Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng ở Đông Bắc Á gia tăng đầy kịch tính khi Nhật Bản thông báo rằng từ 4/7, nước này sẽ hạn chế xuất khẩu ba loại vật chất được sử dụng để sản xuất con chip và màn hình cho điện thoại thông minh của các hãng Hàn Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cáo buộc Tokyo ra đòn trả đũa đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc cho rằng các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các lao động cưỡng bức trong giai đoạn Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.
Nhật Bản cho rằng các cáo buộc liên quan đến giai đoạn đô hộ đã được giải quyết thông qua hiệp ước bình thường hóa quan hệ song phương ký năm 1965, theo đó Nhật cung cấp cho Hàn Quốc 800 triệu USD hỗ trợ kinh tế và cho vay.
Tokyo cũng viện lý do quan ngại về an ninh quốc gia xuất phát từ việc quản lý thiếu chặt chẽ của Seoul đối với việc xuất khẩu các loại hóa chất nhạy cảm, bao gồm hydrogen fluoride, chất có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hóa học tại các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của LHQ, ví dụ như Triều Tiên.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, theo SCMP, đang cân nhắc loại Hàn Quốc khỏi một “danh sách trắng” các quốc gia kiểm soát thương mại tối thiểu.
Động thái hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đã tác động đến các hãng công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix, phụ thuộc vào các nhà cung cấp Nhật Bản về một số loại vật chất. Các hãng này sản xuất con chip và màn hình rồi sau đó bán lại cho Apple để sản xuất điện thoại.
Theo các nhà phân tích, chuỗi cung ứng phức tạp liên quan đến việc sản xuất các sản phẩm công nghệ thông dụng đồng nghĩa rằng các căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai láng giềng ở Đông Á có thể dẫn đến việc tăng giá các loại sản phẩm trên quy mô toàn cầu.
“Quyết định của Nhật Bản đối với Hàn Quốc sẽ có tác động dây chuyền, lan tới các quốc gia khác”, chuyên gia kinh tế Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc nói.
Bernstein, một công ty quản lý đầu tư và nghiên cứu thông báo hôm thứ Hai rằng giá của chip RAM trong các thiết bị điện tử đã tăng 12% trong vòng chưa đầy một tuần. Hàn Quốc là nhà sản xuất chip RAM lớn nhất thế giới.
Trong lúc này, các công ty lớn như Samsung và SK Hynix bắt đầu trông sang Trung Quốc, Đài Loan, hoặc các nhà sản xuất địa phương để bù đắp thiếu hụt các loại vật liệu chính.
Vì sao Nhật-Hàn không thể “hòa thuận”?
Mặc dù cả hai đều là đồng minh của Mỹ và có mối quan tâm về an ninh chung là vấn đề Triều Tiên, song Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề lịch sử và lãnh thổ.
Các vấn đề đó bao gồm chuyện “phụ nữ mua vui”, uyển ngữ chỉ các phụ nữ Hàn Quốc và nhiều nước châu Á khác bị buộc phải lao động trong các nhà thổ phục vụ quân đội Nhật Bản trong thời kỳ đô hộ. Một thỏa thuận năm 2015 đã đổ bể vào năm 2017 sau khi Seoul giải tán một tổ chức được lập ra để cung cấp các khoản đền bù, tiếp sau các phàn nàn từ những phụ nữ mua vui còn sống rằng họ đã không được tư vấn một cách đầy đủ và đúng cách về thỏa thuận này.
Ngoài ra, đó còn là tranh chấp liên quan đến đảo Dokdo mà phía Nhật Bản gọi là Takeshima.
Brad Glosserman, phó giám đốc Trung tâm Luật lệ tạo ra chiến lược tại đại học Tama ở Tokyo nói các tranh cãi về lịch sử và lãnh thổ thường được mang ra khai thác nhằm đạt ý đồ chính trị ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Và mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước nói họ sẽ làm việc để cải thiện quan hệ Nhật-Hàn, David Stillwell, thứ trưởng ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước nói Mỹ không có ý định can thiệp. Các nhà phân tích nói sự hoài nghi của Tổng thống Donald Trump đối với các liên minh truyền thống, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Mỹ, Hàn cải thiện đồng nghĩa rằng Washington sẽ chọn cách đứng ngoài sự chia rẽ giữa hai đồng minh của họ ở Đông Á.
“Quyết định của Nhật Bản đối với Hàn Quốc sẽ có tác động dây chuyền, lan tới các quốc gia khác”.
Chuyên gia kinh tế Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc