Điêu khắc tượng đài - Bài 3: Lỗi từ qui hoạch và thẩm định?

Điêu khắc tượng đài - Bài 3: Lỗi từ qui hoạch và thẩm định?
TP - Xung quanh thực trạng đáng báo động của tượng đài Việt Nam, hai nhà chuyên môn sâu trong nghề: KTS Lê Hiệp và Nhà điêu khắc Đào Châu Hải cũng đã lên tiếng.

* KTS Lê Hiệp: Nghệ thuật không phải thứ để chia chác

Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề kiến trúc và đã có công trình tượng đài giúp tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước, kiến trúc sư Lê Hiệp vẫn đau đáu với nền kiến trúc nước nhà, trong đó có các công trình tượng đài.

Xin ông cho nhận xét về thực trạng kiến trúc đô thị ở Việt Nam?

Chính xác là Việt Nam chưa có nền kiến trúc tượng đài. Mỹ thuật đô thị thì vớ vẩn. Đến thời buổi này, thiết kế đô thị của ta vẫn theo tư duy làng. Gần đây nhất là biển hiệu ở phố Lê Trọng Tấn. Biển hiệu mà “đồng phục” thì không được. Rồi đèn trang trí đường phố lòe loẹt, không so được với ai cả,  thế giới chẳng ai làm thế. Giờ tôi thấy khu Trung Hòa- Nhân Chính thật đáng sợ, cả  “rừng” bê tông luôn. Ta đang đi theo xu hướng mà các nước phát triển đã bỏ từ lâu rồi.

Điêu khắc tượng đài - Bài 3: Lỗi từ qui hoạch và thẩm định? ảnh 1

Tượng đài Cá ba sa (An Giang), một trong những tác phẩm hiếm hoi mang tính văn hóa cộng đồng.

Nhiều người cho rằng, Việt Nam không có tượng đài đẹp?

Nói chung, cái đẹp thì không có công thức, không có tiêu chí, cũng không có tiền lệ. Cái mà nó không được phép thiếu duy nhất là cảm xúc. Không thể tồn tại một thứ nghệ thuật vô cảm, bám vào nghệ thuật để chia chác.

Thiết kế “Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc” đặt tại Quảng trường Ba Đình (gọi tắt là “đài tưởng niệm Bắc Sơn”) của tôi đã từng bị báo chí “đánh” tơi tả, nhưng tôi im lặng. Sau này tôi có nói kỹ về việc tôi thiết kế đài tưởng niệm Bắc Sơn. Vì sao nó nằm ở đấy? Đó có phải là việc của mình đâu. Việc là người ta giao cho mình một bản vẽ, được giới hạn đến đâu, sau lưng là gì, trước mắt là gì và phải đạt được những tiêu chí gì về mặt tư tưởng.

Trước đó, tôi có tham dự buổi thuyết trình của các KTS về dự án thiết kế đài tưởng niệm Bắc Sơn. Họ nói rất hay, nào là đi lên, tiến lên… Nhưng cuối cùng những ý tưởng hay ho đó có đưa được vào công trình đâu. Theo tôi, trong không gian như thế, làm như thế là tốt nhất. Tôi chỉ cố gắng làm sao tránh được lời chê, chứ không mong được khen vì người Việt ta đầy đố kỵ,  khen nhau hơi khó.

Tượng đài ở các nước là để trang trí. Thực chất, nó là tượng đài đô thị, kết hợp với yếu tố lịch sử rất nhẹ nhàng. Còn tượng đài ở Việt Nam thì nặng tính lịch sử, tâm linh.

Việt Nam không thiếu KTS có khả năng làm ra những tượng đài đẹp, tuy nhiên vai trò của họ chỉ là thứ yếu. Lực lượng chủ chốt định đoạt công trình lại là người không có chuyên môn. Động cơ của họ không phải là vấn đề thẩm mỹ, mà là ăn chia.

Có ý kiến nên thuê KTS nước ngoài?

Cái dở nhất hiện nay chính là thuê KTS nước ngoài. Gần đây, tôi thấy người ta còn mời cả KTS người Italia vào làm Nhà hát Thăng Long, nhưng tôi thấy  không hề đẹp. Vì cái khó nhất là công nghệ thì anh có thể thuê, chứ còn thiết kế có gì ghê gớm lắm đâu.

Được làm các công trình kiến trúc lớn là cơ hội hiếm. Cần tạo cơ hội cho cộng đồng kiến trúc Việt Nam trưởng thành, chứ không nên triệt tiêu bằng cách sính ngoại.

