không yên! Có cụ bà gần 70 tuổi suốt ngày tập múa, tập hát cho các chị em đội văn nghệ.
Ông Ngô Văn Doanh ở thôn Hải Nguyên bảo: "Hà Mòn hạ tầng chẳng thua phố xá! Nhưng nơi này hơn thành phố ở chỗ khí hậu trong lành, an ninh trật tự rất tốt, láng giềng hữu hảo thân tình. Ngoài xóa nghèo vật chất, Hà Mòn đã xóa nghèo tinh thần".
Nhiều ngôi biệt thự đẹp ở Hà Mòn. |
Đũa thần: Nông thôn mới
Ông Phạm Đức Hạnh, Bí thư huyện ủy Đăk Hà, giới thiệu vài thành tựu nông thôn mới ở Hà Mòn. Hầu hết tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới Hà Mòn đã đạt được. Hà Mòn có diện tích tự nhiên 3.825 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.500 ha, còn lại hơn 1.000 ha mặt nước thuộc lòng hồ thủy điện Plei Krông.
Hằng năm có gần 100 ha đất bán ngập được người dân canh tác cây trồng ngắn ngày. Nguồn nhân lực khá dồi dào, người dân từ các nơi đến đây gồm đồng bào Kinh, Mường, ÊĐê, H'Re, Ba Na… đều cần cù, quyết tâm xây dựng quê hương mới giàu đẹp.
Đăk Hà đặt ra mục tiêu đến hết năm 2011, xã Hà Mòn cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Đây là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên phấn đấu đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới sớm nhất. Hà Mòn đã đạt được 10 tiêu chí nông thôn mới: Nhà ở dân cư, thu nhập đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Có một số tiêu chí cơ bản đạt được, huyện có thể đầu tư làm chuyển đổi ngay trong năm nay như: Giao thông đến khu sản xuất, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất, giáo dục, Quy hoạch và chợ nông thôn. Riêng cơ cấu lao động của tiêu chí nông thôn mới là dưới 40% lao động nông nghiệp, Hà Mòn là xã thuần nông nên khó đạt tiêu chí này.
Trong số 2.750 người trong độ tuổi lao động có đến 2.400 người lao động nông nghiệp. Song lao động nông nghiệp ở đây khá đặc biệt bởi không ít hộ dân là công nhân của các công ty cà phê, họ có lương, có bảo hiểm.