Điều gì diễn ra ở nơi ‘xả hơi’ của lãnh đạo Trung Quốc?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tranh thủ hội nghị ở Bắc Đới Hà năm nay để tập hợp đồng thuận. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tranh thủ hội nghị ở Bắc Đới Hà năm nay để tập hợp đồng thuận. (Ảnh tư liệu)
TPO - Thoạt nhìn có vẻ thấy giai đoạn quan trọng nhất của chính trị Trung Quốc rơi vào 3 tháng cuối năm, khi giới tinh hoa tập trung tại Bắc Kinh để tham dự hàng loạt cuộc họp ra quyết định quan trọng, kết thúc bằng phiên toàn thể của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Nhưng trên thực tế, không khí chính trị nóng nhất bắt đầu từ tháng 8, nơi các lãnh đạo nghỉ hưu và đương nhiệm Trung Quốc tập trung ở khu nghỉ dưỡng bờ biển Bắc Đới Hà (Beidaihe) để trốn cái nóng ở thủ đô và bàn chính sự. 

Nằm cách thủ đô Bắc Kinh 300 km về phía đông, Bắc Đới Hà là nơi thư giãn cho các lãnh đạo đảng, đặc biệt là những lãnh đạo đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn ảnh hưởng, trao đổi quan điểm về những chính sách lớn. Những quan điểm đó sẽ được đưa vào các cuộc họp chính thức về chính sách vào tháng 10 ở Bắc Kinh, khi thời tiết đã trở nên mát mẻ. 

Theo truyền thống, sẽ không có thông báo chính thức nào về cuộc gặp ở Bắc Đới Hà. Giới quan sát để ý thấy sự vắng mặt đột ngột của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác trên các bản tin hằng ngày của truyền hình nhà nước sẽ đoán ra kỳ hội nghị mùa hè đã bắt đầu. 

Trong những năm gần đây, sự khởi đầu của kỳ hội nghị này được gợi ý bằng các bản tin về việc lãnh đạo cấp cao Trung Quốc chào đón các nhà khoa học và học giả được mời đến khu nghỉ dưỡng. 

Điều gì diễn ra ở nơi ‘xả hơi’ của lãnh đạo Trung Quốc? ảnh 1 Toàn cảnh khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà. (Ảnh: SCMP)

Từ thời nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19, Bắc Đới Hà được dùng làm khu nghỉ dưỡng mùa hè để các nhà ngoại giao thư giãn. Dưới thời Quốc dân đảng, từ năm 1911 đến 1949, Bắc Đới Hà và khu Lỗ Sơn ở miền nam Trung Quốc, trở thành 2 khu nghỉ dưỡng mùa hè chính cho các quan chức chính phủ. 

Nhưng Bắc Đới Hà chỉ trở thành nơi tụ họp chính trị quan trọng khi cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, một người bơi rất giỏi, quyết định xây “văn phòng mùa hè” ở đây cho các quan chức trốn nóng ở Bắc Kinh. Kể từ đó, thị trấn nghỉ dưỡng này là nơi ra đời của nhiều quyết sách lịch sử, như chương trình Bước đại nhảy vọt của Chủ tịch Mao và chiến dịch tấn công Kim Môn, một thành trì của lực lượng Quốc dân đảng ở đại lục, vào năm 1958.

Tầm quan trọng của hội nghị mùa hè ở Bắc Đới Hà đã giảm bớt dưới thời ông Tập. Kể từ khi được nâng lên vị trí ngang hàng Chủ tịch Mao và cao hơn hàng các nhà lãnh đạo thời hậu Mao, ông Tập được cho là đã giảm bớt đáng kể tầm ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo về hưu. 

Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng Bắc Đới Hà vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chính trị Trung Quốc, tạo cơ hội cho ông Tập nhìn lại và điều chỉnh các chính sách, cho dù có rất ít dấu hiệu cho thấy vai trò lãnh đạo của ông Tập sắp bị thách thức. Đó là lý do dịp gặp gỡ ở Bắc Đới Hà năm nay vẫn được theo dõi sát sao. 

Ngoài chuyện thư giãn với ánh nắng trên bãi biển, các lãnh đạo Trùng Quốc cũng sẽ gặp nhau thường xuyên ở Bắc Đới Hà, nơi họ tiếp tục tham gia họp hằng tuần của Ủy ban thường vụ Bộ chính trị, họp hằng tháng của Bộ chính trị, cũng như các cuộc thảo luận của các cơ quan đảng, chính phủ và quân đội. 

Các quan chức thuộc một số bộ ngành quan trọng cũng đến thị trấn này để sẵn sàng báo cáo hoặc để lãnh đạo hỏi ý kiến. 

Điều gì diễn ra ở nơi ‘xả hơi’ của lãnh đạo Trung Quốc? ảnh 2 Bắc Đới Hà trở thành nơi họp bàn chính sự từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông. (Ảnh tư liệu)

Cuộc gặp năm nay sẽ được theo dõi rất kỹ, trong bối cảnh lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ. Đó là quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại, khủng hoảng Hong Kong, diễn biến mà các lãnh đạo đảng ở Bắc Kinh coi là một thách thức đối với chủ quyền của Trung Quốc. Đó còn là các nhân tố ủng hộ độc lập nổi lên ở Đài Loan, là nền kinh tế đang phát triển chậm lại với tốc độ thấp kỷ lục. 

Ông Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại trường King’s College ở London, cho rằng trọng tâm hội nghị năm nay sẽ là bối cảnh quốc tế xấu đi, đặc biệt là quan  hệ Mỹ - Trung. 

“Tôi tưởng tượng rằng hội nghị năm nay sẽ tập trung vào các vấn đề bên ngoài nhiều hơn bất kỳ hội nghị nào trước đây. Có thể ông Tập hay bất kỳ ai ở nước này biết cách nên làm gì với Mỹ dưới một sự lãnh đạo gây chia rẽ như vậy”, ông Brown nói. 

Các nhà phân tích tin rằng ông Tập sẽ tranh thủ dịp hội nghị lần này ở Bắc Đới Hà để tập hợp đồng thuận trong giới lãnh đạo về cách xử lý hậu quả chính trị từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đợt biểu tình ở Hong Kong và các vấn đề cấp bách khác. 

Những vấn đề này đều có tầm quan trọng chiến lược đối với lợi ích cốt lõi và sự phát triển của Trung Quốc, ảnh hưởng đến khả năng có đạt được “2 mục tiêu thế kỷ” mà ông Tập đặt ra hay không, đó là trở thành “một xã hội thịnh vượng hài hòa” vào năm 2021, và đưa Trung Quốc trở thành một đất nước “giàu có, vững mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa” vào năm 2049. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.