Điêu khắc tượng đài - Bài 3: Lỗi từ qui hoạch và thẩm định? ảnh 2

KTS Lê Hiệp.

Hoành tráng không có nghĩa là to

Ông có nhận xét gì về những công trình tượng đài hoành tráng ở Việt Nam?

Hoành tráng không có nghĩa là to. Có những cái bé nhưng rất hoành tráng.

Ngay  đài tưởng niệm Bắc Sơn cũng khá nhỏ, chỉ cao hơn 10m. Trong khi đó, tác phẩm đoạt giải nhất tại cuộc thi thiết kế lần đó cao hơn 20m, nhưng không được chọn.

Vậy Việt Nam có tượng đài nào nhỏ mà hoành tráng không, thưa ông?

Không có.

Nhìn ra nước ngoài thì sao?

Ở nước ngoài, nhiều tượng đài rất nhỏ nhưng hoành tráng, chẳng hạn như  tượng chú bé tè nổi tiếng ở Brusells, Bỉ. Tôi đã thăm một số tượng đài ở nước Nga, nhiều tượng nhỏ mà rất đẹp, chẳng hạn như những tượng đài Lê Nin. Chỉ có tượng đài Bà mẹ Tổ quốc mới cực lớn.

Hay như công trình kiến trúc Bức tường Việt Nam ở Mỹ. Nó chỉ là bức tường đen ghi tên những lính Mỹ đã tử trận tại Việt Nam, nhưng có góc nhỏ bên cạnh là tượng lính Mỹ mắt nhìn nhớn nhác cho ta một cái nhìn rất thật về tâm lý của những thanh niên Mỹ ra trận thời đó như thế nào, chứ không nhất thiết phải dựng những người lính anh hùng. Họ dựng tượng đó nhỏ, nhưng rất thật, thật từ cái xỏ dây giầy…

Còn các tượng đài hoành tráng của Việt Nam?

Chả ra gì. Thực ra, đó là cái tiêu biểu cho dòng suy nghĩ tương tự như việc làm ra những chiếc bánh chưng, bánh dày khổng lồ.

Nói chung tượng đài ở Việt Nam vẫn theo chủ nghĩa thật thà. Nhưng lại là thật thà xấu. Thật như tượng ở Việt Nam là thật mà không thật. Tôi còn nhớ thời tỉnh Thanh Hóa đặt hàng dựng tượng Lê Lợi. Tôi có tham dự một hội thảo kiến trúc, tại đó, người ta bàn bạc nhiều đến việc Lê Lợi bao nhiêu tuổi, đội mũ gì, mặc áo gì, đi giầy gì… Đấy là nhiệm  vụ của các nhà như sử gia, trang phục học đấy chứ… Sau đấy, tôi nói, có những tượng không có quần áo thì lấy gì bàn. Tượng Phan Bội Châu ở Huế, có mỗi cái đầu thôi nhưng rất đẹp. Sao cứ phải đi theo lối mòn: tóc ra làm sao, râu, quần áo như thế nào, mũ nọ, mũ kia…

Lúc đó, Tạ Quang Bạo, cũng người Thanh Hóa, muốn làm một bức tượng Lê Lợi. Tôi gợi ý, không nên cho Lê Lợi hoàn chỉnh quá, bởi tư tưởng của ông là lên đường. Nếu có ngựa thì để Lê Lợi mặc một cái áo bào thì khối đã rất đẹp, chỉ cần ghếch chân lên bàn đạp yên ngựa, chứ chưa cần ngồi lên. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bảo ý tưởng chú mày được đấy, nhưng hội đồng thẩm định không duyệt đâu.

Điêu khắc tượng đài - Bài 3: Lỗi từ qui hoạch và thẩm định? ảnh 3

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải.

* Nhà điêu khắc (NĐK) Đào Châu Hải: Tượng đài đơn điệu từ khâu thẩm định phác thảo

Từng  là tác giả của nhiều công trình tượng đài cấp quốc gia, được đánh giá cao về chuyên môn, nhà điêu khắc (NĐK) Đào Châu Hải cho rằng  những bất cập về tượng đài ở ta chỉ như “con kiến” trong “con voi”  tổng thể qui hoạch đô thị.

Sự thiếu hợp lý trong qui hoạch vĩ mô không dễ nhận ra nên công chúng trút giận lên những tượng đài sừng sững đập ngay vào mắt mỗi ngày họ đi qua. Tượng đài đẹp thiếu, không gian cho tượng đài cũng khan hiếm. Câu chuyện tìm chỗ cho tác phẩm điêu khắc cũng là băn khoăn lớn với cấp quản lý. 

Hiện tại, TP HCM đang lưu giữ một tượng điêu khắc do chính phủ Pháp ?tặng nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Ngày lễ lớn đã trôi qua 1 năm mà quà tặng vẫn chưa biết đặt ở vị trí nào, ngoài ra còn 2 dự án tượng đài Nam bộ kháng chiến và tượng đài Thống nhất sẽ thực hiện nhưng chưa tìm ra địa điểm đặt tượng phù hợp.

Theo ông Hải, qui hoạch đô thị trong đó có tượng đài giống như tấm gương phản ánh tinh thần của quốc gia. Đến một đất nước, nhìn tổng thể cảnh quan sẽ hình dung ra cái ổn và cái không ổn về chính trị xã hội nơi đó.

Số lượng  tượng đài ở VN vẫn là ít so với các nước châu Á, đa số tác phẩm có nội dung tuyên truyền, na ná giống nhau nên công chúng luôn có phản xạ chỉ trích, cứ tượng đài là nhìn ra lãng phí và đổ lỗi cho một số cá nhân.

Đã có nhiều hội thảo, talk show nhà quản lý đối thoại với người làm điêu khắc nhưng câu hỏi “vì sao qui hoạch kiến trúc chỉ coi trọng tượng đài tuyên truyền và xem nhẹ tượng đài văn hóa cộng đồng” vẫn phải bỏ ngỏ. Người quan tâm nghệ thuật điêu khắc tìm kiếm mỏi mắt qua google mới thấy một vài công trình mang tính văn hóa cộng đồng như tượng đài cá Basa ở Châu Đốc (An Giang), tượng đài phun nước Đàn Kìm ở Bạc Liêu và gần đây may quá có Tượng đài mẹ VN anh hùng tại Quảng Nam.

Theo NĐK Đào Châu Hải, tại các nước lớn như Mỹ, Nga, nhà nước cũng đầu tư nhiều cho tượng đài tuyên truyền nhưng ngôn ngữ nghệ thuật được chú trọng song song với vận dụng công nghệ tiên tiến.

Tượng đài Mẹ Tổ quốc (TP Volgograd, Nga), khánh thành 1967  cho đến nay nó vẫn là bức tượng chủ đề phi tôn giáo lớn nhất thế giới. So với các tượng đài lớn sau này ở Liên Xô (cũ), Mẹ Tổ quốc có cấu trúc phức tạp  về kỹ thuật và công nghệ xây dựng; Nguyên do nằm ở hình dáng đặc trưng của tượng với thanh kiếm giơ cao ở tay phải và tay trái đưa ra sau lưng. Công nghệ áp dụng trong việc dựng tượng dựa trên sự kết hợp của việc sử dụng kết cấu bê tông ứng suất  với các dây cáp thép. Sau nửa thế kỷ, giới chuyên môn vẫn đánh giá đây là tác phẩm đáng ngưỡng mộ về cả kỹ thuật xây dựng và ngôn ngữ tạo hình.

“Tác phẩm điêu khắc sẽ có sức thuyết phục khi ý tưởng chuyển tải chỉ giữ 30%, 70% là hiệu ứng nghệ thuật”. Ở ta các nhà quản lý thường không hiểu về chuyên môn, không có khái niệm về văn hóa cộng đồng nên tượng đài đơn điệu hình thành từ khâu thẩm định phác thảo. Nên tuyển chọn người làm chuyên môn thực sự, có tác phẩm chất lượng vào hội đồng thẩm định thay vì người có chức danh, học hàm học vị, NĐK nêu ý kiến.

Không đồng tình với lý lẽ “tượng đài nghèo nàn vì dân trí thấp”, ông Hải nói “Dân trí ở Mỹ cũng không cao như chúng ta tưởng. Là do trình độ của cơ quan quản lý”.

NĐK định nghĩa tượng đài đẹp là không nhăm nhăm chuyển tải nội dung tuyên truyền hoặc áp đặt thông điệp lộ liễu mà trước tiên người xem được thỏa mãn về thị giác. Bản thân tác phẩm hấp dẫn là chiến lược hữu hiệu nhất cho giáo dục, nâng thẩm mỹ công chúng.

MỚI - NÓNG